![]() |
Đứa con nhiều khi là chất keo gắn lại tình cảm vợ chồng. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Corbis.com. |
Chuyện "chuộc" lại người chồng đã phản bội mình từ tay tình địch của chị Loan, kế toán, ở phường 2, quận 10 TP HCM khiến không ít người thảng thốt.
Chồng chị Loan là giáo viên. Hai người bước vào hôn nhân khi đã vững chắc về sự nghiệp. Mái ấm của họ luôn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc với sự theo nhau ra đời của hai đứa con.
Hạnh phúc gần 10 năm, thầy giáo Toàn, chồng chị, thưa dần các buổi dẫn vợ con đi dạo, lười đi ăn ngoài và lầm lì ít nói hơn. Chị Loan lo tài chính gia đình, công ty và chuyện con cái ăn học, đau ốm nên không còn thời gian để nhìn sang chuyện khác. Cuộc sống của họ có vẻ yên ổn cho đến một ngày, một cô gái trẻ ôm theo đứa bé trai khoảng một tuổi đến xin mẹ chồng chị Loan năm cây vàng, với lời hứa sẽ trả lại cha cho các đứa trẻ và trả chồng cho chị.
Cặp đôi hạnh phúc ấy bắt đầu những tháng ngày trầm uất, giằng xé. Dị nghị, dèm pha chồng chất khiến họ càng căng thẳng, không thể ngồi lại cùng nhau bàn bạc điều gì, đành đi đến ly dị. Họ thống nhất sống chung mái nhà, nấu cùng nồi cơm vì không muốn làm tổn thương hai đứa con đang tuổi tiểu học.
Thầy Toàn được tự do. Mọi sinh hoạt gia đình cũ của thầy vẫn duy trì, nhưng những đứa trẻ đã cảm nhận chúng không còn được cùng cha mẹ vui vẻ trong mỗi bữa ăn, cùng tranh luận về một món đồ chơi hay cuốn truyện tranh nào đó. Mỗi lần cần thống nhất một việc gì trong gia đình, chúng trở thành người trung gian, trao đổi, nhắn gửi giữa cha mẹ.
Rồi một ngày, bạn bè và gia đình hai bên lại thảng thốt khi người vợ âm thầm mang 10 cây vàng (gấp đôi lời đề nghị ban đầu của kẻ tình địch) để chuộc lại chính người chồng cũ của mình, trong sự nhẫn nhịn và hối lỗi của anh.
Trước mọi thắc mắc, chị Loan chỉ giải thích gọn: "Tôi hạch toán kỹ rồi, sống với thói hư tật xấu của chồng cũ còn dễ thở hơn là phải bắt đầu lại với những điều đó của người chồng mới".
Chuyện "vợ cả và vợ hai là một" của chị Chuyên (một nữ doanh nhân may mặc ở TP HCM) cũng khiến nhiều người xúc động.
Vợ chồng chị vốn có mối tình bền vững vượt qua những tháng năm khó nhọc, khổ nghèo. Anh là công chức vùng sâu, bỏ việc theo vợ về thành phố, làm thuê, chạy xe ôm, cò xe, cò đất để nuôi vợ vào đại học rồi mở cơ sở may.
Vợ chồng chị sống với nhau hơn 20 năm vẫn thể hiện tình yêu như ngày đầu còn đi học. Bằng sự quan tâm của vợ hoặc chồng, trên bàn ăn của nhà họ luôn có thông điệp, khi thì dặn dò về một phần ăn sáng với ổ bánh mì, gói xôi hay đĩa bánh cuốn dành cho nhau và cho con cái. Những "lá thư" ấy được cất cẩn thận trong tủ, được xem như nhật ký chung của gia đình.
Tuy nhiên, chồng chị, dù rất yêu thương vợ nhưng vẫn không vượt qua được thử thách tình cảm và phải ôm nỗi day dứt nhiều năm bởi phút giây yếu lòng với cô bạn chung của hai người.
Người bạn vốn cũng không có ý định phá vỡ hạnh phúc của anh chị, luôn âm thầm giúp đỡ gia đình bạn khi khó khăn, rồi âm thầm nhận sự thua thiệt về mình, âm thầm hối lỗi khi trót mang giọt máu của anh. Nhìn đứa con gái lớn khôn theo tháng năm, sự ích kỷ và nỗi đau người mẹ đã khiến chị không còn đủ tỉnh táo, đến thẳng nhà bạn đòi chút danh phận cho con.
Người vợ hận chồng, hận bạn và hận chính bản thân đã không làm chỗ dựa khi anh cần đến. Họ chia tay một cách chóng vánh, trả giá bằng cuộc sống đơn độc của cả ba người.
Sau một thời gian dài gặm nhấm nỗi đau khổ, người vợ luôn giằng xé "vợ cả, vợ hai... cùng phận đàn bà", nên quyết định tha thứ cho chồng cũ. Trong bữa cơm thân mật "cưới lại chồng", chị mang hộp thư tay của hai người, gắn lại từng mảnh vỡ của cuộc hôn nhân mà họ đã gắn bó hơn nửa đời người.
Theo tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy, về góc độ xã hội, các cặp vợ chồng đã có rất nhiều cái chung sau thời gian gắn bó, rất khó xóa sạch hay làm mới trong một sớm một chiều. Áp lực của cộng đồng, của xã hội thôi thúc họ phải gìn giữ những gì đã có.
Ông cho rằng, về tâm lý, sau khi đổ vỡ, sau những phút giây bốc đồng và nếm trải sự mất mát, mỗi người sẽ tỉnh lại, ngộ ra những giá trị tình cảm lớn lao, cần thiết cho bản thân và cho những người thân của mình. Họ dễ quay lại cùng nhau như ông bà thường nói "tình cũ không rủ cũng đến". Bên cạnh đó là văn hóa gia đình, những thói quen, những kỷ niệm đẹp mà cặp vợ chồng nào cũng xem như một thứ tài sản quý vừa mất đi và cùng mong tìm lại.
Tuy nhiên, theo nhà tâm lý vì những đổ vỡ đã xảy ra, tình cảm hai người không trọn vẹn, cái nhìn đã thay đổi, không hoàn thiện về người khác nên cả hai đều phải cố gắng hòa hợp. Cần có sự giúp đỡ của những người xung quanh để họ sớm xóa đi những đau buồn cũ, cảm thấy thoải mái, yên ả. Khi đó, hạnh phúc mới thật sự quay về bên họ.
(Theo Phụ Nữ)
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi