Mỗi ngày chị Thủy phải mua thực phẩm nấu ăn hai bữa trưa, tối cho gia đình sáu người trong hạn mức 300.000 đồng. Sáng 25/12, chị tính mua khoảng 8 lạng thịt lợn cho món mặn, thêm đậu hoặc trứng, rau củ tùy theo mùa cho món xào và canh. Để không trùng lặp, chị sẽ mua thịt gà hoặc cá làm món chính cho bữa tối và tận dụng nốt thịt lợn còn lại từ bữa trưa.
Ba bốn tháng trước, khi một kg sườn lợn giá 95.000 đồng, ba chỉ 120.000 đồng, chị Thủy coi nhiệm vụ đi chợ rất dễ dàng. Cho đến một sáng giữa tháng 9, khi người bán thịt cảnh báo "Nay sườn lên trăm ba rồi em nhé", chị Thủy bắt đầu lo lắng. Thịt lợn hôm ấy, tùy từng bộ phận, đều tăng 20.000-30.000 đồng mỗi kg.
Với thu nhập khoảng 27 triệu đồng mỗi tháng, ở cùng bố mẹ chồng, hai con trai học lớp 6 và lớp 9, chị Thủy không nhận nhà mình khá giả, nhưng cũng chưa bao giờ bị rơi vào cảnh "thao thức vì chuyện chợ búa" như bây giờ.
Khi thu nhập của hai vợ chồng không tăng, giá thịt lợn đã liên tục tăng từ tháng 9 đến nay. Từ 90.000 đồng giữa tháng 9, giá sườn ở chợ Vĩnh Phúc cạnh nhà chị Thủy lên tới 210.000 đồng mỗi kg vào giữa tháng 12. 300.000 đồng hàng ngày cho hai bữa ăn gia đình khiến bà nội trợ phải đau đầu nghĩ cách xoay sở.
Chị Thủy giảm lượng thịt lợn đi một nửa, hai con được giữ nguyên khẩu phần, bốn người lớn chủ động ăn ít và ăn các món khác. "Người lớn ăn không mấy, nhưng con đang tuổi ăn học, cần rất nhiều chất dinh dưỡng", chị lý giải.
Chị nghĩ đến việc tăng thêm tiền đi chợ để đảm bảo lượng đồ ăn như trước, nhưng tiêu gần nửa tổng thu nhập vào thức ăn thì "bất khả thi". Chị đã tăng mua gà, cua, cá và liên tục đổi cách chế biến, nhưng chỉ được đôi ba bữa, các con trai không hứng thú, ăn ít đi. "Chẳng có gì thay thế được thịt lợn đâu", chị nói.
Cách khu nhà chị Thủy khoảng 4 km, trưa 25/12 chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy) bắt đầu thưa người mua bán. Công nhân xây dựng 30 tuổi Sa Văn Sung lúc này mới rời khu trọ, đi chợ nấu cơm cả ngày cho nhóm thợ 11 người. Họ đều từ huyện Đà Bắc, Hòa Bình xuống Hà Nội làm thợ xây dựng nhiều tháng nay.
Với những lao động chân tay ngày làm 10 giờ như Sung, thịt lợn là lựa chọn tối ưu vì "rẻ và chắc bụng". Chỉ cần thịt kho mặn, thêm mấy đũa rau xào tỏi và dăm ba thìa lạc rang muối, hoặc miếng trứng rán là mỗi công nhân ăn được 3-4 bát cơm. Nhưng giữa những ngày "bão giá", túi tiền gửi về quê cho vợ con họ đứng trước nguy cơ bị co hẹp lại.
"Không thể ăn ít đi được, đói với thiếu sức thì không thể làm được", Sung chia sẻ. Ba tuần trước, 11 người trong khu trọ nhất trí góp thêm mỗi ngày 10.000 đồng để Sung đi chợ. 450.000 đồng Sung mua 2 kg thịt lợn vai hết 300.000 đồng, 20 quả trứng vịt hết 70.000 đồng, thêm rau cải, cà chua và đậu phụ cho cả ngày.
"Phải mua thịt má này, vai này, chỗ đấy rẻ, nhiều mỡ thì no lâu hơn. Đi chợ muộn một tí, đang ế hàng thì mới dễ mặc cả", thanh niên 30 tuổi xoa xoa đôi tay còn dính vữa, chia sẻ kinh nghiệm đi chợ.
Sung không phải là người duy nhất đi mua thịt lúc giữa trưa. Trần Hồng Vân, sinh viên năm nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền lên Hà Nội ở trọ từ cuối tháng 8. Số tiền bố mẹ chu cấp mỗi tháng được Vân san ra, dành khoảng một triệu đồng cho việc ăn uống. "Dạo mới lên, mỗi ngày em và bạn cùng phòng ăn khỏe thì hết 30.000 đồng thịt lợn. Nhưng giờ 30.000 đồng được chưa đầy hai lạng, đi chợ sớm mà mua từng đó là các cô không bán", Vân nói.
Lần đầu tiên xa nhà và đối mặt với những bài toán cân đối chi tiêu, Vân không giấu được lo lắng: "Em không nghĩ thịt lợn có thể đắt thế, gần bằng thịt bò". Những sinh viên như Vân còn một lựa chọn khác, là chăm chỉ về quê hơn và mua thịt từ nhà mang lên, vì thịt ở quê sẽ "rẻ hơn một chút".
Vân ngại xin thêm tiền bố mẹ, nhưng cũng không biết xoay sở thế nào với "bão giá" ngoài việc xin làm chạy bàn bán thời gian để thêm thu nhập. Trưa 25/12 tại chợ Dịch Vọng Hậu, giá lợn ba chỉ là 190.000 đồng mỗi kg, Vân đành xách túi về phòng trọ, với trứng, thịt gà và đậu đũa.
Cuối tháng 12, gia đình anh Trần Thanh Hải (45 tuổi, Thanh Bình, Chương Mỹ, Hà Nội) tổ chức lễ cải táng cho người thân, dự tính làm hơn 40 mâm cỗ. Thực đơn đều là những món truyền thống ở vùng quê Bắc Bộ, không thể thiếu một đĩa giò, bát canh xương, đĩa thịt luộc đều từ lợn. Nó sẽ không có gì đáng bàn nếu như giá thịt lợn đang quá cao, lên tới 90.000 đồng một kg lợn hơi.
"Hay là chuyển món xào sang thịt ngan xào hoặc món luộc thay bằng vịt, giá gần tương đương mà lại sang hơn", em dâu anh Hải đề xuất nhưng không được đồng tình. Sau cùng cả nhà thống nhất "phải có đĩa giò lợn mới thành cỗ", vẫn phải mổ lợn để mời họ hàng, làng xóm bữa cơm chiều hôm trước.
Anh Hải đi khắp làng nhưng không thể mua được lợn. Sau đợt dịch tả châu Phi, gần như toàn bộ lợn nuôi của hộ dân trong vùng bị tiêu hủy. Anh phải nhờ lái buôn bắt một con 130 kg từ trang trại xã bên với giá hơn 12 triệu đồng. "Bữa cơm hàng ngày có thể chuyển thịt khác. Còn cỗ bàn, dù lợn đắt vẫn phải mua kẻo khách lại nghĩ mình tiếc tiền, làm cỗ bàn không tươm tất", anh Hải chia sẻ.
Giá thịt lợn tăng cao, ảnh hưởng tới cả hộ kinh doanh tại các chợ. Bà Phan Thị Năm, tiểu thương chợ Vĩnh Phúc, quận Ba Đình cho biết, giá lợn bà lấy từ lò mổ trong tháng 12 là 120.000-125.000 đồng một kg, gấp đôi đầu năm, nên ế một hai kg là đã hết sạch lãi. Bà giải thích nguồn cung khan hiếm sau dịch bệnh đẩy giá lên, "chứ không phải chúng tôi muốn bán giá nào cũng được".
Theo Tổng cục Thống kê, dịch tả lợn châu Phi khiến tổng đàn heo cả nước giảm 6 triệu con, tương đương 342.000 tấn thịt. Giá heo hơi leo thang liên tục từ đầu tháng 9 đến nay, do nguồn cung thịt lợn trong nước khan hiếm. Bộ Công Thương dự báo nhu cầu cung thịt heo trong tháng 12 và tháng 1/2020 khoảng 600.000 tấn. Vì thế lượng thịt thiếu hụt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sẽ quanh mức 300.000 tấn.
Thanh Lam - Tất Định