Khi nhận được lời mời đi ăn tiệc cưới hôm 2/8, John Heinemann và vợ đã đồng ý ngay. Dù đã làm việc cho công ty PV Pipe được khoảng 2 năm nay, nhưng ông khá bận rộn, gần đây mới có thể mời vợ sang Việt Nam nghỉ cùng mình. Họ có điểm chung là rất thích văn hóa, con người Việt.
“Cuối tuần trước đó, chúng tôi cũng đi ăn cưới với nhau. Mọi thứ rất tuyệt. Chúng tôi giữ nguyên tâm trạng háo hức đó khi bước lên tàu đi cùng mọi người mà không mảy may nghĩ đến tai nạn nào có thể xảy ra”, ông Heinemann nói.
Vợ chồng vị chuyên gia người Mỹ nhập đoàn lên con tàu H29 rời cảng Gò Công Đông khi trời đã chập tối. Biển lúc này khá yên lặng, sóng nhẹ nhàng. Mọi thứ đều ổn và ai cũng thư giãn, râm ran trò chuyện. “Nhưng rồi sau đó, những cơn sóng mạnh từ đâu bất ngờ ập đến. Sóng sau mạnh hơn sóng trước rất nhiều… Khi biết tàu không còn an toàn nữa, vợ chồng tôi dặn nhau phải hết sức bình tĩnh và chuẩn bị tinh thần sẽ phải bơi nếu có sự cố", Heinemann kể. "Thấy mọi người xung quanh rất hoảng sợ, chúng tôi bảo họ bình tĩnh nhưng không nhiều người hiểu tiếng Anh để biết chúng tôi đang nói gì”.
Vợ chồng ông bà John Heinemann và Gloria Heinemann. Ảnh: Thoại Hà |
Tàu bất ngờ lật úp và dần chìm, xung quanh mọi thứ tối đen. Người đàn ông Mỹ chỉ kịp khuyên vài người phải bám chặt vào thân tàu để giữ cho người nổi trên mặt nước. Tuy vậy, do sóng lớn, nhiều người vẫn tuột tay văng ra xa, trong đó có vợ chồng ông. Do đã được phát áo phao trước đó, cả hai luôn tìm cách bơi bám sát để không bị tách rời.
“Ban đầu, tôi nghĩ chắc chừng 30 phút nữa hai con tàu đi sau sẽ đến và cứu mọi người. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy gì trong khi chúng tôi đã lạc mất đoàn", ông Heinneman kể.
Đang lênh đênh chống chọi cùng những cơn sóng, họ phát hiện anh Nguyễn Lê Vinh gần như kiệt sức, trên người không mặc áo phao. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là người đàn ông này cần được giúp đỡ và vợ chồng tôi phải cố hết sức có thể để giúp anh. Vì thế, tôi bảo anh ấy bám vào mình để cùng bơi”, vợ ông Heinneman nói.
3 người tiếp tục dập dờn một lúc thì gặp anh Nguyễn Văn Hà cũng đang vật lộn với sóng dữ. "Tôi thấy cái bóng đen cách mình khoảng 20 m. Lại gần hơn tôi nhận ra anh Vinh đang bám vào vợ chồng ông John. Chúng tôi lúc này như tăng thêm sức mạnh dù xung quanh vẫn là biển mênh mông không có một bóng tàu cứu hộ, xa xa là ánh đèn le lói phía Vũng Tàu", anh Hà kể.
Họ bắt đầu bàn về khả năng bơi vào bờ. Lúc đó, anh Hà chỉ cho mọi người thấy hai dãy núi mờ mờ phía trước (ở Vũng Tàu), nhưng để bơi tới đó rất xa, sức người không chịu nổi nên chỉ còn cách chờ cứu hộ.
Càng lúc trời càng lạnh, mọi người có dấu hiệu đuối dần. Anh Hà đổi phương án "bơi vào biết đâu lại sống" nên 4 người chỉ với 3 cái áo phao dìu nhau vượt từng cơn sóng. Càng về khuya, hai vợ chồng người Mỹ hơn 60 tuổi càng có dấu hiệu kiệt sức, sặc nước.
Vốn bơi rất giỏi vì đều là dân mê môn thể thao lặn biển, nhưng phải giữ mình nổi trên mặt nước suốt 9 giờ là điều hai ông bà chưa bao giờ dám nghĩ tới. Có lúc, ông Heinneman hoang mang trước sự sống vì ông nặng gần gấp đôi vợ nên rất khó để giữ mình nổi. Cứ mỗi đợt sóng ập đến, bà Heinneman lại phải tìm cách nâng chồng lên để ông không bị ngạt.
Anh Hà nhớ lại thời điểm áo phao suýt bị rách làm hai mảnh, anh phải tháo thắt lưng buộc chặt lại. Ảnh: An Nhơn. |
Một cơn sóng to ập tới đánh tan nhóm người ra 3 nơi. Ông Heinneman đã cởi chiếc áo phao của mình đưa cho vợ. “Lúc đó tôi chỉ muốn bà ấy được ấm áp, được an toàn. Có một nỗi lo sợ mơ hồ khiến tôi phải thốt ra với bà rằng ‘I love you", người đàn ông nhớ lại.
"Sao thấy ông John cởi áo phao mà còn nói 'I love you' nữa Hà ơi", anh Vinh hét lớn. Cả hai công nhân Việt nghĩ ông ấy định bỏ cuộc nên đã cố bơi lại động viên.
"Tôi nói ông ấy cố lên. Lúc đó là 0h rồi, chỉ 1h sáng sẽ có tàu đánh cá của ngư dân đi ngang cứu giúp. Nghe vậy, ông John từ bỏ ý định và bơi ngửa, dùng áo phao kê ở đầu", anh Hà kể. Sau đó anh tiếp tục quay sang an ủi người đồng nghiệp quê Tiền Giang cùng bơi để hâm nóng cơ thể, chống lại cái lạnh càng lúc càng gay gắt. Dù làm tư tưởng cho mọi người nhưng bản thân anh Hà cũng đã cạn sức, dầu biển bám vào người bỏng rát.
Đến khoảng 2h sáng, cả nhóm như tỉnh hẳn khi thấy đèn cứu hộ từ xa. Mọi người tìm còi và đèn pin trên áo phao để ra tín hiệu nhưng chúng bị sóng đánh văng từ lúc nào. Do tàu ở quá xa nên không nghe thấy tiếng kêu cứu và những cái vẫy tay tuyệt vọng của họ. Một lúc sau mọi người lại thấy tàu cá ngư dân đi biển xuất hiện cách đó chừng 50 m, song tất cả gọi đến khàn giọng họ vẫn không nghe.
"Biển hôm đó động mạnh do ảnh hưởng của bão, nhiều cơn sóng lớn và màn đêm đã làm cho những con tàu khác không thể nhìn thấy 4 con người đang vật lộn tìm sự sống trên biển. Chúng tôi bị lẫn trong làn nước nhưng chúng tôi nghĩ nếu cầm cự được đến khi ánh bình minh lên thì ngư dân, tàu thuyền đánh cá sẽ trông thấy và chúng tôi sẽ được cứu sống”, bà Heinneman nói.
Thêm 2 tiếng trôi qua, đến 4h sáng anh Hà thấy tàu đi vào ngọn Hải Đăng. "Tôi nghĩ là đường tàu chạy nên nói mọi người cố sức bơi tới đó chờ tàu. Nửa tiếng sau, một chiếc tàu cá đang trên đường vào bờ đã thấy chúng tôi. Lên được tàu, ai cũng nghĩ mình vừa chết đi sống lại", anh Hà kể về giây phút may mắn của cuộc đời mình. Còn bà Heinneman cho biết, khoảnh khắc đó, bà chỉ có thể nói với những người bà gặp duy nhất một câu "Tôi yêu các bạn".
Đây là 4 người cuối cùng được vớt lên trong số 21 người sống sót trên chuyến tàu định mệnh. Họ đã có 9 giờ lênh đênh trên biển, 17 người khác được cứu hộ khi bám quanh xác con tàu sau 6 giờ bị đắm.
“Tôi rất buồn khi nhiều người mình quen biết đã mất. Các vết sẹo mà chúng tôi phải mang theo người không là gì so với những mất mát quá lớn đó", vị chuyên gia người Mỹ trầm ngâm.
An Nhơn - Thoại Hà
Xem thêm trên Ngôi sao: Tình yêu ngọt ngào của đôi vợ chồng Mỹ