Jan Koum - Ảnh: Reuters. |
Theo Business Insider, không nhiều người được hưởng lợi lớn từ sự thành công thần kỳ của Facebook như Jan Koum. Năm ngoái, Koum mới bán nửa già số cổ phiếu Facebook của mình, thu về hơn 5 tỷ đôla.
Jan Koum vốn là người gốc Do Thái, sinh năm 1976 trong một gia đình nghèo, không có cả nước sử dụng ở ngoại ô Kiev, thủ đô của Ukraine. Khi đó, tình hình chung của Ukraine cũng rất khó khăn. Koum vẫn còn nhớ ngôi trường thời thơ ấu không có phòng tắm, bọn trẻ phải đi qua bãi để xe giữa thời tiết âm 20 độ C để đến được chỗ tắm.
Năm 16 tuổi, Koum theo mẹ và bà ngoại sang Mỹ. Tại đây họ sống trong một căn hộ rất nhỏ, chỉ có hai phòng nhờ phúc lợi xã hội. Cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào tem phiếu thực phẩm dành cho những người không mua nổi thức ăn. Mẹ Koum đi trông trẻ để có thêm tiền trang trải còn bản thân Koum làm công việc vệ sinh dọn dẹp cho một tiệm tạp hóa. Koum vẫn sử dụng những cuốn vở và bút viết mang sang từ Ukraine vì thiếu tiền mua.
Năm 1997, lúc Koum 21 tuổi, bố cậu qua đời tại quê nhà. Ba năm sau, mẹ Koum cũng mất ở Mỹ vì căn bệnh ung thư.
Tại trường trung học ở Mỹ, Koum không có nhiều bạn bè và bị xem là một học sinh cá biệt, khó tốt nghiệp. Koum tìm niềm vui trong chiếc máy tính cũ. Cậu tự học máy tính bằng cách mua sách hướng dẫn ở hiệu sách địa phương, đọc xong trả lại để có tiền mua cuốn mới. Dù vậy, Koum vẫn vào được trường đại học San Jose và bắt đầu làm việc cho công ty Ernst and Young ở vị trí kiểm tra an ninh ngay khi còn đi học.
Một sự kiện trong quá khứ đến bây giờ vẫn còn ám ảnh Koum, khiến anh ước gì có thể xóa nó khỏi dòng thời gian của cuộc đời. Tháng 2/1996, Koum bị tòa án tiểu bang San Jose, California ban hành lệnh kiềm chế theo yêu cầu của cô bạn gái, vì Koum đã có những hành động và lời nói đe dọa cô gái sau khi chia tay. Sau này Koum đã thừa nhận: "Tôi cảm thấy mình đã vô lý và cư xử tồi tệ sau khi chia tay. Tôi xấu hổ về cách tôi hành động, xấu hổ vì hành vi của tôi đã buộc cô ấy phải có hành động pháp lý. Tôi rất xin lỗi vì những gì tôi đã làm".
Trong thời gian làm ở Ernst and Young, Koum gặp một trong những nhân viên đầu tiên của Yahoo là Brian Acton vào năm 1997. Nhờ sự giúp đỡ của Acton, 6 tháng sau, Koum kiếm được một công việc về an ninh mạng ở Yahoo. Sau đó, Koum nghỉ học ở trường đại học vì thấy mình không thích học, để tập trung làm việc cho Yahoo. Sau 9 năm làm cho Yahoo, Koum vươn lên vị trí quản lý cơ sở hạ tầng và tiết kiệm được 400.000 đô la.
Năm 2007, Koum và Acton cùng nghỉ việc ở Yahoo, dành thời gian đi du lịch Nam Mỹ cùng nhau. Khi trở về, họ nộp đơn vào Facebook nhưng bị từ chối.
Trong thời gian thất nghiệp, Koum nghiền ngẫm về những việc mình muốn làm tiếp theo. Mua một chiếc iPhone hồi tháng 1/2009, Koum nhận thấy mình có thể thành công với những ứng dụng từ App Store. Koum nảy ra ý tưởng cho phép mọi người thiết lập cập nhật tình trạng trên điện thoại của họ. Koum đồng sáng lập WhatsApp vào sinh nhật của mình, 24/2/2009. Mùa hè năm đó, anh và Acton quyết định biến sản phẩm thành ứng dụng nhắn tin.
Thời mới thành lập, văn phòng của WhatsApp là vài buồng phía sau nhà kho của một công ty. Ở đây không có lò sưởi, nhân viên phải quấn chăn chống lạnh để làm việc. Sự phát triển của WhatsApp khiến CEO của Facebook quan tâm. Tháng 2/2014, Zuckerberg mời Koum ăn tối và đề nghị mua lại WhatsApp với giá 19 tỷ đôla (trong đó có 4 tỷ tiền mặt, còn lại bằng cổ phiếu Facebook). Đêm trước khi ký giấy tờ, Koum thức khuya, làm nốt việc với đồng nghiệp. Trở về nhà lúc 2 giờ sáng, bánh xe của Koum nổ tung khi anh đang chạy 120km/h và Koum suýt chết.
Koum gia nhập hội đồng quản trị Facebook và nhận mức lương 1 đô la cùng với số cổ phiếu trị giá hàng tỉ đô. Koum tiếp tục đứng đầu nhóm WhatsApp với khoảng 100 nhân viên, làm trong văn phòng ở Mountain View, cách xa trụ sở chính của Facebook.
Sau khi bán WhatsApp, Korum và Acton đi đến Barcelona tham dự đại hội Mobile thế giới. Koum đã tổ chức lễ sinh nhật lần thứ 38 của mình tại đây. Dù đã có hàng tỷ đôla trong tay, Koum vẫn duy trì lối sống tiết kiệm trước đây của mình. Koum ép Facebook ký sớm để không bỏ phí chiếc vé máy bay được mua bằng điểm thưởng, loại vé không thể thay đổi hành trình để đến Barcelona.
Sau khi bán WhatsApp, Koum góp vào các quỹ cộng đồng gần 2 triệu đôla. Koum cho biết cuộc sống của mình chỉ thay đổi khoảng 10% sau cuộc mua bán đó, anh vẫn sống trong ngôi nhà trước đây và chơi với những người bạn cũ.
Một trong số ít những niềm đam mê của Koum là xe Porsches. "Đối với tôi, Porsche luôn là đại diện cho sự thành công ", Koum từng nói hồi năm ngoái. "Mong muốn có một chiếc xe như thế là một động lực chính để tôi học hỏi nhiều hơn và làm việc chăm chỉ hơn."
Hoàng Anh