Chia sẻ với VnExpress, các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết đang đau đầu vì giá cước tàu biến tăng cao gấp đôi trong 6 tháng đầu năm nay.
CEO doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ở TP HCM nói đang lỗ vì chi phí tàu biển tăng vọt. "Chúng tôi đang chịu áp lực từ nhiều phía. Ngoài cước tàu biển, giá cà phê nguyên liệu tăng gấp đôi cùng kỳ", CEO doanh nghiệp này nói.
Tương tự, ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh - cho hay cuối tháng 5 đầu tháng 6 cước tàu biển tăng liên tục. Tính đến đầu tháng 6, cước tàu ở nhiều tuyến tăng 2-2,6 lần so với tháng 3. Đặc biệt, cước hàng từ TP HCM đi Mỹ tăng không kiểm soát, container 40 feet hồi tháng 3 là 2.950 USD, nay tăng lên tới 7.950 USD.
"Tiêu, cà phê, cước tàu biển tăng sốc nên nếu có hàng xuất, doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ. Tuy nhiên, để có tàu thời điểm này cũng không dễ", ông Thông nói.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, giá cước tàu biển tăng cao đang gây khó cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung tàu thiếu hụt. Trước đây, các hãng tàu báo giá cước cho thời gian 15 ngày đến 1 tháng, nay chỉ báo giá theo tuần.
Nguyên nhân khiến cước tàu biển tăng, theo các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ logistics là chiến tranh đang làm ảnh hưởng giá cước tàu biển trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, Mỹ lên kế hoạch áp thuế mạnh lên nhiều loại hàng hóa Trung Quốctừ tháng 8 khiến các nhà xuất khẩu nước này đẩy mạnh xuất hàng trước thời hạn. Nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc đang trả giá cao hơn để lấy chỗ trên tàu. Hiện, Trung Quốc sẵn sàng trả đến 1.000 USD cho 1 slot trên tàu, trong khi Việt Nam chỉ trả 600 USD.
Các nhà xuất khẩu Việt Nam cho biết đang thảo luận để tìm cách giảm bớt chi phí cước tàu. Ngoài ra, họ có thể sẽ phải tạm ngưng xuất khẩu với những đơn hàng kém quan trọng, hoặc xin giãn thời gian giao hàng.
Theo hiệp hội xuất khẩu cà phê, ca cao, thủy sản, việc cước tàu tăng quá nhanh sẽ khiến các doanh gặp khó trong thời gian tới. Cước hiện chỉ tăng một số tuyến, nhưng họ lo lắng sự cố này sẽ tạo thành hiệu ứng dây chuyền với các chuyến khác. Doanh nghiệp đang khó sẽ không thể gồng lỗ quá nhiều nếu cước vận tải tiếp tục tăng cao.
Hồng Châu