Hơn hai tuần sau khi nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, diễn viên Đức Trung cho biết vẫn lâng lâng hạnh phúc. Gia đình ông không ăn mừng rình rang, chỉ treo tấm bằng vào góc danh dự, coi đó như minh chứng ghi nhận hơn 60 năm gắn bó với nghề. Nhiều bạn bè, người quen bất ngờ, hỏi vì sao đến nay ông mới đạt danh hiệu, Đức Trung cười xòa: "Trước tôi chỉ mải làm việc, chẳng để ý thủ tục làm hồ sơ".
Nghệ sĩ sống cùng vợ - nhà lý luận, phê bình sân khấu Hồng Việt - trong căn nhà tập thể ở Giảng Võ, Hà Nội. Hàng ngày, cả hai cùng nhau đi dạo quanh hồ rồi về lo cơm nước. Bà kém ông tám tuổi, từng là diễn viên ở Đoàn Kịch nói Quân đội cùng chồng, sau đó chuyển sang nghiên cứu. Hai ông bà có chung đam mê sân khấu, nghệ thuật, giữ gìn hôn nhân hòa hợp hơn nửa thế kỷ. Ông bà đều thích tự do nên sống riêng, chỉ cuối tuần mới quây quần bên con cháu. Ông có ba người con, trong đó con cả - diễn viên Lê Tuấn Anh - theo nghề bố.
Ngoài 80 tuổi, ông mắc bệnh huyết áp của người già, cố gắng kiểm soát bằng việc ăn uống thanh đạm, nghỉ ngơi hợp lý. Vài năm trước, khi vẫn có thể nói to vài tiếng đồng hồ, ông thường xuyên đứng lớp dạy diễn xuất, làm MC. Giờ nghệ sĩ tập trung nghỉ ngơi, vui vầy bên gia đình. Mỗi khi học trò, đồng nghiệp đến nhà hỏi ý kiến về nghề, ông sẵn sàng trò chuyện.
Niềm vui lớn của ông hiện tại là bóng đá. Ông sinh hoạt trong Câu lạc bộ V-star, gồm nhiều diễn viên, ca sĩ, cựu danh thủ. Mỗi lần có các trận đấu hay, ông lại ra sân Hàng Đẫy, sân Mỹ Đình, cổ vũ. Tháng trước, ông cùng các thành viên câu lạc bộ đi từ thiện ở Hải Phòng.
Hơn nửa thế kỷ làm nghệ, Đức Trung ghi dấu với hàng trăm vai chính diện trên sân khấu lẫn phim ảnh. Thời trẻ, ông vốn là lính pháo binh của Sư đoàn 312. Một lần, Đoàn kịch Quân đội về đơn vị biểu diễn, khơi dậy đam mê trong ông. Xuất ngũ, ông thi tuyển, trở thành diễn viên của đoàn. Năm 1979, ở tuổi 40, ông chuyển công tác sang Nhà hát Tuổi trẻ, gắn bó hơn 20 năm.
Với vóc dáng cao lớn, gương mặt đạo mạo, cương nghị, ông thường được các đạo diễn đưa vào tuyến chính diện. Ông tâm đắc các vai có số phận đặc biệt, sống trong giằng xé nội tâm. Một trong số đó là Việt, vở Đôi mắt (Vũ Dũng Minh). Nhân vật là thương binh bị hỏng hai mắt, sống giữa tình yêu, tình thân của đồng đội. Trong vở Bến bờ xa lắc (Lê Thu Hạnh), ông đóng một kỹ sư giỏi, vì mải mê công việc mà không chăm lo gia đình, vợ ngoại tình với bạn thân.
Nghệ sĩ tự hào vì từng hóa thân Chủ tịch Hồ Chí Minh, vở Lịch sử và nhân chứng, tái hiện hình ảnh lãnh tụ thời điểm năm 1946. Ông nhớ: "Tôi nghiên cứu nhiều tư liệu lịch sử để hiểu về con người, tâm hồn Bác. Có khi, tôi nghe băng cối ghi âm giọng Hồ Chủ tịch đến nửa đêm. Khi diễn ở TP HCM những năm 1980 trước hơn 1.000 khán giả, tôi nhớ như in khi vừa bước ra, đám đông vỗ tay không ngớt".
Trên phim truyền hình, ông đóng các nhân vật hiền hậu, mực thước trong các phim Tội và tình, Kẻ tử tù tuổi 17, 12A và 4H, Vệt sáng ngược, Phóng viên thử việc. Ông cho biết luôn mổ xẻ, đào sâu từng nhân vật để tạo sự khác biệt, nên không cảm thấy nhàm chán.
Diễn viên cũng từng muốn làm mới bản thân, đa năng hơn, nên thử sức với vai quý tộc háo sắc, ăn chơi trong kịch Trưởng giả học làm sang hay vai một tay buôn đồ cổ lươn lẹo trong một dự án truyền hình. Tuy nhiên, trong bữa cơm với đoàn, nhiều người trêu ông: "Thôi từ nay bác đừng đóng vai phản diện nữa, mặt bác không lừa được ai đâu".
Trái ngược bố, con trai ông - diễn viên Lê Tuấn Anh - chuyên gắn với các dạng vai "đầu trộm đuôi cướp", như kẻ môi giới mại dâm trong Quỳnh Búp Bê, tên xã hội đen bặm trợn trong Phố trong làng. Nghệ sĩ Đức Trung từng hỏi "Sao con cứ mãi vào những vai như vậy", Tuấn Anh chỉ cười trừ: "Đạo diễn chọn, con biết làm thế nào được". Ông ít cho con lời khuyên hay truyền đạt kinh nghiệm trong nghề, nhưng thường âm thầm cổ vũ anh. Vở nào con trai đóng, ông và vợ cũng có mặt từ sớm, ngồi hàng ghế khán giả cổ vũ. Khi nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân hôm 6/3, ông tự hào vì niềm vui nhân đôi, khi con trai cũng được phong Nghệ sĩ Ưu tú.
Nghệ sĩ quan niệm: "Cuộc đời là sống, cống hiến đến hơi thở cuối cùng". Ông cho biết vẫn đủ sức khỏe theo đoàn phim ở các bối cảnh không quá xa, đang mong chờ vai diễn mới phù hợp.
Vai gần nhất của nghệ sĩ là ông Phan - chủ tịch tập đoàn lớn - trong phim Hướng dương ngược nắng. Dù chỉ thuộc tuyến vai phụ, nhân vật được khán giả yêu thích, đặt biệt danh "ông nội quốc dân" bởi tính cách quyết đoán, nhân hậu, thấu tình đạt lý. Những ngày đóng phim, nghệ sĩ thường một mình nhẩm thoại trong lúc làm việc nhà. Đi quay, ông còn tự hóa trang cho mình và một số đồng nghiệp.
"Bên kia sườn dốc cuộc đời, tôi chỉ có thể làm những việc vừa sức, như sinh hoạt, trò chuyện, dạy các bạn trẻ đôi điều về sân khấu. Tôi muốn nhắn gửi các bạn trẻ, cứ làm việc hết sức, thành quả rồi sẽ đến", ông nói.
Đức Trung sinh năm 1939, là gương mặt gạo cội của sân khấu, truyền hình phía Bắc. Ngoài diễn xuất, nghệ sĩ từng giữ chức Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, là người dìu dắt nhiều lứa nghệ sĩ của đơn vị. Ông luôn quan tâm, đau đáu tình hình sân khấu, luôn có mặt mỗi khi Nhà hát công diễn vở mới.
Hà Thu