Theo The Wall Street Journal, bốn cuộc thi nhan sắc lớn nhất thế giới hiện nay là Miss World, Miss Universe, Miss International và Miss Earth. Vài năm gần đây có thêm nhiều cuộc thi lớn, nhỏ được tổ chức, với tên gọi na ná nhau. Ví dụ: Miss Global (diễn ra từ năm 2013), Miss Grand International (do một tập đoàn ở Thái Lan tổ chức từ năm 2013), Miss Asia Pacific World (từ năm 2011), Miss Global Beauty Queen (từ năm 2005), Miss Tourism International (từ 1994)...
Không ít khán giả nói họ không phân biệt nổi các cuộc thi nhan sắc và cảm thấy bị rối trước thông tin về các người đẹp.
Các cuộc thi ào ạt ra đời, kéo theo sự xuống cấp ở khâu tổ chức, chất lượng và quá trình lựa chọn thí sinh, kiểm soát scandal sau chung kết...Nhiều cuộc thi bị khán giả chỉ trích tổ chức sơ sài, thiếu chuyên nghiệp. Hoa hậu Trái đất 2016 chào đón các thí sinh với phông bạt nhăn nhúm, thiếu chỉn chu và viết sai chính tả. Các phần thi phụ được tổ chức trong những hội trường nhỏ, được ví như "cuộc thi làng". Tại diễn đàn nhan sắc Missosology, nhiều khán giả nói rằng họ không nghĩ ban tổ chức Miss Earth 2016 năm nay lại tổ chức qua loa như vậy.
Sự sơ sài, thiếu chuyên nghiệp thể hiện ở cả đêm thi chính. Nam Em của Việt Nam được ban tổ chức sắp xếp người phiên dịch và cô không được tiếp xúc với người này từ trước. Người được giao nhiệm vụ truyền tải ngôn ngữ không hiểu rõ ý câu hỏi và dịch câu trả lời của Nam Em không rành mạch, sát ý, khiến cô không vào được Top 4. Dù Nam Em khẳng định ban tổ chức rất chuyên nghiệp và làm tốt, những sự cố xảy ra suốt cuộc thi khiến nhiều người theo dõi thất vọng.
Miss World vẫn được coi là một trong những sự kiện nhan sắc lớn và nổi bật nhất thế giới. Tuy nhiên, theo từng năm, các hoạt động trong sự kiện này cũng xuống cấp. Năm nay, suốt cuộc thi, thông tin quảng bá nghèo nàn khiến khán giả khó biết được hoạt động của thí sinh. Trong đêm chung kết 18/12, kịch bản tẻ nhạt khi MC lần lượt công bố kết quả, thí sinh không có cơ hội thể hiện bản thân. Hai phần thi thu hút nhất và cho phép thí sinh được trình diễn nhiều là bikini và Dances of the World bị loại bỏ. Sân khấu được đánh giá là sao chép từ Miss Universe 2015. Màn nhảy múa chào khán giả của các thí sinh rất giống những gì diễn ra tại Miss Earth 2016 tổ chức trước đó hai tháng.
Chung kết Miss International 2016 tổ chức tại Nhật Bản hay Miss Grand International tại Mỹ hồi cuối tháng 10 đều khiến khán giả chán ngán với độ dài hơn ba tiếng và thiếu tính giải trí khi chỉ lần lượt trình diễn và công bố kết quả. Tại Miss International, MC thường xuyên dùng tiếng Nhật thay vì tiếng Anh làm nhiều người không nắm bắt được nội dung.
Chất lượng thí sinh tại các cuộc thi không được đảm bảo khi có quá nhiều cuộc diễn ra cùng lúc. Trong tháng 10, có tới năm cuộc thi lớn được tổ chức là Miss International, Miss Grand International, Miss Earth, Miss Global Beauty Queen, Miss Intercontinental. Mỗi nước phải cử nhiều đại diện tham dự, dẫn tới mặt bằng thí sinh khó đảm bảo. Như tại Miss Earth hay Miss Grand International năm nay, nhiều thí sinh có cơ thể không cân đối, lộ ngấn mỡ, vòng đùi to khi mặc bikini. Trên mạng xã hội của các cuộc thi này, người hâm mộ không ngại bày tỏ thái độ với mỗi bức ảnh không đẹp của thí sinh.
Những đơn vị tổ chức cũng ý thức được việc chất lượng thí sinh không đảm bảo nên tìm cách tác động. Tại Miss Grand International, ông Nawat Itsaragrisil - trưởng ban tổ chức - gửi tin nhắn riêng cho Hoa hậu Iceland khuyên cô nên giảm cân và nhịn ăn. Người đẹp này cảm thấy bị xúc phạm, sau đó đã xin rút khỏi cuộc thi.
Ngoài ra, nhiều nước còn sử dụng "xoay vòng" thí sinh, dẫn tới hiện tượng một người đẹp tham gia nhiều cuộc thi, miễn là thời gian không trùng lặp. Thí sinh liên tục chạm mặt nhau ở các kỳ thi quốc tế khiến sự cạnh tranh, mới mẻ của mỗi sự kiện dần bị mất đi. Điển hình như người đẹp Mông Cổ - Bayartsetseg Altangerel. Cô có mặt ở cả Miss Earth 2015 và Miss World 2016. Dù gương mặt Bayartsetseg Altangerel khả ái, thu hút, người xem vẫn cảm thấy nhàm chán.
Những ồn ào xung quanh người chiến thắng cũng khiến các cuộc thi bị đánh giá thấp. Kết thúc Hoa hậu Trái đất năm nay, giám đốc quốc gia của Đan Mạch tố cáo tân hoa hậu Katherine Espín ngủ với nhà tài trợ để có giải. Đại diện Philippines còn khẳng định Katherine Espín đã phẫu thuật thẩm mỹ. Trước nhiều xôn xao, tổ chức Miss Earth không đính chính hay làm dịu dư luận, chỉ có Katherine Espín lên tiếng bảo vệ bản thân và hứa làm rõ mọi chuyện để người hâm mộ không hiểu lầm.
Hoa hậu Thế giới 2016 cũng bị khán giả phản đối kết quả và cho rằng cuộc thi không minh bạch khi giám đốc quốc gia của Indonesia và Puerto Rico có mặt trong ban giám khảo. Đại diện của hai nước này lần lượt giành ngôi hoa hậu (Puerto Rico) và á hậu 2 (Indonesia).
Ồn ào về kết quả nhưng hoạt động của các hoa hậu sau đăng quang lại hoàn toàn trầm lắng. Ví dụ, khán giả chỉ biết đến vài hoạt động từ thiện của Hoa hậu Thế giới 2015 - Mireia Lalaguna Royo - khi cô tự giới thiệu bản thân lúc sắp trao lại vương miện cho người kế nhiệm. Hay Pia Wurtzbach - Hoa hậu Hoàn vũ 2015 - chỉ được nhớ đến nhờ chuyện yêu đương hay sự cố trao nhầm vương miện, cô không cho thấy có hoạt động gì nổi trội với cộng đồng.
Trước tình trạng các cuộc thi nhan sắc quốc tế và khu vực "mọc lên như nấm", Việt Nam cũng rộn ràng cử thí sinh đi thi.
Gần như không cuộc thi nhan sắc nào đại diện Việt Nam vắng mặt. Nhiều người đẹp đi thi cùng lúc khiến khán giả bị rối và loãng khi theo dõi. Sự tập trung chú ý hoàn toàn vào một "gà nòi" gần như không có.
Nguyễn Thị Loan tham gia quá nhiều cuộc thi khiến khán giả thấy nhàm chán, bớt háo hức. Cô từng dự thi Hoa hậu Việt Nam 2010 và đoạt giải Hoa hậu Biển, đăng quang Á hậu 2 tại Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013, tham gia Hoa hậu Thế giới 2014 và vào top 25, trắng tay tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015.
Năm 2016, Nguyễn Thị Loan đi thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế do Yến Nhi gặp trục trặc visa và mất quyền dự thi, cô được chọn thay thế khi chỉ còn hai tuần nữa sự kiện này diễn ra. Chính Nguyễn Thị Loan cũng thừa nhận: "Tôi hơi liều khi thi Miss Grand International".
Tại Hoa hậu Thế giới 2016, người đẹp Diệu Ngọc không ghi lại chút dấu ấn nào. Cô không được đánh giá cao ở các phần thi phụ, mờ nhạt giữa hàng trăm thí sinh và thiếu chiến lược truyền thông tại quê nhà, khiến khán giả không rõ cô tới Mỹ thể hiện bản thân ra sao.
Một số nước châu Âu và châu Mỹ từ lâu thờ ơ với các cuộc thi nhan sắc. Trên nhiều diễn đàn, khán giả cho rằng đã đến lúc các đơn vị nên nhìn lại cách tổ chức và kiểm soát những cuộc thi mọc lên ngày một nhiều.
>> Xem thêm:
Miss Earth Philippines bỏ vương miện vì nói xấu tân Hoa hậu Trái đất