"Tôi vô cùng tuyệt vọng", người phụ nữ giấu tên tâm sự. Cô bị kết luận nhiễm HIV vào năm 2011. Ba năm sau, cô phát hiện mình nhận được chẩn đoán sai.
Khoảng thời gian 3 năm sống chung với kết quả dương tính giả gần như đã hủy hoại cuộc sống của cô.
"Tôi khóc rất nhiều và không quan tâm đến những người xung quanh. Tôi sợ hãi, không thể quay trở lại với công việc, bị trầm cảm và đã cố tự tử", cô chia sẻ.
Hôn nhân đổ vỡ. Chồng cô không còn sự tin tưởng, liên tục đặt câu hỏi về việc cô đã nhiễm HIV như thế nào. Đây là câu hỏi cô không thể trả lời. Trong hai năm liền, cô gái gần như sống bằng thuốc kháng HIV - ARV. Con trai cô cũng phải dùng thuốc dự phòng từ khi mới 6 tuần tuổi.
"Những viên thuốc làm tôi phát ốm. Cuộc sống của tôi hoàn toàn thay đổi. Tôi không thể chấp nhận hoàn cảnh của mình", cô cho biết.
Cô mất 7 tháng để thích nghi với tình trạng của bản thân, chịu sự dày vò và tổn thương tâm lý nặng nề. Mỗi khi con trai bị ốm, cô đều nghĩ nguyên nhân từ bệnh của mình.
"Tôi không có kế hoạch cho tương lai và từ bỏ mọi thói quen cá nhân", cô nói.
Năm 2014, sau khi xét nghiệm lại, cô phát hiện mình không nhiễm HIV. Trước đó, trong lần khám định kỳ, bác sĩ cũng cho biết tải lượng virus của cô không thể phát hiện và khuyên cô dừng sử dụng thuốc ARV. Để chắc chắn, cô tiếp tục thực hiện xét nghiệm thêm 3 lần, kết quả cho ra đều âm tính.
Người phụ nữ cho biết đã học được nhiều điều về virus HIV trong khoảng thời gian sống với tư cách một người mắc bệnh.
Tháng 8 năm nay, một phụ nữ 22 tuổi sống tại Ấn Độ đã tử vong vì sốc tinh thần nghiêm trọng sau khi nhận kết quả chẩn đoán dương tính với HIV tại một phòng khám tư nhân. Tuy nhiên sau đó, kết quả xét nghiệm thực hiện tại phòng khám công lập cho thấy, cô không nhiễm bệnh.
Tiến sĩ Sindi van Zy, chuyên gia nghiên cứu về HIV, cho biết trong sự nghiệp của mình, ông đã gặp 5 trường hợp chẩn đoán sai. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của người không mắc bệnh.
Theo báo cáo được công bố trên Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Mỹ (NCBI), kết quả dương tính giả với HIV dễ dẫn đến khó khăn tâm lý xã hội và bệnh tâm thần. Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp, sự nhạy cảm, tính bảo mật thông tin và việc tôn trọng quy trình xét nghiệm.
Thục Linh (Theo News24, NCBI, New India Express)