Tàu USS Indianapolis của hải quân Mỹ mang nhiệm vụ chuyên chở phần quan trọng của quả bom nguyên tử (đã san bằng Hiroshima tháng 8/1945) đến một căn cứ hải quân trên đảo Tinian thuộc Thái Bình Dương. Ngày 28/7/1945, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tàu Indianapolis rời vị trí neo đậu trên đảo Guam mà không có tàu hộ tống để gặp chiến hạm USS Idaho tại vịnh Leyte, Philippines.
Ngày tiếp theo đó rất yên bình. Khi mặt trời lặn, các thủy thủ ngồi chơi bài, đọc sách, một vài người nói chuyện với linh mục trên tàu Thomas Conway. Nhưng không lâu sau đó, vào nửa đêm, một ngư lôi Nhật Bản đâm thẳng vào mạn phải Indianapolis, thổi bay con tàu dài gần 20 m khỏi mặt nước và làm cháy thùng chứa 3.500 lít nhiên liệu, khiến Indianapolis tách làm đôi. Con tàu bị chìm trong 12 phút. Trong số 1.196 người trên tàu, có 900 người sống sót sau vụ nổ và rơi xuống nước. Nhưng số phận vẫn không mỉm cười với họ.
Cá mập bủa vây
Ác mộng kinh hoàng bắt đầu với những người sống sót khi sát thủ biển cả xuất hiện. Âm thanh của vụ nổ và mùi máu hòa vào trong nước kéo bầy cá mập ùa đến. Trong đêm đầu tiên, cá mập chỉ tập trung ăn xác người chết nổi trên mặt nước.
Nhưng những người còn sống vùng vẫy lại càng thu hút chúng hơn. Cá mập có khả năng cảm nhận chuyển động dưới nước qua áp suất đối với khoảng cách lên tới hàng trăm mét. Khi lũ cá mập chuyển hướng sang các mục tiêu còn sống, đặc biệt là người bị thương và đang chảy máu, các thủy thủ cố gắng cách ly mình ra khỏi bất kỳ ai có vết thương hở. Khi có ai đó chết, họ đẩy thi thể đó ra xa, với hy vọng xác chết sẽ cầm chân bầy cá khát máu.
Rạng sáng 30/7/1945, những người sống sót vẫn ngâm mình trong nước. Bè cứu hộ có rất ít. Họ bắt đầu tụ tập thành nhóm nhỏ, có nhóm lớn hơn 300 người bắt đầu mệt lả vì đói khát, ngâm trong nước lâu và phơi dưới nắng mặt trời. Nhiều người sợ hãi đến mức tê cứng trong nước, không thể ăn hay uống nổi chút đồ trục vớt được từ tàu chìm.
Những cái chết từ từ
Một nhóm thủy thủ đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi mở thịt hộp. Hương thơm từ thịt khiến họ bị bủa vây bởi đám cá mập. Họ trở thành mồi ngon của chúng trước khi kịp thưởng thức hộp thịt.
Lũ cá mập được ăn no nê trong nhiều ngày và chưa có dấu hiệu tàu đến giải cứu các thủy thủ. Tin báo tàu chìm bị chặn nhằm đưa tàu cứu hộ Mỹ vào một trận phục kích. Trong khi đó, số thủy thủ sống sót ngày một ít đi. Những người nằm ngoài các vòng nhóm hay đứng đơn lẻ là mục tiêu cá mập tìm đến ăn thịt nhanh nhất.
May mắn chưa bị nghiền nát trong hàm cá mập, nhiều người đã chết vì đói, khát hoặc buộc phải uống nước biển và ngộ độc muối. Họ trở nên điên loạn, sùi bọt mép, thu hút sự chú ý của lũ cá, gây nguy hiểm cho người còn sống xung quanh.
Theo lời kể của những người sống sót, bầy cá mập có xu hướng tấn công nạn nhân gần bề mặt nước. Nhiều nhà sử học cho rằng chúng thuộc loài cá mập trắng đại dương, một trong những loài cá mập hung hăng nhất biển cả.
Ngày thứ 4 sau khi tàu chìm, lúc 11h sáng, một máy bay Hải quân đã phát hiện ra những người sống sót và gọi cứu trợ. Chỉ trong vài giờ, một chiếc thủy phi cơ khác điều khiển bởi đại úy Adrian Marks quay lại, thả bè cùng đồ cứu trợ xuống. Khi Marks nhìn thấy người đàn ông bị cá mập tấn công, ông đã trái lệnh chỉ hủy cho máy bay hạ cánh xuống nước để giúp đỡ những thủy thủ bị thương và có nguy cơ bị cá mập tấn công cao nhất.
Sau nửa đêm, tàu USS Doyle đến hiện trường và giải thoát những người sống sót còn lại ra khỏi vùng nước nguy hiểm. Sau cùng, chỉ còn 317 thủy thủ đoàn còn sống trở về. Ước tính số lượng người chết vì cá mập ăn thịt lên tới gần 150 thủy thủ. Đây là sự kiện cá mập tấn công đẫm máu nhất lịch sử loài người cho đến nay.