"Ngộ độc thực phẩm tại gia đình có xu hướng tăng cả về số vụ, lượng người mắc và tử vong. Những ngày Tết cổ truyền, nhu cầu sử dụng thực phẩm tại gia đình càng nhiều. Do vậy, hết sức chú trọng việc chọn lựa và chế biến thực phẩm để tránh ngộ độc", TS Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), phát biểu trong hội nghị Bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trong tết vì sức khỏe cộng đồng, tổ chức tại TP HCM sáng 13/1.
Theo ông Trung, trong năm 2012 cả nước có 95 trong số 168 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại gia đình, chiếm gần 57% (năm 2011 có 80 vụ). Gần 1.220 người mắc, 28 người tử vong. Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc do sử dụng thực phẩm chế biến hỗn hợp (gần 58%), nấm độc (gần 12%), thủy sản (hơn 10%)...
Riêng các tỉnh và thành phố ở khu vực phía Nam, bác sĩ Huỳnh Văn Tú, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM, cho biết năm 2012 có 17 trong 49 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại gia đình, chiếm gần 35% các vụ ngộ độc. Thực phẩm chế biến hỗn hợp cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc (hơn 55%), kế đến là thủy sản (trên 20%)...
Thực phẩm chế biến hỗn hợp (ví dụ như đồ xào, canh, thịt lagu...) để lâu đa phần nhiễm vi sinh, còn thủy sản nhiễm hóa chất hoặc độc tố tự nhiên. Bữa ăn trưa và chiều nghi ngờ là "thủ phạm" gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm gia đình bởi thức ăn nấu chín càng để lâu càng dễ nhiễm vi sinh hoặc thực phẩm từ sáng đến chiều dễ biến chất.
TS Trần Quang Trung cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết còn diễn biến khá phức tạp do ngộ độc tại gia đình có xu hướng tăng. Nấm độc, độc tố tự nhiên trong thủy sản chưa kiểm soát triệt để nên người tiêu dùng vẫn có thể sử dụng. Trong khi đó, bác sĩ Tú nhận định do kinh tế khó khăn, thu nhập thấp nên nhiều gia đình chấp nhận sử dụng thực phẩm giá rẻ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, do thiếu hiểu biết nên người tiêu dùng vẫn chọn mua thực phẩm thiếu an toàn hoặc quá tin tưởng vào sự bảo đảm (thường là thiếu căn cứ) của người bán.
GS-TS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho rằng thịt lợn, rượu, mứt, chà bông, rau củ quả... được gia đình sử dụng nhiều trong những ngày Tết. Tuy nhiên, kết quả kiểm định trên phạm vi cả nước năm 2012 cho thấy 16/244 mẫu thịt lợn (gần 7%) còn tồn dư chất cấm; 170/250 mẫu rượu các loại (68%) không đạt chỉ tiêu aldehyte và methanol; 89/134 mẫu ô mai, xí muội các loại (hơn 66%) không đạt chỉ tiêu chì, đường hóa học, chất bảo quản. Ngoài ra, 130/244 mẫu chà bông thịt lợn các loại (trên 53%) không đạt chỉ tiêu vi sinh, chất bảo quản, đường hóa học; 16/320 mẫu rau tươi (5%) và 3/310 mẫu quả tươi (gần 1%) tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật. Do vậy, các bà nội trợ lựa chọn kỹ các thực phẩm để tránh nguy cơ ngộ độc.
Lời khuyên khi bị ngộ độc thực phẩm: GS-TS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam: Nghi ngờ người trong gia đình ngộ độc thực phẩm thì ngưng ngay thức ăn, đồ uống đó. Giữ toàn bộ thức ăn, đồ uống còn lại, kể cả chất nôn, phân, nước tiểu... để cơ quan y tế xét nghiệm, tìm nguyên nhân. Loại trừ lập tức độc tố ra khỏi cơ thể bằng cách gây nôn (ngoáy ngón tay trong cổ họng, cho uống nước muối...). Rửa dạ dày bằng nước ấm, nước muối sinh lý càng sớm càng tốt (trước 6 tiếng). Nhanh chóng đưa người nhà đến cơ sở y tế gần nhất. Bác sĩ Huỳnh Văn Tú, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM: Cơ quan quản lý cần thông tin công khai, rộng rãi theo luật định về cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm để hỗ trợ người tiêu dùng chọn lựa thực phẩm an toàn. |
Theo Pháp luật TP HCM