Gia đình anh Thanh, 37 tuổi, thôn Việt Yên, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, cách nhà nữ bệnh nhân 32 tuổi nhiễm nCoV một bức tường rào. Cô làm việc cho một công ty game ở Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, về quê hồi đầu tháng 5, là một trong hai ca nhiễm nCoV cộng đồng sau khi hết hạn cách ly được ghi nhận tại Hà Tĩnh trong đợt dịch lần này.
19h30 ngày 5/5, vừa kết thúc bữa cơm tối, anh Thanh đứng ngoài sân hóng gió, thấy xe máy của lực lượng y tế cùng cán bộ thôn, xã Việt Tiến liên tục ra vào ở nhà bên cạnh.
Con ngõ bê tông dài hơn 300 m nối từ quốc lộ 15B vào gần nhà anh trở nên ồn ào khác ngày thường. Một lúc sau, xe cứu thương đỗ ngoài ngõ, một vài người cùng cán bộ y tế từ ngôi nhà của cô gái 32 tuổi đi nhanh ra xe. Anh vào bảo với vợ "nhà hàng xóm có ca nhiễm Covid". Chị Nguyễn Thị Thắm (37 tuổi, vợ anh Thanh) vẻ mặt lo lắng, thở dài.
Gia đình bốn người của anh Thanh trở thành các F của bệnh nhân nhiễm nCoV. Ngay trong đêm, còn chưa hiểu rõ sự việc gì xảy ra, hàng chục hộ dân xung quanh khu vực nhà cô gái 32 tuổi được cán bộ y tế mặc đồ bảo hộ kín mít đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm.
Tất cả sau đó nhận lệnh từ chính quyền "sẽ phong tỏa hai tuần để phòng dịch". 22h, công an xã, dân phòng bắt đầu giăng dây, dựng chốt ở phía đầu các con ngõ bên quốc lộ 15B. Về khuya, lực lượng chức năng dần rút đi, ánh đèn xe máy, ôtô, xe cứu thương không còn nhấp nháy ở ngoài đường như lúc đầu giờ tối. Cả thôn nhà nào cũng đóng kín cửa, nhưng sáng đèn suốt đêm.
Đêm đầu tiên bị phong tỏa, anh Thanh kể hai vợ chồng cứ chập chờn không ngủ được. Vợ mới sinh con bốn tháng, đôi lúc bất an gặng hỏi chồng "liệu nhà mình có bị làm sao không?". "Từ ngày 5/2, cô gái ấy về quê, tự cách ly và ở trong phòng. Mình muốn hỏi thăm họ xem lâu ngày khỏe không mà có được đâu. Sẽ không có chuyện lây nhiễm vì không tiếp xúc", anh Thanh trấn an vợ.
Năm ngày qua, cuộc sống của gia đình anh chỉ quanh quẩn trong căn nhà cấp bốn rộng hơn 100 m2. Hôm 5/5, vì lệnh phong tỏa bất ngờ, anh không thể đi mua đồ ăn tích trữ. Số ít cá, thịt mua ăn hàng ngày bỏ trong tủ lạnh đến ngày 7/5 hết sạch. Trong vườn trồng sẵn rau khoai, rau muống nên ba hôm nay rau là món ăn chủ đạo, với đủ các món như: Xào, luộc, nấu canh.
Buổi sáng cả nhà ăn mỳ tôm, bánh mỳ do chính quyền cung cấp. Anh Thanh chia sẻ thương vợ mới sinh, cần bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho con bú, muốn gọi họ hàng tiếp tế cho ít thịt hoặc cá để ăn lấy sức. Tuy nhiên, anh không dám vì sợ việc cá nhân của gia đình sẽ ảnh hưởng đến công tác chống dịch của xã hội.
Không thể ra ngoài, anh Thanh lòng như lửa đốt khi hai sào dưa lê và dưa hấu trồng trong vườn, sát bên cạnh nhà đang chín rộ không thể thu hoạch đem đi bán. Ngày 7/5, ở ngoài đồng, chính quyền đã huy động lực lượng thu hoạch và bán hơn 7 tấn dưa các loại giúp 16 hộ dân vùng phong tỏa ở thôn Việt Yên. Do ruộng dưa của gia đình anh Thanh nằm ở bên trong các chốt kiểm soát, nên không ai có thể tiếp cận. Hiện, hàng chục kg dưa hấu, dưa lê chín rộ trong vườn, gặp nắng đã nứt nẻ, dế và chuột đục thủng. Anh Thanh phải lấy dưa hỏng vào cho bò ăn.
"Số dưa tồn đọng trong vườn khoảng 4-5 tạ. Gần 10 ngày nữa mới dỡ phong tỏa, đến lúc đó tôi xác định một sào dưa lê sẽ hỏng. Với số ít dưa hấu bị già, tôi đem ra chợ bán giá rẻ. Bình thường, nếu may mắn, 2 sào dưa thu về hơn 30 triệu đồng. Vụ này gặp dịch bệnh xem ra thua lỗ", anh Thanh nói, kiến nghị chính quyền sớm có phương án "giải cứu" số dưa trên giúp gia đình.
Trước kia, người đàn ông 37 tuổi chỉ việc lo kinh tế, quán xuyến gia đình đều phó mặc cho vợ. Hiện vợ đang ở cữ, lại rảnh rỗi nên anh thay chị làm mọi việc. Sau buổi tối, ông bố luôn nhắc nhở, kèm cặp con gái 8 tuổi học bài để sắp tới hết cách ly sẽ thi học kỳ. Thỉnh thoảng, nhận điện thoại của người thân gọi hỏi thăm tình hình, dù lòng dạ rối bời nhưng anh trấn an "mọi việc vẫn ổn".
Cách xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà hơn 160 km, tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), hàng trăm người dân cũng đang sống trong cảnh phong tỏa, khi địa phương ghi nhận ca Covid-19 cộng đồng đầu tiên - người đàn ông 47 tuổi, trở về từ Bệnh viện nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, huyện Đông Anh (Hà Nội) hôm 6/5.
Chiều 9/5, thôn Tân Thành (xã Quỳnh Lập), một trong bốn điểm bị phong tỏa, đường làng, ngõ xóm vắng bóng người. Tiếng người í ới gọi nhau ra khơi, đi làm không còn, thay vào đó là tiếng loa truyền thanh của xã thông báo tình hình dịch bệnh, nhắc người dân thực hiện các biện pháp giãn cách.
Ngày thứ tư ở trong nhà, bà Lê Thị Cứu, 58 tuổi, nói cuộc sống khi bị phong tỏa quá đảo lộn khiến hai vợ chồng phải tìm cách thích nghi. Trước kia, mỗi sáng bà Cứu ra biển bắt ốc đưa ra chợ bán kiếm thêm thu nhập. Mấy hôm vừa rồi, vẫn giữ thói quen thức dậy từ khi 5h để ra biển, bà ngó ra đầu ngõ, thấy lực lượng đang ngồi ở chốt kiểm soát, mới nhớ rằng thôn mình đang "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Bà Cứu đi lại trong nhà, đỏ bếp nấu cơm, chăm cháu giúp con trai. Ngày nào cũng giống ngày nào.
Nhà con trai bà Cứu ở bên cạnh, anh thuộc diện F2, phải tự cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Bà Cứu cho hay mấy hôm nay các thành viên trong gia đình đứng ngồi không yên, đến khi biết kết quả xét nghiệm âm tính mới thở phào nhẹ nhõm. Hai nhà cạnh nhau, không có tường rào song mấy hôm nay bà Cứu không thể gặp trực tiếp con trai, cháu của bà cũng không thể nói chuyện với bố. Thỉnh thoảng, hai bên đứng từ xa vài chục mét, vẫy tay chào nhau.
Hàng ngày chính quyền lập danh sách các hộ dân có nhu cầu mua lương thực, đồ dùng sinh hoạt để hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều hộ dân có chung lo lắng vì kinh tế gia đình phụ thuộc vào nghề đi biển, không thể ra khơi đồng nghĩa với thu nhập bị ảnh hưởng, sẽ bị ngân hàng nhắc các khoản lãi khi đến hạn.
"Nhiều người vay hàng chục đến hàng trăm triệu đồng sắm tàu thuyền, ngư cự với ước mong mỗi chuyến ra khơi cá, tôm luôn đầy ắp. Mấy hôm nay, khi gọi điện hỏi thăm một số ngư dân, giọng họ đáp lại trầm buồn, lo lắng nếu diễn biến dịch bệnh ngày một phức tạp thì đời sống sẽ bị ảnh hưởng lớn", bà Cứu nói.
Trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, Bệnh viện Da liễu Trung ương Quỳnh Lập cơ sở hai cũng thuộc diện phong tỏa. 45 cán bộ, nhân viên và hơn 100 bệnh nhân là các F1 và F2. Đến nay, 5 F1 và hơn 100 F2 đã có kết quả âm tính lần một. Ông Nguyễn Việt Dương, Giám đốc Bệnh viện, cho biết trong lúc khó khăn này, chỉ biết trấn an tinh thần đồng nghiệp để họ yên tâm làm nhiệm vụ, thể hiện tốt trách nhiệm của người thầy thuốc với niềm tin "mọi việc sẽ ổn".
Hà Tĩnh có 8 ca Covid-19, trong đó 5 ca nhập cảnh cách ly ngay, một ca nhiễm và một ca tái dương tính sau khi hết thời hạn cách ly tập trung. Tỉnh đang phong tỏa hai thôn Việt Yên (xã Việt Tiến) và Sâm Lộc (xã Tượng Sơn) với hàng trăm hộ dân.
Nghệ An mới ghi nhận một ca nhiễm nCoV cộng đồng, đang phong tỏa 5 thôn ở xã Quỳnh Lập, với gần 1.900 hộ dân, hơn 8.300 người, thị xã Hoàng Mai giãn cách theo chỉ thị 15.
Đây là lần đầu tiên Hà Tĩnh, Nghệ An phải phong tỏa một số địa bàn vì có các ca nhiễm nCoV.