![]() |
Ảnh: Pro.corbis.com. |
Là chủ một doanh nghiệp tư nhân có cỡ ở Gia Lâm, Hà Nội, ông Hiếu không thiếu tiền và nhà cửa. Thế nhưng, mấy năm nay, trong nhà ông không hề có tiếng cười vì cậu quý tử nghiện ma túy. Hết khuyên bảo đến đưa con đến trại cai nghiện hay thuê người giám sát mà chẳng ích gì, họ cảm thấy bất lực thì được một người bạn gợi ý: "Lấy vợ cho nó. Có gia đình biết đâu nó sẽ tu tỉnh lại và quyết tâm cai nghiện".
"Ai mà chịu lấy thằng con bất hảo này chứ?", ông Hiếu nghĩ bụng. Nhưng ông lại nhớ đến cô con gái một người bạn đồng ngũ mới nhờ ông xin việc. Cô này ngoan ngoãn, suýt soát tuổi với Công, đang mang ơn ông, lại không biết gì về "thành tích" của cậu ấm nên không nghi ngờ gì khi ông có ý vun vào cho con trai mình. Công lúc này chẳng cần gì ngoài tiền để đi chích nên bố mẹ bảo sao cũng gật. Đám cưới diễn ra chẳng bao lâu sau.
Thế nhưng, không như mong đợi của ông bà, cô con dâu sớm phát hiện chồng là kẻ nghiện ngập và không chịu sống trong cảnh "địa ngục" nên đã bỏ về nhà mẹ đẻ. Vậy là, con trai chẳng thay đổi gì, ông bà Hiếu còn mang tiếng là kẻ lừa đảo, bị gia đình người bạn -thông gia căm giận đến tận xương.
Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Quách Thị Quế, Trung tâm tư vấn tâm lý thuộc Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, những trường hợp như trên không phải là hiếm. Nhiều ông bố bà mẹ có con trai hư hỏng, vướng vào nghiện ngập hay bệnh tật, muốn lập gia đình cho con với hy vọng nó sẽ thay đổi, tu chí lại. Có những người cảm thấy quá mệt mỏi, bất lực trước đứa con bất trị nên muốn chuyển trách nhiệm "dạy dỗ", "cải tạo" cho con dâu. Họ làm việc ấy chỉ với tính toán trước mắt mà không biết được hậu quả của nó. Bởi thực ra, một người muốn thay đổi hay từ bỏ cái xấu phụ thuộc vào chính ý chí, nghị lực, quyết tâm của người ấy chứ không phải là sự tác động nào khác.
Một ca tư vấn mới đây của bà Quế là một ví dụ. Người đến tư vấn là cô con dâu, "nạn nhân" của một cuộc hôn nhân sắp đặt như thế.
Sau quy hoạch đất đai để làm sân vận động Mỹ Đình, nhà ông Châu ở gần khu đó giàu lên nhanh chóng vì có rất nhiều đất. Ông bà bỏ hẳn nghề trồng và bán rau, xây được nhà cao tầng và khu nhà trọ cho thuê, mua xe, thoải mái cho tiền cậu con út. Nhưng cũng vì thế, anh Hải, con ông, trở nên lười biếng, bỏ học, lêu lổng rong chơi, nhất định không chịu làm gì. Khuyên bảo con chán, ông bàn với bà: "Kiếm cho nó con vợ ngoan ngoãn, về để hai đứa bảo nhau, rồi cho chúng ít vốn mà tự làm ăn".
Thực ra, từ lâu bà Châu đã nhắm nhe được cô Tuyến, ở trọ cạnh nhà. Cô từ tỉnh lẻ ra, làm công nhân may ở phố Mai Dịch, Hà Nội. "Con bé nhà nghèo nhưng ngoan và cũng xinh xắn lắm. Thể nào thằng Hải cũng ưa", bà Châu bảo chồng. Quả thật, Hải không phản đối gì khi bố mẹ có ý dạm Tuyến cho anh. Tuyến mới đầu cũng phân vân, nhưng được các bạn cùng phòng trọ động viên: "Mình nhà nghèo, sống nơi đất khách quê người, biết bao giờ ngẩng mặt lên được. Giờ tự dưng lấy được anh chồng tử tế, nhà giàu, lại được bố mẹ chồng quý nữa, còn gì bằng".
Ba tháng sau, đám cưới được tổ chức trong niềm hân hoan của cả hai gia đình. Mái ấm của Hải và Tuyến cũng không có khúc mắc gì đáng kể. Thế nhưng, Hải vẫn chứng nào tật nấy, suốt ngày rong ruổi chơi bời, chẳng chịu tính chuyện làm ăn. Ông bà Châu cho vốn để con mở cửa hàng thì Hải gạt đi: "Con biết gì đâu mà làm. Rồi lại lỗ chỏng vó, bố mẹ có lo nổi không". Tuyến lúc này đã bỏ việc ở xưởng may, về làm nội trợ, sinh được một cô con gái và an phận làm dâu.
Bà Châu từ chỗ quý con dâu là thế lại đâm ra ghét bỏ cô, nói bóng gió: "Cưới cô về là muốn cô khuyên bảo nó làm ăn, chứ không phải để nuôi thêm một đứa vô công rồi nghề". Bà ra sức chia rẽ mái ấm của con trai. Hải tuy chẳng giận vợ điều gì nhưng nghe lời mẹ cũng đâm đơn ly dị. Đến giờ, Hải vẫn ăn cơm, tiêu tiền của bố mẹ, la cà chỗ này, chỗ kia, thỉnh thoảng ghé thăm vợ con, chẳng lo lắng gì. Anh cũng có ý muốn nối lại tình cảm với vợ. Chị Tuyến cùng con gái trọ ở gần nhà chồng, công việc bấp bênh, băn khoăn việc quay trở lại gia đình chồng dù biết chỉ để làm "ôsin không công" cho họ mà thôi.
Theo bà Quế, thường, cha mẹ nào cũng muốn nhìn thấy con có mái ấm gia đình yên ổn, hạnh phúc, chí thú làm ăn. Tuy nhiên, cố lấy vợ cho con dù chúng đang hư hỏng, nghiện ngập hay bệnh tật mà không lường hết hậu quả sau đó và những hệ lụy mà người lấy con mình phải chịu là một sự ích kỷ. Và việc làm đó, đôi khi chính họ phải ghánh lấy hậu quả, có khi nó còn ảnh hưởng đến thế hệ sau.
Như trường hợp của Thuận, kế toán một công ty giày ở Thanh Xuân, Hà Nội là một ví dụ.
Thuận đến Trung tâm tư vấn tâm lý và sức khỏe sinh sản của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam với gương mặt xanh xao, hốc hác và tâm trạng bế tắc. Chị kể, chị và chồng mình bây giờ yêu nhau 5 năm mới kết hôn. Trước khi cưới, chị được gia đình chồng rất quý nhưng lại nghe nhiều người đồn thổi, ông nội anh từng chết vì bệnh tâm thần phân liệt nên cũng hơi lăn tăn. Nhưng mẹ chồng tương lai đã trấn an Thuận: " Ông mất vì tai nạn. Nhiều người ghen ghét nhà này nên mới bịa đặt thế con ạ".
Thế nhưng, lấy nhau rồi, có một con gái 2 tuổi, Thuận mới phát hiện chồng mình cũng mang căn bệnh di truyền ấy.
Trước khi cưới, chị biết anh rất hay nghi ngờ, nhưng lấy rồi, càng ngày, Thuận càng không chịu được sự ghen tuông vô cớ và bệnh hoạn của chồng. Có khi, chỉ vì Thuận đi làm về muộn, chồng cũng làm ầm lên, bắt chị ngồi cả đêm để nghe anh sỉ vả, nhiếc móc. Sáng ra, chị đi làm với đôi mắt trũng sâu và khuôn mặt tái xám. Việc đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần khiến Thuận không thể chịu đựng và bỏ về nhà mẹ đẻ. Bà mẹ chồng lúc này mới thú thật: "Nó bị bệnh tâm thần phân liệt từ nhỏ, nhưng mẹ thương quá, nghĩ lấy vợ vào có thể bệnh thuyên giảm nên mới giấu con".
Nghe sự thật này, Thuận càng rơi vào tâm trạng bế tắc: Cứ sống mãi với người chồng như vậy thì không thể chịu được, con gái cũng hoảng loạn theo, còn bỏ chồng, cô lo bệnh anh nặng thêm, mình lại mang tiếng nhẫn tâm.
Minh Thùy