Cách nhau 5 tiếng đồng hồ, đêm 30/9 và rạng sáng 1/10, hai chiếc tàu của thuyền trưởng Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Văn Thiện về đến bến đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, trong tình trạng tơi tả, rách bươm... 26 ngư dân cùng loạng choạng bước lên bờ, quỳ xuống đất và nói: "Sống thật rồi!". Nhiều người khuỵu xuống ngất lịm.
Hàng trăm người dân xã An Vĩnh - người nhà của 26 thuyền viên - gần như thức trắng đêm, kéo nhau ra bãi biển đón người trở về như một phép màu. Cả hòn đảo Lý Sơn như vỡ òa niềm vui. Người thăm hỏi, người nắm tay, xoa vai những thuyền viên vừa thoát nạn, và không quên ôm theo nước yến, sữa, "để các anh em tẩm bổ".
Ngư dân luôn phải đối mặt với những hiểm nguy ngoài biển cả. Nguồn ảnh: internet |
Ba ngày qua, trong lúc cả đảo Lý Sơn chống chọi với cơn bão số 9, gần 90% ngôi nhà bị bay mái, sập vì gió bão; 11 chiếc tàu neo đậu ở bến bị sóng đánh chìm; thì ngoài khơi xa gần quần đảo Hoàng Sa, hai chiếc tàu nhỏ này với 26 người cũng vất vả quần nhau với sóng và gió bão.
Nhớ lại thời điểm sống chết, thuyền trưởng Thiện khóc rưng rức, còn đồng nghiệp Lộc bùi ngùi: "Chiều ngày 29/9, hai tàu đang đánh cá gần Hoàng Sa thì nhận được tin báo bão của Bộ đội biên phòng, định thu lưới rồi chạy vào đảo trú. Không ngờ các trận gió mạnh đầu tiên của cơn bão đến quá nhanh khiến chúng tôi bất lực". Cả hai tàu bị mất liên lạc với đất liền kể từ hôm ấy. Trong sổ trực chiến bão của Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, số hiệu của hai chiếc tàu này được ghi ở mục mất tích, không liên lạc được.
Anh Lộc bảo chưa bao giờ thấy đại dương dữ dội như vậy. Mấy năm trước tàu của anh cũng bị một trận áp thấp nhiệt đới đánh tan tành và dạt lên đảo Hoàng Sa. Nhưng so với lần này thì "tai nạn ngày trước chỉ như một cuộc dạo chơi trong công viên".
"Biển đen kịt. Gió quật thẳng vào mặt, mắt mũi tối sầm, người rung bần bật tưởng sẽ bay đi như một chiếc lá nếu chúng tôi không tự cột mình vào với nhau rồi buộc chặt vào thân tàu", anh Lộc kể, "Sóng biển dâng cao gần chục mét rồi giáng thẳng vào con tàu như một tay búa, đến choáng váng". Thuyền trưởng Thiện góp lời: "Kỳ lạ, suốt hai ngày chiến đấu với những cơn sóng gió kinh khủng, vậy mà cả hai tàu của chúng tôi đều không bị vỡ tan từng mảnh, ngoài chuyện bị gãy hết toàn bộ cột, gọng, kiếng...".
Hai thuyền trưởng cho biết, ban đầu định lái tàu nương theo các cơn gió và sóng để cố thoát đến nơi trú ẩn gần nhất. Thế nhưng sức mạnh của bão khiến cả hai bỏ ý định, đành thả cho con tàu lênh đênh theo sóng gió suốt hai ngày trời, chờ bão tan sóng lặng mới cố "lê lết" về đất liền.
Theo anh Lộc, trong những ngày ở ranh giới sự sống và cái chết ấy, một số ngư dân trẻ còn non nghề đi biển đã bị hoảng loạn. "Tôi cũng rất sợ nhưng phải tự trấn an mình: càng hoảng loạn, càng ít cơ may sống sót", anh nói. Rồi vượt qua chính mình, mặc cho con tàu giật tới lui theo gió, có khi bị sóng đẩy tung lên rồi rơi xuống, người thuyền trưởng này moi hết trí nhớ kể những câu chuyện vui cho anh em quên đi nỗi sợ hãi.
Chiều 30/9, những cơn gió của hoàn lưu cuối cùng bão số 9 đã giúp cả hai chiếc tàu tìm đường về lại đảo Lý Sơn an toàn. Thuyền trưởng Thiện bộc bạch: "Về đến đất liền, lòng tôi mới thực sự nhẹ nhõm sau những ngày lênh đênh giữa biển khơi và luôn đối mặt với tử thần". Còn cô con gái của anh Lộc khóc nức nở khi nhìn thấy bố trở về và nghẹn giọng: "Cảm ơn ông trời đã không cướp mất bố con".
Sáng 1/10, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, Chỉ huy đồn biên phòng 328, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cũng đã đến thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn, nỗi lo lắng của gia đình 26 ngư dân. Nhiều người đã gọi cuộc trở về của các anh là: "Cuộc thoát chết thần kỳ giữa tâm bão".
Trước khi đổ bộ vào đất liền hôm 29/9, tâm bão số 9 hoành hành ở quần đảo Hoàng Sa rồi càn quét qua huyện đảo Lý Sơn làm tê liệt mọi sinh hoạt ở đây từ 3 ngày qua.
Lệ Chi - Bạch Hường