Phạm Huy Hoàng, 21 tuổi, nghi phạm điều hành hai hội nhóm này, cùng 70 người đã bị bắt trong chuyên án Công an TP HCM vừa triệt phá.
Họ bị cáo buộc hàng loạt tội liên quan vũ khí, ma túy, tiền giả, mua bán tài khoản ngân hàng, sử dụng mạng máy tính chiếm đoạt tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản... Có người cùng lúc bị khởi tố về 5 tội.
Những khẩu súng ăn trộm tại bảo tàng chiến tranh
Cuối năm 2024, Công an quận Bình Thạnh phát hiện đường dây mua bán trái phép súng quân dụng, vận chuyển bằng xe khách. Kiểm tra hành chính một nhà xe trên đường Nguyễn Xí, phường 26, chuyên chạy tuyến TP HCM – Hà Nội, trinh sát thu một kiện hàng có linh kiện súng quân dụng K54.
Nguyễn Minh Hiển (21 tuổi, chủ lô hàng) bị bắt ngay sau đó. Khám nhà người này, cơ quan điều tra tìm thấy lượng lớn linh kiện, súng, đạn các loại, thuốc nổ và 95 tờ giấy ngoại tệ mệnh giá 100 USD giả...
Hiển khai mua USD giả của Phạm Huy Cường (47 tuổi, ngụ Kiên Giang), đồng thời thừa nhận đã lấy trộm một số vũ khí tại hai bảo tàng chiến tranh ở tỉnh Quảng Trị. Thông qua nhóm chát kín "Phế liệu chiến tranh" và "Phế liệu chiến tranh - BW", nơi rao bán nhiều vũ khí quân dụng, đạn, chất nổ... anh ta chuyển hai khẩu súng AK ra Hà Nội, bán cho Dương Tùng Sơn (29 tuổi, ngụ Quảng Ninh). Khẩu còn lại mang về căn nhà thuê, bán cho Phạm Hồng Ân (25 tuổi, ngụ Bình Dương).
Khám nhà Sơn và Ân, Ban chuyên án thu giữ thêm nhiều súng, hàng nghìn viên đạn và rất nhiều vật dụng, linh kiện là thiết bị, vật dụng dùng để sử dụng chế tác, lắp đặt, tháo ráp súng...
Ân khai thông qua nhóm kín trên Telegram liên hệ mua báng súng, linh kiện từ nhiều nguồn mang về lắp ráp, chế tạo thành súng hoàn chỉnh và tiếp tục rao bán.
Khám xét nhiều nơi liên quan, cơ quan điều tra thu giữ hàng trăm viên đạn cùng một số lượng lớn linh kiện, nhiều loại vũ khí...
Lộ diện nhiều đường dây tội phạm
Từ báo cáo ban đầu của Công an quận Bình Thạnh, Công an TP HCM chỉ đạo nhiều lực lượng thâm nhập, theo dõi hoạt động hai nhóm kín này và phát hiện người lập là Phạm Huy Hoàng, ở tỉnh Thái Nguyên, quy tụ khoảng 12.000 thành viên.
Ban chuyên án được thành lập với nhiều lực lượng của Công an TP HCM, các Cục nghiệp vụ Bộ Công an và 25 tỉnh thành. Theo dõi thông tin từ các thành viên, cảnh sát tiếp cận nhiều nghi can hoạt động thực tế bên ngoài xã hội, làm rõ hàng trăm tài khoản Facebook, Telegram giao dịch mua bán vũ khí.
Các tài liệu thể hiện nhóm này đã giao dịch trên 4.000 lượt mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ trái phép trên không gian mạng.
Khi bắt Hoàng cùng nhiều thành viên, cảnh sát cũng thu giữ nhiều vỏ đạn, thuốc nổ, dao, lưỡi lê và linh kiện lắp ráp súng...
Ban chuyên án cũng huy động hàng trăm cảnh sát chia làm 10 tổ công tác, đồng loạt khám xét nhiều địa điểm tại các tỉnh thành như Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Ninh Bình, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương... bắt hàng chục người mua bán vũ khí quân dụng.
Mở rộng điều tra, cảnh sát còn phát hiện, để che giấu việc mua bán vũ khí, thành viên trong nhóm còn mua bán trái phép hơn 2.000 tài khoản ngân hàng. Những tài khoản này được các băng nhóm tội phạm dùng giao dịch thanh toán.
Đến nay, cơ quan điều tra đã thu 100 khẩu súng, 9.000 viên đạn các loại, 4 quả lựu đạn; hàng nghìn linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ...
Chuyên án triệt phá đường dây tội phạm này được lãnh đạo Bộ Công an đánh giá là "chiến công đặc biệt xuất sắc" của lực lượng công an trong cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán 2025.
Cơ quan điều tra đang phối hợp với công an các tỉnh thành mở rộng vụ án.
Kiến Tường