Sáng 12/10, khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc đông đúc sinh viên hơn thường ngày. Tất cả tập trung dự lễ khai giảng năm học mới và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.
Năm nay, 6.000 học sinh, sinh viên đến từ 8 trường, khoa trực thuộc học tập tại đây, tăng gần gấp bốn lần so với năm ngoái. Trong đó có các tân sinh viên trường Y Dược, Công nghệ, Việt Nhật, Luật, Giáo dục, Quốc tế, khoa Các khoa học liên ngành và toàn bộ học sinh khối 10 của trường THPT Khoa học Giáo dục.
Giám đốc Lê Quân nhắn nhủ các tân sinh viên, học đại học là một hành trình hoàn toàn mới mẻ, nhiều thử thách nhưng vô cùng quan trọng trong hành trình dài đi đến một tương lai tốt đẹp.
"Học đại học không phải là con đường duy nhất để thành công nhưng lại là con đường của số đông, của những người bình thường và là con đường chắc chắn nhất dẫn đến thành công", ông nói.
Ngoài chương trình học tập, người đứng đầu Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết năm nay đại học này triển khai mô hình giáo dục ba toàn diện cho sinh viên năm thứ nhất tại Hòa Lạc, gồm: Khỏe về thể chất - Mạnh về tinh thần - Giỏi về kỹ năng xã hội.
Bắt đầu từ kỳ II, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng chương trình giáo dục thể chất mới, chính thức đưa bộ môn Võ cổ truyền vào giảng dạy cùng nhiều hoạt động theo mô hình câu lạc bộ, nhằm phát triển năng lực, sở trường, tạo hứng thú, duy trì thói quen tập luyện thể thao cho sinh viên.
Ngay trong lễ khai giảng, sinh viên được trải nghiệm cưỡi ngựa, bắn cung, ném còn, nhảy sạp. Đây là các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian dự kiến được đưa vào môn Giáo dục thể chất để sinh viên lựa chọn trong thời gian tới.
Thu Thảo, sinh viên năm nhất trường Đại học Giáo dục, bất ngờ khi lần đầu thử cưỡi ngựa. Em đã gọi video về cho mẹ để khoe về ngày khai giảng đặc biệt nhất từ trước đến nay.
"Em mới thử cưỡi ngựa và ném còn. Em còn muốn thử nhảy sạp và bắn cung. Em sẽ tham gia nhiều hoạt động nhất có thể và chụp thật nhiều ảnh làm kỷ niệm", Thảo nói.
Khu vực tổ chức giải chạy gần đó cũng đông đúc. Hoàng Anh Văn, sinh viên năm thứ nhất Khoa Các khoa học liên ngành, hào hứng khi lần đầu được tham gia giải chạy ngay trong ngày khai trường.
"Em thấy hoạt động rất ý nghĩa nên đã đăng ký hai nội dung là chạy tiếp sức 100 m và chạy cự ly 5.000 m", Anh Văn nói.
Nam sinh cho rằng hoạt động này như một cách nêu cao tinh thần thể dục, thể thao, đồng thời như bước tạo đà để sinh viên hứng khởi bước vào năm học mới. Đây cũng là dịp giúp Văn kết nối, giao lưu với các sinh viên khác trong toàn Đại học Quốc gia Hà Nội và các thầy cô trong trường.
Cô Vũ Thị Hương Giang, Trung tâm Khảo thí, cũng rất hào hứng thi chạy tiếp sức. "Không chỉ sinh viên, cán bộ, giảng viên cũng cần rèn luyện thể dục, thể thao", cô Giang nói và cho biết đây là lần đầu tiên một giải chạy được tổ chức trong ngày khai giảng của toàn Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đại học Quốc gia Hà Nội hiện có 9 trường đại học thành viên, 2 trường và 2 khoa trực thuộc, 6 viện nghiên cứu và các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, các đơn vị phục vụ và chuyển giao tri thức.
Đề án quy hoạch tổng thể đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 10/2013, gồm 21 dự án, quy mô đáp ứng khoảng 60.000 sinh viên. Khuôn viên được xây dựng theo mô hình "5 trong 1": Trung tâm đào tạo tài năng; trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ; trung tâm đổi mới sáng tạo; đô thị đại học thông minh; trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu.
Hiện, Đại học Quốc gia Hà Nội tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng bộ các hạng mục liên quan như giảng đường, khu nội trú, khu nghiên cứu, giáo dục thể chất, dịch vụ tiện ích, y tế và các khu hoạt động trải nghiệm. Dự kiến đến năm 2025, cơ sở vật chất ở Hòa Lạc sẽ hoàn thành giai đoạn 1, vận hành với quy mô 15.000 sinh viên.
Đại học Quốc gia Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 vào top 100 châu Á, top 500 thế giới; đến năm 2040 vào top 300. Hiện tại, theo xếp hạng của tổ chức QS (Quacquarelli Symonds), Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong nhóm 1.000 đại học tốt nhất thế giới.