Canny Ong, tên tiếng Hoa là Vương Lệ Quyên, sinh năm 1974, là chuyên gia phân tích công nghệ thông tin người Malaysia làm việc tại San Diego, California.
Ngày 1/6/2003, Canny cùng chồng bay từ Mỹ về Malaysia để thăm bố bị ung thư. 13/6/2003, một ngày trước khi Canny lên máy bay về Mỹ, cô tham gia tiệc chia tay cùng gia đình và bạn bè thân thiết ở nhà hàng Monde trong trung tâm mua sắm Bangsar, Kuala Lumpur. Sau bữa ăn, thấy mẹ có vẻ mệt, Canny đề nghị lái xe đưa bà về trước. Cô xuống tầng hầm gửi xe để lấy vé trong khi mẹ và chị đợi ở chỗ máy soát vé tự động.
Sau 20 phút, không thấy Canny quay lại, hai người bắt đầu lo lắng, gọi cho cô hai cuộc điện thoại - lần thứ nhất không ai bắt máy và lần thứ hai được chuyển sang hộp thư thoại. Hai người đến bãi đậu xe, phát hiện chiếc xe Proton Tiara màu tím của họ biến mất. Sau khi van nài nhân viên bảo vệ, họ được xem camera giám sát và thấy Canny bị bắt cóc bởi người đàn ông lạ mặt. Hơn một tiếng đồng hồ sau, gia đình Canny báo cảnh sát.
0h ngày 14/6/2003, hai cảnh sát mặc thường phục đi môtô tuần tra thấy chiếc Proton Tiara ở gần Kelana Jaya. Trong xe là Canny và một người đàn ông. Cảnh sát kiểm tra giấy tờ tùy thân và yêu cầu cả hai xuống xe, nhưng gã ta từ chối đồng thời ngăn không cho cô đi ra.
Trong phiên tòa sau này, sĩ quan tên Ravichandran cho biết, Canny đã làm các ký hiệu bằng tay lạ lùng về phía cảnh sát trước khi kẻ bắt cóc phát hiện, dường như đang cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng anh không hiểu chúng có nghĩa gì.
Gã đàn ông sau đó đột ngột phóng xe đi, hai cảnh sát lập tức bắn vào lốp xe và cố gắng đuổi theo, nhưng họ đã mất dấu. Hai tấm thẻ căn cước trở thành manh mối chính để xác định kẻ tình nghi là Ahmad Najib bin Aris, 27 tuổi.
Một nhân chứng khác là Aminah Isahak sau đó phát hiện chiếc Proton Tiara với Canny bên trong. Khi ấy, Ahmad dừng xe dọc đường để thay lốp ôtô bị cảnh sát bắn thủng. Aminah kể, trong khi Ahmad loay hoay thay lốp, Canny hướng về phía mình làm những biểu cảm kỳ quặc, cố gắng ra hiệu để được giúp đỡ.
Cảm thấy có điều gì đó không ổn, Aminah ghi lại số đăng ký ôtô, đúng lúc này Ahmad quay lại xe tiếp tục lái đi, từ bỏ việc thay lốp.
Theo kết quả điều tra, rạng sáng 14/6/2003, Ahmad cưỡng hiếp Canny trong xe dưới một cây cầu đang xây dựng gần Taman Datuk Harun ở Jalan Klang Lama. Sau đó, hắn phi tang thi thể nhiều vết đâm vào một cái cống hẹp bên đường cao tốc với hai chiếc lốp lớn chứa xi măng. Chiếc xe bị bỏ lại tại một cửa hàng gần đó. Kẻ giết người bỏ trốn trên taxi. Hôm sau, Ahmad mua xăng quay trở lại và đốt xác phi tang.
Một tài xế xe tải tên Azizan Ismail khai nhìn thấy Ahmad với một phụ nữ ngực trần nằm ở ghế sau ôtô đỗ tại công trường xây dựng,nhưng lại tưởng họ là một cặp tình nhân. Sau đó, Azizan thấy chiếc Proton Tiara lần thứ hai, bị bỏ ở nơi cách hiện trường tội ác không xa. Anh ta lấy trộm điện thoại của Canny trong xe và bán nó. Azizan bị cảnh sát coi là nghi phạm và bắt giữ khi truy dấu điện thoại của nạn nhân. Sau khi Ahmad bị bắt, Azizan mới được thả và trở thành một trong 69 nhân chứng tại phiên xét xử Ahmad Najib.
Sáng 17/6/2003, thi thể Canny được phát hiện ở công trường.
Ngày 20/6/2003, Ahmad Najib bị bắt. Các xét nghiệm ADN xác nhận rằng mẫu tinh dịch tìm thấy trên cơ thể nạn nhân trùng khớp với Ahmad. Khám xét nhà nghi phạm, cảnh sát tìm thấy một túi chứa kéo, băng dính, bao cao su... và chiếc quần bò màu xanh dính máu.
Ahmad nhận tội, khai rằng đến trung tâm mua sắm để tìm kiếm người chủ cũ có thù oán song đã nhầm với Canny. Ở tầng hầm, nhân lúc Canny cúi người tìm vé xe trong ôtô, hắn đẩy cô từ phía sau rồi dùng dao uy hiếp, trói lại và lái xe đi. Hắn chỉ nhận ra nhầm người khi bị sĩ quan Ravichandran kiểm tra giấy tờ.
Các cuộc điều tra sâu hơn của cảnh sát phát hiện Ahmad có liên quan và bị cáo buộc đã thực hiện bốn vụ hiếp dâm ở bãi đậu xe, dẫn đến suy đoán rằng hắn là kẻ hiếp dâm hàng loạt. Tuy nhiên, cảnh sát không thể chính thức buộc tội hoặc điều tra Ahmad với những trường hợp này vì các nạn nhân, một số người trong đó đã kết hôn, không muốn để lộ việc trong quá khứ. Mặt khác, lời khai bắt cóc Canny vì nhầm lẫn bị cho là cái cớ, thực chất Ahmad rình rập ở hầm gửi xe và nảy ý đồ cưỡng hiếp Canny khi thấy cô xinh đẹp đi một mình.
Các phương tiện truyền thông đưa tin về vụ án gây chấn động toàn Malaysia. Tang lễ của Canny Ong được tổ chức vào 27/6/2003. Hơn 500 người dân đã đến chia buồn cùng gia đình nạn nhân.
Phiên tòa xét xử Ahmad Najib diễn ra vào 15/9/2003. Dù đã thú nhận tội ác, khi ra tòa, Ahmad lại phản cung, nói bị cảnh sát ép buộc, tra tấn và bắt nhận tội. Tuy nhiên, vị thẩm phán có mặt khi Ahmad bị buộc tội lần đầu đã làm chứng rằng hắn trông thoải mái, không có vết thương nào trên người và tự nguyện đưa ra lời thú tội trong phiên điều trần.
Bên cạnh lời thú tội, công tố viên còn đưa ra những bằng chứng pháp y liên kết Ahmad với tội ác, đặc biệt là bộ quần áo mặc khi bắt cóc được xét nghiệm ra ADN của Canny trên đó. Chiếc khăn đã siết cổ nạn nhân có chất liệu đặc biệt, được công ty hàng không chuyên dùng để lau cửa sổ máy bay, điểm này trùng hợp với nghề nghiệp là nhân viên dọn vệ sinh máy bay của Ahmad.
Luật sư của bị cáo đặt nghi vấn về việc Canny không chớp lấy cơ hội chạy thoát khỏi xe khi Ahmad đang bận thay lốp, và cho rằng cô có đai đen võ thuật nên không phải không thể thoát khỏi Ahmad. Một số chuyên gia đã bác bỏ giả thuyết của luật sư, cho rằng "nói dễ hơn làm" và không nên đổ lỗi cho nạn nhân vì cô đã không trốn thoát.
Ngày 23/2/2005, sau phiên xét xử kéo dài 52 ngày, Ahmad Najib bị tuyên tử hình vì tội giết người và hiếp dâm. Bản án được thi hành vào sáng 23/9/2019.
Vụ án Canny Ong được nêu trong cuốn Crime Scene Asia: When Forensic Evidence Becomes the Silent Witness của nhà văn người Australia Liz Porter, phát hành năm 2017. Cuốn sách này thu thập tài liệu về 16 án mạng ở châu Á đã được phá nhờ bằng chứng pháp y.
Tuệ Anh (Theo Straits Times, The Star)