"Nếu bố không cho đi học, em sẽ tự tử ngay".
Con bé Nga bật thốt lên với vẻ mặt nghiêm túc. Đôi môi nó mím lại.
Nga muốn làm thầy thuốc cứu người như "bác sĩ Săm". Đó là một y sĩ trong bản Sui Thầu của xã Chiến Phố này. Trong lời kể của Nga, thì bác sĩ Săm có thể cứu người, vào rừng hái lá thuốc chữa bệnh cho người dân trong bản.
Bàn tay Nga khuyết một ngón trỏ. Ngón tay mất đi trong một lần lên rừng cắt cỏ cho trâu. Bụi cỏ voi cao gấp đôi người, con bé giữ cho thằng Hiệp, anh nó cắt. Tai nạn xảy ra. Anh Vần cùng người nhà đưa con xuống viện. Dọc đường nó đau, nhưng không khóc.
Ngón tay không giữ lại được. Sau tai nạn, con bé ít nói hơn. Cũng từ đấy, nó mong ước trở thành một "bác sĩ Săm".
Đi từ Hà Nội về hướng Tây Bắc 240 km, bạn sẽ đến Việt Quang, thị trấn đầu tiên của Hà Giang - tỉnh nghèo thứ hai của Việt Nam. Từ đó, nơi vùng
trung du kết thúc, bạn bắt đầu leo những con đèo đầy khúc ngoặt hơn 60 km giữa núi rừng, sẽ đến huyện lị Hoàng Su Phì - huyện nghèo nhất của tỉnh
Hà Giang. Sau một cuộc nghỉ chân ngắn, bạn tiếp tục leo hơn 20 km đường dốc cua tay áo liên tục nữa, để đến Chiến Phố - một trong những xã nghèo
nhất của huyện Hoàng Su Phì.
Trung tâm xã có một dãy nhà gạch đã cũ, là trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiến Phố, và Ủy ban nhân dân. Một dãy nhà dân bằng gỗ lợp mái fibro, một cái chợ tạm đồng bào rải bạt họp trong buổi sáng. Tất cả dấu tích kinh tế kéo dài khoảng hơn một trăm mét, chìm giữa một biển mây trắng bồng bềnh. Nắng lên, tan mây, đứng ở khu trung tâm này là nhìn thấy bên kia biên giới.
Bạn, tất nhiên, đã tìm đến một trong những địa phương nghèo nhất cả nước. Nhưng bạn sẽ phải leo lên xe máy, đi thêm hơn mười cây số đường núi dốc ngược, bùn lầy, vượt mấy con suối to, qua những khúc đường mòn rộng bốn gang tay bên bờ vực, để đến được nhà cô bé Nga.
Bạn đã đến gần biên giới Việt - Trung, nơi địa đầu Tổ quốc.
"Nếu có đủ tiền cho con đi học thì để nó đi thôi, còn không thì ở nhà đi nương", anh Vần bố cái Nga ngập ngừng nói.
Khi hai đứa trẻ lên lớp sáu, người cha bắt đầu theo đàn ông trong bản sang Trung Quốc làm thuê. Họ đi vác chuối kiếm ba trăm nghìn mỗi ngày. Những người khỏe mạnh đi vào bất cứ lúc nào rảnh rỗi, tháng Hai sau khi ăn Tết, hoặc tháng Mười, khi gặt lúa xong. Mỗi đợt kéo dài mươi, mười lăm ngày.
"Biên phòng không cho đi nhiều đâu", mỗi lần muốn đi, anh phải xuống huyện xin giấy thông hành, và trở về thôn Sui Thầu trước khi giấy hết hạn.
Sui Thầu cách thị trấn gần 30 km, nhưng thị trấn cũng không có việc. Tám triệu tiền đi vác chuối và hai triệu bán mận là nguồn thu nhập đáng kể nhất của gia đình người Nùng này mỗi năm. Năm nào gặp mưa đá, hoặc rét quá thì mận cũng thất thu.
Hai cân lúa giống gieo xuống thu lại bốn mươi bao thóc mỗi mùa, cùng ngô nương nuôi sống sáu con người. Thi thoảng họ vẫn nhận gạo cứu đói ngày giáp hạt. Nhiều thửa ruộng bậc thang nơi này chỉ rộng vỏn vẹn một đường bừa, con trâu đi bừa còn phải tỳ cổ vào bờ ruộng, cật lực mà kéo.
"Bây giờ không phát rừng nữa, có thêm được cái nương ngô nào đâu", anh Vần lý giải. Thiếu sinh kế, nhiều đồng bào sống dọc đường biên đã coi việc bán sức lao động ở bên kia biên giới như là một lựa chọn tất yếu. Và không phải ai cũng đi hợp pháp như anh Vần.
Bài ca trên núi bây giờ là bài ca thiếu sinh kế, thiếu việc làm.
"Gia đình vẫn cho Sủi đi học, nhưng hiện con đã đi Trung Quốc làm thuê chưa về". Một dòng được viết trong biên bản vận động học sinh đi học của thầy cô trường THCS Chiến Phố, mở toang ra những suy tưởng về cuộc đời của một đứa trẻ mới học cấp 2, và về số phận của cả một vùng đất.
Cách Chiến Phố vài chục cây số, đi qua những con dốc đứng khác, cánh rừng khác, hàng trăm khúc cua tay áo khác, là Hồ Thầu.
Hồ Thầu trông vào cây chè cổ thụ. Quãng hai chục năm về trước, mỗi buổi chiều là người dân Hồ Thầu ở các bản lũ lượt đi bộ xuống trung tâm xã. Họ đi cả chục cây số, trên lưng cõng thêm sọt chè nặng hàng chục cân, nhập cho Hợp tác xã mỗi cân 2.000 đồng.
Có những ngày cả xã thu được 30 tấn chè tươi. Nhưng xưởng chế biến công suất chỉ 20 tấn. Còn 10 tấn ế, xưởng không nhập, dân lại phải gùi về.
"Gùi chè đi rồi lại gùi chè về, tới nhà quá nửa đêm. Dân vừa đi vừa khóc", anh Nu, Phó chủ tịch xã Hồ Thầu nhớ lại số phận long đong của những gùi chè shan tuyết quê mình.
Sau lãnh đạo xã nghĩ ra cách "chia ca", cho tám thôn luân phiên nhau hái. Bốn thôn hái ngày chẵn và bốn thôn ngày lẻ. Nhưng bà con lại cần mẫn quá, thôn này chạy sang bên thôn kia hái giúp. Cuối cùng, sản lượng chè buổi tối vẫn là 30 tấn, vẫn thừa 10 tấn.
10 tấn chè ế gùi về, người dân chế biến thành chè vàng. Họ sao từ nửa đêm tới lúc gà gáy mới được đi ngủ. Mỗi cân lãi được một nghìn đồng, thế là người Dao lần lượt bỏ làm chè. Năm 2003, Hợp tác xã chè giải thể sau mấy năm làm ăn thua lỗ.
Trong tiếng Dao, Hồ Thầu nghĩa là "đầu nguồn nước". Vùng đất thượng nguồn của con sông có cái tên rất động: sông Chảy, cũng là thủ phủ của rừng chè shan tuyết Hà Giang.
Tiếc nguồn chè cổ thụ dồi dào, vài thành viên Hợp tác xã mở xưởng tại gia. Nhà anh Triệu Sành Quấy mỗi ngày sao được bốn tạ, đóng thành từng bao lớn, chờ thương lái trong vùng đi xe máy đến mua. Mưa vài ngày là ông chủ đứng ngồi không yên. Người ta không vào được vì sạt lở, đường lầy thì chè ế. Mỗi năm thu về 60 triệu, cái xưởng nhỏ cũng lần hồi qua được mấy năm. Hoàn toàn bị động chờ người từ xa đến mua được bao nhiêu thì mua.
Trên sườn núi, những cây chè đang lớn mọc cạnh cây cổ thụ. Mỗi mùa xuân, người Dao nơi này lại cắm thêm vài cây xuống mảnh rừng của họ. Rừng
chè cứ thế mở rộng mãi ra. Cây già cỗi lụi dần đi thì có cây trưởng thành thay thế. Những cây chè mốc meo, không hàng luống, đứng chênh vênh trên
những sườn núi quanh năm ẩn trong sương mù, dị ứng với tất cả những can thiệp hóa học của con người. Nó tự hứng sương đêm, đón nắng sớm mà lớn
lên.
Chị Pan - vợ anh Quấy - không biết cây mọc tự bao giờ. Các cụ già nhất trong bản cũng không biết. Chị chỉ nhớ hồi ông cụ còn sống, thường hay kể đã thấy rừng chè cao bằng cái nhà rồi.
Mỗi lần nhà hết muối, hết thịt, ông cụ lên rừng vặt đầy một sọt. Khi những đứa trẻ trong nhà còn đang ngủ say, người cha đã đi bộ xuống núi cùng với sọt chè trên lưng. Ông mang xuống Tân Quang bán, gần nửa đêm mới lại trở về. Chè Hồ Thầu cứ thế theo thương lái về xuôi, theo ngựa thồ qua bên kia biên giới.
Bây giờ xã đã có thêm mấy xưởng chè. Nhưng làm ăn cũng được chăng hay chớ: chủ yếu bán thô, chè thương phẩm chưa có thương hiệu. Trung bình, mỗi cân chè thu hoạch được ở Hồ Thầu bây giờ mang về cho dân xứ này được 12.000 đồng, anh Quấy tính.
Chè shan tuyết quý, dân Hồ Thầu biết. Chè shan tuyết mọc, dân Hồ Thầu chăm chỉ hái. Nhưng 64% số hộ của xã là hộ nghèo, gấp 9 lần tỷ lệ trung bình của cả nước, và hơn gấp rưỡi tỷ lệ hộ nghèo trung bình của chính tỉnh Hà Giang.
Ở đâu đó tại Hà Nội và Sài Gòn, những hộp chè được ghi danh "Shan Tuyết" - không cần chỉ dẫn địa lý - đang được người ta rao đến 250.000 đồng
cho một hộp 80 gram.
Đến được đất này, chỉ có con đường độc đạo. Qua cổng chào đánh dấu đến địa phận huyện, những chiếc xe bắt đầu leo dốc, ì ạch đi trong mây. Sở Giao thông Hà Giang đếm được hơn một nghìn khúc cua tay áo trên 60 km đường từ quốc lộ vào đến Hoàng Su Phì.
Ngay trên đất Hoàng Su Phì, cuộc đời của những con người cũng được nối với nhau bằng những con đường độc đạo xuyên núi băng rừng, hay sạt lở mùa mưa.
"Học sinh mặc định trời mưa thì không xuống trường nữa", thầy Vịnh dạy học 16 năm ở Hồ Thầu kể lại những ngày chưa có phòng bán trú.
Tám cây số từ bản Chiến Thắng xuống trường, học trò đi qua năm con suối lớn lẫn đập tràn, chưa kể chín cái khe. Mưa thì lũ về, lở đất, không ai đoán trước được bất trắc những đứa trẻ có thể gặp trên đường.
Thầy Vịnh nhớ nhất một lần đang chơi bóng, thấy khe nứt ở sân trường, các thầy cắm cái que gỗ đánh dấu vị trí rồi chơi tiếp. Hai mươi phút sau , que gỗ biến mất, cái rãnh há miệng rộng bằng gang tay xuất hiện. Rồi nghe ùng một tiếng, phần sân trường theo đất đồi sạt xuống dưới. Cái lồng nhốt mấy con gà các thầy nuôi cũng bị vùi theo.
Thầy giáo đứng nhìn trân trối. Những năm sau này, đi lại nhiều, nhìn sạt lở mãi thành quen, thầy Vịnh không còn giật mình nữa.
Trước ba tuổi, con đầu lòng của thầy vẫn là một bé trai kháu khỉnh, hay cười. Rồi đến một đêm, thằng bé lên cơn sốt cao, rồi co giật. Khi mẹ và bà đưa bé vào bệnh viện huyện đã là sáng hôm sau, dù quãng đường chỉ hơn 30 km. Thời điểm ấy, thầy giáo đi học nghiệp vụ dưới thành phố Hà Giang. Lúc anh về, thì chân con đã trở nên yếu ớt, đi đứng khó khăn.
Thầy bỏ ý định ăn đời ở kiếp với đất Hồ Thầu, gom góp tiền mua một căn nhà nhỏ dưới thị trấn, cách bệnh viện chỉ một đoạn đường. Cậu bé giờ lên lớp 10, vẫn đang phải làm vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.
Cơn sốt năm nào, vẫn khiến thầy thấy có lỗi với con đến tận bây giờ.
"Bấp bênh. Thực sự là rất bấp bênh", Bí thư Huyện ủy mới nhậm chức Vũ Mạnh Hà nói về tương lai của cây chè shan tuyết. Địa hình và giao thông khiến cho cây chè cổ thụ bị cô lập với thị trường. Những con đường ở vùng này cứ mưa xuống là đứt mạch vì sạt lở đất. Thậm chí các xã Túng Sán, Tân Tiến nằm dưới chân dãy Tây Côn Lĩnh còn chưa có đường bê tông dẫn đến trung tâm.
"Chắc là trên đất nước có ít nơi như mấy xã nhà mình, chưa có đường bê tông nhỉ?", anh tự hỏi.
Từ quê nhà Vị Xuyên đến Hoàng Su Phì làm việc, bí thư Hà vẫn chỉ trông thấy người dân hái chè tươi, rồi đi bộ hàng chục cây số xuống xã, xuống
huyện bán. Đường sá đi lại như thế. Bán thế thì ai mua, mà mua thì rất rẻ, chỉ mười nghìn mỗi cân.
Trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện, chè trở thành cây thế mạnh số một, rồi đến thảo quả và cây ăn quả. Huyện vẫn kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Nhưng thương lái vẫn lên mua nguyên liệu là chính. Bí thư Hà nghĩ, nếu có nhà máy chế biến ở đây, làm được thương hiệu riêng của chè Hoàng Su Phì, đóng gói đẹp và chất lượng thì đã khác.
Chủ tịch huyện Thèn Ngọc Minh bày tỏ mong mỏi con đường 60 km từ quốc lộ vào Hoàng Su Phì được đầu tư. Nhiều đoàn đi rồi than thở với ông, Hoàng Su Phì cũng có ruộng bậc thang, có đỉnh núi săn mây, con người dễ mến, bản sắc nhiều dân tộc vẫn giữ nguyên, nhưng đường thì xấu quá. Người ta đi một lần, rồi ngại không muốn quay lại nữa.
"Nếu có đường quốc lộ thì Hoàng Su Phì đã không bị cô lập thế này", anh Quấy bàn. Anh mãi vẫn chưa tìm được đường cho lá chè shan tuyết Hồ Thầu xuống dưới xuôi cho đàng hoàng.
Vị Xuyên, quê tân bí thư cũng có một vùng chè cổ thụ. Từ nhỏ, cậu bé Hà đã thấy bố mẹ hái từng sọt chè trên đồi, đem bán dưới thị xã Hà Giang. Vị Xuyên, những năm 80 của thế kỷ trước, từng có một loại chè gắn bó với người lính biên cương. Ký ức của nhiều con người Hà Giang được nuôi dưỡng cùng hình ảnh cây chè.
Thế mà có lúc, những thân chè cổ thụ Hà Giang từng gục xuống bởi nhát búa của con người. Thân cây hai người ôm bị xẻ thành đoạn, bán một mét
giá 150.000 đồng. Người ta bán chưa được một triệu đồng thân cây cao bằng cái nhà hai tầng, sống qua mấy trăm năm.
"Gia đình vẫn muốn cho con đi học tiếp, nhưng nhà chồng bên Thàng Tín không cho đi"; "Gia đình vẫn cho Sủi đi học, nhưng hiện con đã đi Trung Quốc làm thuê chưa về"...
"Lấy chồng" và "đi Trung Quốc" là hai lý do nghỉ học nổi bật xuất hiện trong tập biên bản vận động học sinh bỏ học trở lại trường của giáo viên ở trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiến Phố.
Thầy cô ở nơi này, thấy học trò hai buổi không đến trường là xách xe xuống bản. Một lần, hai lần, ba lần, không được. Họ gọi cả lãnh đạo xã xuống. Và để giữ học sinh lại với trường, các thầy cô đã dồn hai phòng học, một hội trường làm nhà bán trú cho 80 đứa trẻ.
Thầy Thành nhớ lại trước ngày khai giảng là những công việc năm nào cũng giống nhau: tăng vành, thay lốp xe để còn đi xuống bản vận động học sinh về trường; căng lại tấm bạt che trần phòng học bị gió giật tung, đóng lại chiếc ghế bị gẫy chân...
Cái Nga rất kiên định với ước mơ làm bác sĩ.
Ước mơ dẫn đường cho con bé cùng anh trai đi qua tám mùa khai giảng, trở thành những đứa trẻ học khá nhất bản Sui Thầu này. Đường đến trường của đứa trẻ mơ ước thành "bác sĩ Săm" cứ men theo rừng sa mộc, những thửa ruộng bậc thang nối nhau dài tít tắp, vắt từ dãy núi này sang dãy núi khác, uốn lượn trong sương.
Lũ trẻ đi qua bóng tối, đi qua trời mưa, qua những đoạn sạt lở, qua cả những cơn lũ tràn về. Bắp chân đứa con gái đương tuổi dậy thì không tròn lẳn, mà gân guốc. Cố kỳ cọ thế nào cũng không làm sạch đi bùn đất lưu cữu trong kẽ móng chân, trên đôi dép tổ ong đã ngả màu cháo lòng. Trong bản, đã có vài đứa không theo được nữa.
Ngoài cái túi thổ cẩm đựng sách đeo chéo trên vai, hai anh em còn xách tòn teng một cái túi nylon mỗi bận đến lớp. Cái túi đựng một nắm cơm, vài miếng thịt, hoặc dúm muối vừng. Bữa cơm trưa của hai đứa trẻ không ở bán trú mùa giáp hạt còn độn thêm ngô.
Hai đứa trẻ không ở bán trú, cũng chưa bao giờ xin ở lại bán trú.
"Anh em nó ở bán trú thì không có ai đi cắt cỏ, chăn hai con trâu cho mình cả. Còn đàn gà với vịt nữa. Vợ chồng mình còn đi nương mà", người cha lý giải cho việc bọn trẻ chưa bao giờ đòi ở bán trú, dù cách trường mười cây số.
Ngoài giờ học, hai đứa trẻ mới lớn trở thành những lao động thực thụ trong gia đình: lên rừng cắt cỏ, đi nương, chăn trâu... Chúng dường như cũng cố gắng đóng góp vào công cuộc làm kinh tế. Bởi không có tiền, thì có nguy cơ phải nghỉ học. Nghỉ học rồi, thì không có nhiều lựa chọn, hoặc là theo người lớn đi bán sức lao động ở phía bên kia biên giới, hoặc lớn lên chút nữa, rồi đi lấy chồng.
"Nếu khó khăn thì hãy nói với các thầy. Không được nghĩ đến điều dại dột", thầy Thành, hiệu phó dặn dò cái Nga.
Thầy nói với anh Vần, đầu năm học mới hãy cho bọn trẻ xuống trường ở theo chế độ bán trú.
"Để tao xem đã", người cha vẫn đắn đo.
Bài: Hoàng Phương - Đức Hoàng - Thanh Lam
Ảnh: Chu Việt Bắc - Hoàng Phương
Vì bạn đã đọc hết bài này, chúng tôi có một đề xuất: Quỹ Hy vọng, báo VnExpress đang thực hiện
chiến dịch "Ánh sáng học đường" với mục tiêu xây dựng 2 nhà nội trú cho các học sinh tại Chiến Phố và Hồ Thầu để tiếp sức các em đi
học. Mọi sự đóng góp đều sẽ thêm ánh sáng cho tương lai của các em, và tương lai của bức tranh vùng biên Hoàng Su Phì.