Nghỉ hưu đã 5 năm nhưng nghệ sĩ Minh Hòa bận hơn thời còn công tác ở Nhà hát Kịch Hà Nội. Chị vừa đóng máy phim mới, chấm thi Liên hoan sân khấu, tuyển sinh khóa mới cho trường điện ảnh. Ngoài diễn xuất, chị gắn bó việc giảng dạy nhiều năm, dù tiền lương theo chị là chỉ đủ "đổ xăng đi lại". Thế nhưng, đứng lớp giúp nghệ sĩ thỏa đam mê với kịch nói và mong muốn đào tạo thế hệ kế cận. Nhiều người nhận xét Minh Hòa dịu dàng nhưng trong công việc, chị nghiêm khắc với bản thân và người xung quanh.
Ngoài đời, nghệ sĩ giản dị đến mức từng có đồng nghiệp hỏi: "Sao phụ nữ mà chẳng đeo trang sức gì thế?". Minh Hòa đáp: "Ôi, trong phim đóng đại gia nhiều rồi, ngoài đời thích nhẹ nhàng".
Minh Hòa tự nhận là người phụ nữ của gia đình. Những lúc không đi diễn, chị thích đạp xe đi chợ, ở nhà nấu nướng. Chị sống cùng chồng, gia đình con trai ở Hà Nội, tự lái xe đi dậy, đi làm.
Diễn viên nói không mong cầu quá nhiều trong cuộc sống: "Chẳng hạn, thấy người khác lái chiếc xe vài tỷ đồng, tôi không thấy có nhu cầu được như vậy. Tôi hài lòng với chiếc xe cũ, chỉ cần che nắng che mưa là được. Điều duy nhất tôi ước là sức khỏe".
Là con gái Hà Nội, có vẻ đẹp đài các giống nhiều tiểu thư xưa nhưng lúc nhỏ, Minh Hòa trải qua tuổi thơ dữ dội. Sinh năm 1964, là chị cả trong nhà, nghệ sĩ sớm phụ giúp bố mẹ chăm em, cơm nước.
Bố chị - nghệ sĩ saxophone Trần Đình Giang - là bộ đội công tác ở Đoàn Văn công Tả Ngạn, thường xuyên vắng nhà. Mọi việc trong gia đình đều do mẹ chị - công nhân Nhà máy thuốc lá Thăng Long - gánh vác. Những ngày Hà Nội bị đánh bom, bố chở ba chị em chị lên Hòa Bình sơ tán, sống trong hang đá, ăn quả dại, rau rừng. Thời bao cấp, mọi thứ đều phân phối theo tem phiếu. Có lần, em gái diễn viên dậy từ hai giờ sáng xếp hàng mua thịt, nhưng tem lại bị móc trộm.
Sau này, khi bố chị sang công tác ở Đoàn Văn công Tổng cục, thỉnh thoảng được đi nước ngoài biểu diễn, cuộc sống gia đình chị khấm khá hơn. Khi vào trường Sân khấu Điện ảnh học, Minh Hòa đã có xe đạp mi-fa, rất "oách".
Lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, Minh Hòa vào trường điện ảnh rồi làm nghề một cách tự nhiên. Cuối năm 1985, khi mới là sinh viên năm ba, chị được Đoàn kịch Hà Nội nhận. Trong khi nhiều diễn viên trẻ chật vật những ngày mới vào nghề, Minh Hòa sớm có vai trong hai vở kịch Bình minh đó trái tim anh, Khoảnh khắc và vô tận (phần hai Tôi và chúng ta). Ngẫm lại những ngày đầu mới ra trường, Minh Hòa nói chị có sự may mắn bên cạnh nỗ lực của bản thân. Hai vai diễn vốn do nghệ sĩ Minh Trang đảm nhiệm, để lại chỗ trống sau khi theo gia đình vào Nam.
Đúng lúc sân khấu kịch ở thời hoàng kim, Minh Hòa và nhiều nghệ sĩ khác đều sống được bằng nghề. Khi đóng vở Tôi và chúng ta phần hai, mỗi ngày chị diễn ba suất, kéo dài đến vài tháng. "Từ suất diễn thứ hai, nghệ sĩ sẽ được gấp đôi tiền bồi dưỡng, nên chúng tôi hay đùa nhau là đi mua vàng không kịp. Thời ấy, vàng rất rẻ, không đắt như bây giờ", nghệ sĩ nhớ.
Đến khoảng năm 1991, kịch nói phía Bắc thoái trào, diễn viên của đoàn bươn chải nhiều nghề. Nghệ sĩ Minh Vượng bán giày, nghệ sĩ Hoàng Dũng bán quần áo còn Minh Hòa đi học tiếng Anh rồi làm nhân viên văn phòng. Đó là thời kinh tế mới mở cửa vài năm, phong trào làm việc cho các công ty nước ngoài nở rộ. Công việc thư ký không quá vất vả, lương lại tính bằng đô la, nên người thân đều ủng hộ.
Đi làm được mấy tháng, một hôm, trong lúc mang giấy tờ sang Bộ Xây dựng, Minh Hòa tình cờ gặp một lãnh đạo cấp cao. Sau khi hỏi thăm công việc, người này nói với chị: "Nhân viên văn phòng, ai chăm chỉ cũng có thể làm được nhưng không phải ai cũng làm được nghệ sĩ. Cháu nên suy nghĩ về quyết định của mình". Về nhà, chị buồn bã một thời gian. Đúng lúc ấy, đạo diễn Vũ Châu mời Minh Hòa đóng phim điện ảnh Trò đời. Chị bỏ giấc mơ làm bàn giấy, quay trở lại với phim ảnh.
Cuối những năm 1990, để có thêm thu nhập, Minh Hòa tham gia nhóm hài do nghệ sĩ Minh Vượng sáng lập, đi diễn khắp các tỉnh những tiểu phẩm như Hoa hậu xóm liều, Cơm bụi giá cao. Trong vở Hoa hậu xóm liều, Minh Vượng đóng người đẹp đi thi, Minh Hòa là giám khảo, cùng chọc cười khán giả. Với vở Cơm bụi giá cao, Minh Hòa đóng bà lão nông thôn bơ vơ giữa thành phố, khiến khán giả cười ra nước mắt.
Vừa đi diễn, nghệ sĩ Minh Vượng và Minh Hòa còn nhận làm "bầu sô", mời một số ca sĩ như Mỹ Linh, Tấn Minh đến hát. Thỉnh thoảng, chị cũng gặp "tai nạn" khi các diễn viên đến muộn, phải lên kể chuyện, tấu hài để "câu giờ".
Thời tiểu phẩm hài chưa phát triển, Đoàn Kịch Hà Nội có chùm Cười ơi. Là trưởng đoàn, Minh Hòa cùng Minh Vượng, Công Lý "đánh Đông dẹp Bắc", đi diễn liên miên. "Khi ấy, từng có anh hậu đài mua được chiếc xe máy khoảng hơn 20 triệu đồng. Số tiền không quá lớn nhưng vẫn tốt hơn so với bây giờ", nghệ sĩ cho biết.
Gắn bó sân khấu kịch hơn 30 năm, có nhiều vai diễn thành công nhưng Minh Hòa được nhiều khán giả biết đến hơn qua phim ảnh, điển hình là vai bà Trần Lệ Xuân phim Ông cố vấn (1996), Bạch Yến phim Cuồng phong (2010), bà Khuê phim Tình yêu và tham vọng (2020) hay gần nhất là bà Nhung trong Thương ngày nắng về (2022).
Các nhân vật nghệ sĩ đóng thường là những phụ nữ cá tính, tham vọng, nhiều góc khuất nội tâm. Nghệ sĩ có sở trường diễn bằng ánh mắt, lại là diễn viên kịch nói nên có đài từ tốt. Thời phim Ông cố vấn mới phát, chị nhận hàng bao tải thư, được yêu mến đến nỗi "ra đường chẳng bao giờ phải trả tiền ăn". Nhiều lúc, Minh Hòa phải dặn các chủ quán quen là không được lấy tiền người khác trả hộ chị.
Vài năm gần đây, nghệ sĩ có thêm nhiều fan là các bạn trẻ. Mỗi lần đi chấm thi sắc đẹp hay xuất hiện ở các sự kiện của sinh viên, chị được khán giả vây quanh chụp ảnh, nhiều lần phải nhờ ban tổ chức "giải cứu".
40 năm làm nghề, nghệ sĩ luôn tự nhắc bản thân khiêm tốn. Chị quan niệm ngoại hình, tài năng chỉ góp phần nhỏ trong thành công của mỗi nghệ sĩ, yếu tố quan trọng là sự chăm chỉ và đam mê. "Bạn có gương mặt đẹp, tài năng nhưng nếu không rèn luyện, học tập, không quan sát và làm đầy vốn sống, năng khiếu trời cho sẽ mòn đi. Nghệ sĩ phải nối dài sức sáng tạo, để mỗi vai diễn không bị trùng lặp", diễn viên nói.
Hà Thu