Những người nuôi chó dẫn theo thú cưng nhảy qua lốp ôtô, chui qua lưới, về đích trong cuộc đua ở Thượng Hải hồi cuối tháng 4. Đối với nhiều người, ngoài mục đích giải trí, các cuộc đua còn là cách tăng cường gắn kết với người bạn 4 chân.
"Ban đầu tôi chỉ đến phòng gym và chạy bộ để giảm cân. Nhưng sau khi nuôi chó, vận động cùng chó cưng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống", Hong Feiwen, người về đích thứ ba cùng chó cưng Yaoyao trong cuộc thi Let's Dog ở Thượng Hải, nói.
Chen Yi, người sáng lập Let's Dog, cho hay các sự kiện tương tác cùng thú cưng ngày càng thu hút chú ý trong vài năm gần đây. Let's Dog tổ chức thi đấu mỗi tháng một lần và các sự kiện đều thu hút hơn 100 người tham gia.
"Chúng tôi vốn có kinh nghiệm tổ chức các cuộc thi đấu thể thao cho người. Nhưng chúng tôi cho rằng thời điểm này, từ góc độ thương mại, thị trường thú cưng là kênh tiêu dùng mới đang bùng bổ", Chen nói.
Mức tiêu dùng ở Trung Quốc vẫn ảm đạm trước tình hình kinh tế hiện nay nhưng thị trường thú cưng và thể thao đang là điểm sáng, theo Yaling Jiang, người sáng lập công ty tư vấn chiến lược và nghiên cứu ApertureChina.
Thị trường thể thao ngoài trời ở Trung Quốc ước tính đạt giá trị 241 tỷ nhân dân tệ (33 tỷ USD) vào năm 2025. Thị trường tiêu thụ ngành thú cưng của Trung Quốc đã đạt giá trị 279 tỷ nhân dân tệ (39 tỷ USD) năm 2023, tăng 3,2% so với năm trước.
Con số này cho thấy khả năng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực chi tiêu cho thú cưng. Báo cáo năm 2023 của UBS, ngân hàng tư nhân lớn nhất thế giới, cho thấy gần 80% người nuôi thú cưng ở Trung Quốc giữ nguyên hoặc tăng mức chi tiêu cho thú cưng sau đại dịch.
"Người nuôi thú cưng ở Trung Quốc chắc chắn đang muốn chi tiêu nhiều hơn cho thú cưng. Nhiều người không sinh con nên họ coi thú cưng như con đẻ", Jiang nói.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)