Khalid Taalo Khudhur al-Ali cùng vợ con chạy trốn thành công khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến vào thị trấn của họ ở Iraq năm 2014, nhưng 19 người trong gia đình ông không may mắn như Khalid, theo BBC.
4 năm qua, Khalid đã trả 90.000 USD để 10 người được tự do, nhưng bây giờ, sau khi IS bị đánh bại, ông sợ không thể cứu thêm được người nào nữa.
Ngày 26/9/2017, một chiếc xe tải màu đỏ đi vào Sharya, khu tự trị của người Kurd ở miền bắc Iraq. Bên trong là Shaima, 16 tuổi. Khi chiếc xe dừng lại giữa ngôi làng nhỏ bé, đường đất bụi mù, bạn bè và người thân vây quanh đón chào Shaima. Cô bé quay lại nhà sau hơn ba năm bị ISD giam giữ, bán qua tay hết kẻ này tới kẻ khác từ Iraq tới Syria.
Khalid là bác của Shaima. Ông bỏ ra 16.000 đôla chuộc lại cháu gái. Khalid nhớ rõ cái ngày IS tiến vào Sinjar, đó là đêm 2/8/2014, một đêm mất ngủ của cả làng.
"Nhiều trận đánh nổ ra ở phía nam, đó là khu ngoại ô. Chúng tôi ai cũng sợ hãi", Khalid kể lại. Ông ngồi vắt chéo chân trên tấm thảm trải dưới sàn trong căn nhà tạm bợ.
"Sáng hôm sau, trước bữa sáng, chúng tôi nghe thấy tiếng la hét bên ngoài. Tôi mở cửa, hỏi vài người đang chạy trên đường: 'Chuyện gì thế?' Họ bảo: 'IS đến rồi'. Ai cũng sợ, người có xe thì vội chạy lên núi, nhưng nhà tôi không có xe".
Khalid rút 4 lít xăng từ máy phát điện đưa cho hàng xóm, nhờ ông này chở mình cùng vợ đang mang thai và 6 đứa con trốn tới nơi an toàn. Nhưng khi tới núi Sinjar, ông phát hiện đã bỏ quên máy tính xách tay, giấy tờ tùy thân và tiền bạc ở nhà trong lúc vội vã. Vì thế họ ra khỏi xe, bàn bạc quay về nhà lấy.
Vợ của Khalid không cho chồng quay về, bảo một cậu con trai đi. Trên đường, cậu gặp chú ruột Dakheel và các em họ, những người đang sơ tán từ Sinjar. Một cậu em quyết định cùng anh trở về. Hai người may mắn thoát khỏi tay IS, cả gia đình chú Dakheel bị bắt khi cả hai vừa rời đi.
"Những người ở dưới chân núi đều rơi vào tay IS. Chỉ những người chạy lên trên mới sống sót", Khalid nói.
Ông gọi điện liên tục vào số máy Dakheel, hy vọng em trai nhấc máy nhưng cuối cùng, đầu bên kia điện thoại trả lời: "Chúng tao là IS" và cúp máy. Con trai của Khalid và em họ quay lại, cả gia đình tìm thấy một cái máy kéo chở họ về biên giới đông bắc Syria, xuyên qua khu vực IS tuyên bố chiếm đóng, tới làng Sharya sau 24 chạy khỏi Sinjar.
Khalid đau khổ khi biết tin gia đình em trai bị bắt. Giống nhiều người dân ở Sinjar, họ đều là người dân tộc thiểu số Yazidi, nhóm người bị IS coi là kẻ ngoại đạo và bắt giữ làm nô lệ hoặc sát hại.
Tháng 5/2015, những kẻ buôn lậu báo tin cho Khalid rằng IS đã đưa trẻ và phụ nữ Yazidi bắt được tới Syria, đăng tin kèm ảnh và giá bán người lên các ứng dụng điện thoại.
Khalid đang làm giáo viên dạy sinh học trong một khu trại dành cho người sơ tán. Ông nhận ra các ứng dụng chính là cầu nối để tìm hiểu những người thân còn sống và bắt đầu tạo dựng quan hệ với hàng loạt những tay buôn lậu.
Khalid đã thức trắng nhiều đêm trong những năm qua, giao dịch với những kẻ bất hảo, đau đầu kiếm tiền. Vào thời điểm IS sụp đổ năm ngoái, ông đã quyên góp được 90.000 USD và giải phóng thành công 10 người thân. Shaima là người cuối cùng được đưa khỏi thành phố Deir Ezzer, phía đông Syria, nhiều ngày trước khi IS bị đánh bại.
Ông cứu người thân qua một mạng lưới trung gian phức tạp, trải rộng từ Syria tới Iraq. Đây là một công việc nguy hiểm, liên quan tới nhiều người, mỗi trung gian lại đòi hỏi một phí tổn nhất định. IS chắc chắn sẽ giết mọi tay buôn lậu nếu phát hiện.
Khalid mất hơn ba tháng để cứu thoát Shaima. Với sự giúp đỡ của hai người trung gian, ông gửi tin nhắn cho cô bé qua ứng dụng WhatsApp, bao gồm ảnh của người nhà, để trấn an Shaima sẽ sớm được đưa tới nơi an toàn. Ông chuẩn bị sẵn 16.000 USD và chờ đợi. Thế rồi mọi sự chìm trong im lặng, Khalid bặt tin Shaima trong ba ngày.
"Chúng tôi phát hiện hai người trung gian đã bị IS bắt và bỏ tù, tra tấn", ông nói. Sau đó, một nhóm khác tiếp nhận công việc.
"Người trung gian Iraq yêu cầu tôi đến Dohuk để rút tiền. Sau một tuần, anh ta gọi tôi, bảo 7 ngày nữa sẽ giải cứu Shaima. Cả tuần đó tôi mất ngủ", Khalid nhớ lại.
Ông đã mất 38.500 USD để giải phóng em dâu, em gái Laila và cháu họ. Khalid cũng tốn 29.000 USD để cứu thoát con dâu. Khi được hỏi lấy tiền từ đâu, ông cho biết đã mượn bạn bè.
"Người cho tôi 50 USD, người 100 USD. Một người làm nghị sĩ quốc hội đưa tôi 3.000 USD. Chị em dâu của tôi ở Đức gửi tiền về. Cuối cùng, tôi cũng gom góp đủ số cần thiết", ông nói. Khalid đã đưa hết 10 người trong gia đình là phụ nữ và trẻ gái về đoàn tụ, chỉ trừ cậu bé là con trai của Laila.
Dù đối mặt với cáo buộc tài trợ khủng bố khi đưa tiền cho những tay buôn lậu, để họ trao tiền cho IS, nhưng với Khalid, đó là nghĩa vụ bắt buộc. Chính quyền địa phương biết rõ ông và những gia đình người Yazidi khác đang làm gì, vì để được chuyển tiền tới Syria, họ phải xin phép lực lượng an ninh. Một phần tiền của Khalid dùng để chi trả cho văn phòng thành lập tại miền bắc Iraq vì mục đích này.
Khalid vẫn đau đáu về số phận những người thân đang mất tích. Đó là em trai ông, Dakhell và 4 cậu con trai, các cháu dâu, hai đứa cháu gọi Khalid bằng ông, và cậu em rể - chồng của Laila. Có thể họ đã chết trong tay IS, hoặc thiệt mạng trong các cuộc không kích của liên quân, hay bị đưa vào sơ tán trong trại tị nạn, bị giam giữ trong các khu vực biệt lập nơi phiến quân chiếm đóng.
"Khả năng nào cũng có, nhưng không cái nào chắc chắn 100%. Dù họ có chết rồi, chúng tôi vẫn muốn xác nhận bằng ADN. Tôi muốn nhìn tận mắt để xác thực", Khalid nói.
Hồng Hạnh