![Hương Giang tại hậu trường trong đêm chung kết Hoa hậu chuyển giới quốc tế 2018 tại Pattaya, Thái Lan. Ảnh: AFP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/03/10/huonggiang-7170-1520656157.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AO5OH3mYMhtJiyV5vIkTfA)
Hương Giang tại hậu trường trong đêm chung kết Hoa hậu chuyển giới quốc tế 2018 tại Pattaya, Thái Lan. Ảnh: AFP.
Trang tin tiếng Anh Channel News Asia của Singapore miêu tả Hương Giang "mặc bộ váy đỏ và chiến thắng 26 đối thủ đến từ nhiều quốc gia, bao gồm Mông Cổ và Mexico để giành chiếc vương miện nhiều người khao khát".
Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2004, cuộc thi Hoa hậu chuyển giới quốc tế năm nay diễn ra tại thành phố biển Pattaya, Thái Lan. Theo phóng viên Singapore, dù cuộc thi có tính cạnh tranh cao, các thí sinh tham gia đều mong muốn đây là "cơ hội để thể hiện tình đoàn kết giữa những người phụ nữ chuyển giới với xuất thân khác nhau nhưng đều chia sẻ hoàn cảnh bị kỳ thị ở quê nhà".
"Đây là lần đầu tiên tôi tham gia một cuộc thi sắc đẹp tầm quốc tế. Quả là dịp hiếm có để tôi được gặp gỡ những người chị em chuyển giới từ khắp nơi trên thế giới", Nitasha Biswas, thí sinh Ấn Độ, nói.
Báo Singapore miêu tả không khí háo hức tại hậu trường trong đêm chung kết. "Phòng thay đồ chật ních các nhóm thí sinh vừa râm ran cười nói vừa thoa son và làm tóc. Trong khi đó, một đội quân stylist lượn vòng vòng xung quanh họ".
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện đăng quang tại cuộc thi sắc đẹp có lịch sử 14 năm này. Theo tiêu chuẩn mà ban tổ chức cuộc thi đặt ra, các thí sinh trong độ tuổi từ 18 đến 35 phải sinh ra với giới tính nam và hiện chưa được công nhận là nữ. Họ có thể trải qua phẫu thuật chuyển giới hoặc chưa. Ngoài ra, cuộc thi còn đưa ra yêu cầu các thí sinh không có ảnh khỏa thân hay bê bối liên quan đến tình dục.
'Tái sinh của loài bướm'
Ngoài phần thưởng tiền mặt, người chiến thắng sẽ được đội vương miện lấy từ cảm hứng sự tái sinh của loài bướm, với ý nghĩa những người chuyển giới, vượt qua nhiều thách thức và khó khăn, "lột xác" để sống đúng với bản thân.
Nước chủ nhà Thái Lan vốn cởi mở với cộng đồng LGBT, cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual) và người chuyển giới (Transgender). Dù vậy, xã hội ở nhiều quốc gia vẫn giữ thái độ kỳ thị với LGBT nói chung và người chuyển giới nói riêng.
Nhiều người chuyển giới có học thức và tài năng nhưng vẫn phải vật lộn để giữ được công ăn việc làm ở những lĩnh vực khác ngoài giải trí và công nghiệp tình dục. Chỉ mới gần đây, xã hội bắt đầu chấp nhận người chuyển giới và không còn nhìn nhận họ như những cá nhân có vấn đề về tâm thần, Channel News Asia bình luận.
Người đẹp Myanmar Juana Paing nói cô đến từ một đất nước còn bảo thủ, xã hội vẫn giữ quan điểm kỳ thị với cộng đồng LGBT. Cô mong muốn khi tham gia cuộc thi có tầm cỡ và uy tín như Miss International Queen, người dân quê nhà sẽ biết đến và phần nào cảm thông với cộng đồng này.
"Tại Myanmar, cộng đồng người chuyển giới rất nhỏ. Tôi chỉ mong sau cuộc thi này, Myanmar sẽ cởi mở hơn đối với những người chuyển giới", Juana nói.
Báo Singapore ghi nhận những tiến bộ trong nhận thức của xã hội Việt Nam về cộng đồng LGBT. Chính phủ đã thảo "một dự luật cột mốc" cho phép những người chuyển giới được thay đổi giới tính trên giấy tờ hợp pháp.
Joe Wong, một người hoạt động về quyền lợi của người chuyển giới ở châu Á, ca ngợi cuộc thi Hoa hậu chuyển giới quốc tế là "một công cụ có sức mạnh để cho công chúng thấy những khó khăn, tài năng và hy vọng của người chuyển giới".
An Hồng