Ngày hôm đó, chín ngày sau khi chiếc máy bay MH370 mất tích, Peter Cunningham cùng các thành viên của Phi đội số 10, lực lượng chống tàu ngầm tinh nhuệ của Australia, được điều động tới Perth, thành phố xa xôi bên bờ duyên hải phía tây Australia.
Khi đó Malaysia phát hiện chứng cứ mới cho thấy máy bay có thể đã ra Ấn Độ Dương, cách tây nam Australia 1.600 km. Khu vực này trở thành điểm tập trung tìm kiếm chính.
Các phân tích mới về những giờ bay cuối cùng của MH370 đã đưa Phi đội số 10 cùng vô số thành viên khác thuộc lĩnh vực khoa học và an toàn hàng hải Australia tham gia vào cuộc tìm kiếm lớn chưa từng có. Có 10 nước tham gia, 14 tàu, 13 máy bay và tàu ngầm, được chỉ dẫn bởi các phân tích radar và hình ảnh vệ tinh chi tiết.
Họ phải chạy đua với thời gian bởi thời hạn phát tín hiệu của hộp đen máy bay, nếu quả thực nó đang nằm dưới Ấn Độ dương, chỉ là một tháng.
Những gương mặt
Được thành lập trước Thế Chiến II với nhiệm vụ tìm và diệt tàu ngầm Đức ở Đại Tây Dương, Phi đội số 10 có phương châm “Tấn công là trên hết”.
Phi đội đặt tại Adelaide nhưng các thành viên được huy động tới căn cứ không quân Pearce, bờ phía đông bắc của Perth để tham gia tìm kiếm. Được gọi là Câu lạc bộ đồng quê với những tòa nhà xây bằng gạch đỏ, bãi cỏ khô nứt và những cây bạch đàn trắng, Pearce là một nơi yên tĩnh dùng để huấn luyện các tân binh của Không lực Hoàng gia Australia cách lái máy bay phản lực loại nhỏ.
Là trung tâm của cuộc tìm kiếm mới trên biển, Pearce rất ồn ào náo nhiệt. Các cảnh sát quân sự để đầu húi cua, mặc quân phục ngụy trang đến từ Queensland và nam Australia, cùng chó nghiệp vụ nhận nhiệm vụ tuần tra vành đai. Đội tìm kiếm gồm hơn 180 phi công và hơn 400 nhân viên hỗ trợ đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Mỹ, New Zealand và Australia trong các bộ trang phục màu xanh biển, xanh lá cây và màu kaki.
Peter Cunningham, 25 tuổi, được giao nhiệm vụ làm điều phối viên tác chiến của Nhóm 5 thuộc Phi đội số 10. Anh đóng vai trò quyết định trong việc triển khai các lệnh tìm kiếm mới về các mảnh vỡ, vật trôi trên biển và dữ liệu vệ tinh.
Cùng trong Nhóm 5 có chuẩn úy Brenton Bell, 55 tuổi, vừa được nhận Huân chương công nhận những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp quân sự của ông từ năm 1976. Ông đang chờ nghỉ hưu, để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và theo dõi đội bóng rugby Adelaide Crows ưa thích của mình. Bell là một người đàn ông vạm vỡ với gương mặt rám nắng. Ông từng làm người đưa thư, đi chiếc xe mô tô màu đỏ nhỏ giao thư tới tận nhà khách hàng ở ngoại ô Adelaide.
Trung sĩ Scott Mulgrew, 21 tuổi, mới tốt nghiệp trường quân sự, đang làm nhiệm vụ ở Thái Bình Dương thì được điều động tham gia tìm MH370. Trầm tính với mái tóc màu nâu cắt ngắn, Mulgrew tham gia không lực 3 năm trước sau khi nghe những câu chuyện về các chuyến phiêu lưu của bạn bố mình, là những người phục vụ trong quân đội. Cho tới trước cuộc tìm kiếm MH370, nhiệm vụ chủ yếu của anh chỉ là tìm các tàu cá bất hợp pháp ở Micronesia và người tị nạn ở bờ duyên hải phía bắc Australia.
Trong sứ mệnh tìm MH370, Nhóm 5 của Phi đội số 10 gồm có 14 phi công, bận đồ màu xanh lá cây, đeo ống nghe điện đàm màu xám trên cổ và lên chuyến bay kéo dài 4 tiếng đồng hồ tới khu vực tìm kiếm.
Bên trong máy bay giống như một căn phòng chật hẹp, với một phòng dài và bếp ở phía sau, dùng để pháo sáng và phao dữ liệu, một bàn dài với 4 bảng điều khiển computer gọi là bàn chiến thuật, một buồng lái phía sau tấm rèm màu đen đơn giản. Bốn cửa sổ quan sát sơn màu trắng.
Hành trình gian nan
Phi đội số 10 bắt đầu công việc hàng ngày bằng buổi chỉ dẫn vắn tắt lúc 4h sáng, sau đó dùng bữa sáng với hạt Coco Pops trộn sữa hoặc bánh mì kẹp trứng và thịt xông khói.
“Việc tìm kiếm rất tích cực, chúng tôi thực sự mong tìm thấy cái gì đó”, chuẩn úy Bell nói. Ông được triệu tập trở lại không lực vì thiếu kỹ sư hàng không.
Khu vực tìm kiếm ngoài khơi Australia là nơi mênh mông bao la. Trong những ngày đầu, phi đội được trang bị kiến thức về kỹ thuật và hàng hải nhằm có sự xác định và hy vọng cho chuyến hành trình. Các hình ảnh vệ tinh từ một vài quốc gia cho thấy có hàng trăm vật thể có thể là mảnh vỡ của chiếc máy bay. Các nhà khoa học tại Tổ chức Khoa học và tìm kiếm công nghiệp liên bang (Commonwealth Scientific and Industrial Research Organization), cơ quan khoa học quốc gia của Australia phân tích vị trí của chúng.
Tại chi nhánh Nghiên cứu Hàng hải và Khí quyển tại Hobart, thành phố lớn nhất ở Tasmania, một nhóm các nhà hải dương học dùng kỹ thuật gọi là “hindcasting”, giúp xác định vị trí trước đó của các vật thể - như các mảnh vỡ máy bay – trôi nổi trên bề mặt đại dương, từ vị trí hiện tại.
Theo David Griffin, nhà khoa học cấp cao tham gia tìm kiếm cho biết, những vật thể trên các hình ảnh vệ tinh trước đó đã trôi xa đến 300 km. "Chúng tôi lần lại những vật thể này từ vệ tinh, điều lạ lùng là chúng lại ở gần nhau hơn". Việc lần lại cho thấy các vật thể, mà Thủ tướng Australia Tony Abbott ngày 20/3 đánh giá là bước đột phá rõ rệt, trước đó chỉ cách 100 km, hay thậm chí gần hơn. "Chúng tôi hình dung nó hỗ trợ cho giả thuyết đó là các mảnh của máy bay".
Tại căn cứ Pearce, các nhà hải dương học lập ra gói dữ liệu và chỉ số để trao cho mỗi phi công, hoa tiêu, và điều phối viên tác chiến. Gói này gồm bản đồ, các bản tin thời tiết, thông tin về các tàu và máy bay khác trong khu vực, danh sách các vật thể để tìm như đèn hiệu cấp cứu, pháo sáng, áo phao và các dấu hiệu từ bè cứu sinh.
Từ 6h sáng trở đi, nếu thời tiết trong khu vực tìm kiếm cho thấy đủ an toàn, Phi đội số 10 sẽ lên chiếc P3-Orions bốn động cơ cùng với thiết bị tìm kiếm công nghệ cao, gồm một camera điện quang, đủ độ nhạy để xác định chi tiết trong tầm quan sát, là một bí mật quốc phòng của Australia.
Trên đường ra vùng tìm kiếm, trung úy Cunningham tự pha một cốc cà phê và ngồi nhớ lại đám cưới 100 khách của mình. Anh vẫn đang làm quen với việc gọi cô dâu mới bằng “vợ” trong những cuộc điện thoại hàng đêm. Là một điều phối viên chiến thuật, Cunningham cũng nhận thức về mối nguy hiểm của việc có nhiều tàu và máy bay trong cùng một khu vực.
Chuẩn úy Bell thì hiếm khi ngồi xuống, ông liên tục đi lại trên máy bay và pha trò, giúp đồng đội giữ vững tinh thần. Những người khác thì đọc lại bản tóm tắt nhiệm vụ và tranh luận về những chi tiết kỹ thuật.
Khi đến khu vực tìm kiếm, chiếc máy bay Orion hạ dần tự độ cao từ hơn 9.000 m và qua tầng mây dày khoảng hơn 150 m xuống gần mặt biển đang cuộn sóng dữ dội. Mọi người đều phải mặc áo phao. Chiếc máy bay chao đảo do sóng biển náo động. Gió tây nam trên cao quất vào những con sóng bạc đầu trông như những mảnh vỡ trôi nổi trên mặt biển.
Các phi công nhìn chăm chăm vào mặt biển nhiễu động 20 phút mỗi lần để tránh hoa mắt. Nếu thấy các vật thể đáng nghi, họ phải đánh dấu chúng trên bản đồ và đốt pháo khói từ bên dưới máy bay để báo động cho những tàu ở gần tới sát hơn.
Khi một vật thể xuất hiện trên radar, máy bay phải bay ở độ cao 12.000 m nghiêng sang phía cánh trái, hoặc bên trái của phi công, để đồng đội rà quét mặt nước.
“Không thấy gì. Điều phối viên”, Cunningham nói.
“Không thấy gì bên mạn phải”, người phát hiện mục tiêu nói qua hệ thống liên lạc.
“Không thấy gì bên trái”, một người khác nói tiếp.
Vài phút sau, Cơ quan An ninh Hàng hải Australia, gửi đến tín hiệu bằng radio, nói rằng caanf đình hoãn các hoạt động còn lại trong ngày do thời tiết xấu. Đó là một buổi trưa thất bát.
Khi chiếc máy bay trên đường trở về căn cứ, chuẩn úy Bell tiếp tục vai trò là “người giữ lửa”. Ông pha trò trêu một thành viên cấp dưới, người này “trả đũa” bằng cách hỏi ông diễn viên nào sẽ đóng vai Bell trong một bộ phim về MH370. Ông bất chợt đỏ mặt và thừa nhận mình nghĩ đến Bryan Brown, diễn viên Australia nổi tiếng bên cạnh Tom Cruise trong bộ phim đình đám Cocktail của thập niên 80.
“Chúng tôi cần giữ tinh thần vui vẻ, thời gian làm nhiệm vụ quá khó khăn”, Bell nói. “Quy mô tìm kiếm quá lớn, mà cơ hội tìm thấy gì đó quá nhỏ”.
Vào các buổi tối sau những chuyến đi dài, các phi công tìm đến quán bar dành cho sĩ quan để xả hơi, họ ngồi trên những chiếc đi văng Chesterfield màu nâu, xung quanh là tranh vẽ các chiến đấu cơ. Những người khác uống bia và ngắm ánh sáng bên ngoài nhạt dần.
Với một số người, một đột phá có vẻ như sắp xảy ra, nhưng một số khác, như ông Bell, lại tính nước đôi. “Nếu chúng ta mất một chiến đấu cơ, tìm kiếm một hoặc hai ngày, rồi phải dừng lại”, ông nói.
Ngày hôm sau, Nhóm 5 lại tiếp tục hành trình tìm kiếm trên biển kéo dài 10 tiếng đồng hồ mà không có kết quả gì.
Trong suốt hai tuần, ba phi công của Phi đội số 10 bay các chặng kéo dài 10 tiếng đồng hồ tới khu vực tìm kiếm và rà quét bề mặt đại dương, đối mặt với những cơn dông dữ dội và sương mù dày đặc. Nhưng những nỗ lực của họ cũng chịu chung số phận với nhiều người khác trong cuộc truy tìm: đó là những hành trình dài với những chỉ dẫn đầy hứa hẹn, làm tăng hy vọng, nhưng rồi lại đi vào ngõ cụt. Những chỉ dẫn đầy hy vọng liên tiếp trở thành con số không.
Đổi ca
Cuối tháng 3, một ủy ban quốc tế gồm các chuyên gia do chính phủ Malaysia điều phối đã đưa ra quyết định, dựa trên ước tính tốc độ và tiêu dùng nhiên liệu, máy bay MH370 không rơi ở xa như dự đoán trước đó. Khu vực tìm kiếm đã chuyển lên phía đông bắc, cách 680 dặm (hơn 1.000 km).
Tất cả các chỉ dẫn trước đó bị xóa đi, sơ đồ xác định mảnh vỡ và mô hình vật thể ở khu vực tìm kiếm trước đó cũng bị loại bỏ. Thủ tướng Australia Tony Abbott nói ông vẫn lạc quan, gọi phân tích về khu vực tìm kiếm mới là “một manh mối mới đáng tin”.
Thiết bị mới được huy động vào cuộc tìm kiếm, gồm tàu mang theo thiết bị phát hiện dưới nước, một tàu ngầm của Anh và trong trường hợp cuộc tìm kiếm âm thanh ping hộp đen thu hẹp, một tàu lặn sẽ được triển khai.
Thế nhưng cơ hội thành công lại giảm bớt, chứ không tăng lên. Các mẫu vật từ các nhà hải dương học ở Hobart trở nên kém chính xác sau hai tuần và cần những mảnh vỡ để đưa ra giả định mới. Đầu tháng 4, nhà hải dương học David Griffin khẳng định sự hỗ trợ của cơ quan này sẽ sớm chấm dứt.
Ngày 7/4, hy vọng một lần nữa dấy lên khi Australia nói rằng đang nghiên cứu những dấu hiệu được cho là phù hợp với những tín hiệu phát ra từ hộp đen. Australia gọi các tín hiệu đó là “chỉ dẫn tốt nhất trong cuộc tìm kiếm cho tới nay”, nhưng cũng cho biết phải mất vài ngày để kiểm tra lại là nó có phát ra từ MH370 hay không.
Bí ẩn về chiếc máy bay mất tích vẫn chưa được giải mã. Với các phi công thuộc Phi đội số 10 và các thành viên khác tham gia cuộc tìm kiếm, có một sự thực không chối cãi được: trong một vùng đại dương bao la và hẻo lánh, tất cả các công nghệ tiên tiến, thiết bị quân sự và nỗ lực của con người dốc sức trong một tháng trời vẫn không tìm ra được điều gì đã xảy ra với máy bay.
Ngày 2/4, nhóm phi công của Peter Cunningham thuộc Phi đội số 10 đã chuẩn bị trở lại căn cứ ở Adelaide, trong khi một nhóm khác chuẩn bị đến thay thế.
Mê mụ sau một ngày nhìn chăm chăm ngoài biển, họ ngồi trong phòng học chính dành cho các phi công của Pearce. Trên bảng đen là ký hiệu của phân đội mới sắp đến, và dòng chữ "May mắn sẽ mỉm cười với các bạn".
Chuẩn úy Bell nói ông chưa bao giờ từ bỏ hy vọng rằng các nhóm phi công đến sau sẽ tìm thấy vết tích của chiếc máy bay bí ẩn. Ông cũng kể lại câu chuyện tìm thấy một nhóm người Malaysia trên bè cứu sinh sau 3 tuần tìm kiếm hồi năm 1986.
Trung úy Cunningham giờ có thể trở về với cô dâu mới của mình. Đôi mắt anh đỏ khè, gò má cũng rám nắng sau hành trình kéo dài đầy gian nan. Anh hiểu rằng nhiệm vụ đang bắt đầu lại từ đầu, "Họ đang bay trên vùng tìm kiếm rộng hơn", anh nói.
Thượng sĩ Mulgrew, người từ Micronesia đến Perth, ngẫm nghĩ về những gì mình học được từ trải nghiệm này. Sự biến mất của MH370 là cuộc thử nghiệm công khai về kỹ thuật và khoa học. Mulgrew nói anh chưa bao giờ nghĩ cuộc tìm kiếm không có tiến triển gì. Nhưng, theo lẽ tự nhiên, công chúng cũng đang trông đợi quân đội đạt được những điều bất khả thi.
“Tôi từng hoàn toàn tin vào hình ảnh vệ tinh, nhưng những gì chúng ta thấy chỉ là rác. Có rất nhiều rác ở đại dương. Họ tìm thấy thùng gỗ, đồ câu và thậm chí cả cây lớn trôi hàng ngàn dặm từ đất liền ra, nhưng vẫn không có dấu hiệu chiếc máy bay đâu”.
Khánh Lynh