Thứ năm, 19/12/2024
Chủ nhật, 23/7/2017, 00:00 (GMT+7)

Cuộc sống tuổi lên 9 của cô bé không tay chân

Từ việc đi bằng ván trượt, cô bé Nguyễn Hoài Thương (huyện Củ Chi, TP HCM) được mẹ dạy tập đi bằng chân giả để làm quen cuộc sống mới.

Nguyễn Hoài Thương (9 tuổi, ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP HCM) là con gái thứ hai của vợ chồng ông Nguyễn Văn Lợi và bà Trần Thị Cẩm Giang. Em sinh ra không có chân tay do di chứng của chất độc da cam. Cách đây hai năm, em được nhiều người biết đến với biệt danh "chim cánh cụt".

"Thời gian qua, gia đình nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm nhưng cũng không ít mệt mỏi vì có người dị nghị và đàm tiếu. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ phải làm gì đó thiết thực cho con gái. Hè này, tôi dạy bé tập đi, cho học vẽ và học Anh văn", bà Giang tâm sự.

Nhờ sự giúp đỡ của quỹ từ thiện ở Mỹ, hai mẹ con đã ra tận Hà Nội để tìm chỗ đúc chân giả cho Hoài Thương tập đi. Mỗi buổi tập của bé kéo dài nhiều giờ dưới sự giám sát của mẹ và chị gái. 

"Lúc đầu tập đi con đau lắm, phải có mẹ và chị hai đỡ. Giờ con có thể tự đi được rồi", Hoài Thương khoe, vừa bước chập chững bằng đôi chân giả.

Mỗi lần tập đi là một lần chịu đau đớn nên khi được tháo chân giả, Hoài Thương lại chạy nhảy tung tăng quanh nhà trên chiếc ván trượt tự chế. 
 

Cô bé ngày càng bụ bẫm, lém lỉnh và tinh nghịch. "Con không ước mơ làm bác sĩ nữa đâu, con muốn sau này làm cô giáo dạy tiếng Việt cho mọi người", Thương nói về ước mơ.

Dù bận rộn với lịch học và tập đi, hàng ngày, em không quên phụ giúp gia đình quét nhà, xếp gọn đồ đạc.

Giữa trưa, em tự giác phụ mẹ vo gạo nấu cơm. "Điều tôi hạnh phúc nhất là con mình chưa bao giờ nghĩ ngợi hay buồn vì cơ thể khiếm khuyết. Lúc nào cháu cũng vui tươi và tự làm mọi việc như những đứa trẻ lành lặn", bà Giang chia sẻ.

Mỗi tuần, bà Giang đưa con gái từ nhà đến công viên 23 Tháng 9 (quận 1) bằng xe buýt để học tiếng Anh với thầy Brian Roesch, một nhà văn Mỹ nhận dạy tiếng Anh miễn phí cho bé.

"Bữa có chú thợ vẽ ở Long Anh nhận dạy miễn phí cho bé. Rồi cuối tuần hai mẹ con đi xe máy đến lớp. Học được vài buổi vẽ cơ bản, đành phải để bé tự học ở nhà vì đường xa quá mà tôi lại mới mổ cột sống", bà Giang kể.

Hoài Thương ôm chầm mẹ sau khi được búi tóc. "Người con yêu quý nhất trên đời là ba mẹ. Lúc nào con cũng thích vẽ ba mẹ và chị hai dẫn con đi chơi", cô bé kể.

Những lúc rảnh rỗi, cô bé "chim cánh cụt" cùng anh họ dùng máy tính để tập gõ bàn phím và tìm kiếm những video học tiếng Anh trên mạng.

Bữa cơm chiều của gia đình. Hiện ông Lợi, bố của bé đang làm công nhân, còn mẹ bé nhận dạy nghề may công nghiệp tại nhà. "Cả năm nay, gia đình xảy ra nhiều chuyện, tôi ốm đau suốt nhưng nghĩ con còn nhỏ thì phải ráng làm", bà Giang giãi bày.

Nghị lực của cô bé "chim cánh cụt"
 
 

Cuộc sống đầy tiếng cười của cô bé "chim cánh cụt" hai năm trước.

Thành Nguyễn