Thứ bảy, 12/4/2025
Thứ năm, 16/3/2023, 10:35 (GMT+7)

Cuộc sống trong những căn nhà siêu nhỏ ở khu Mả Lạng

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân sống trong cảnh chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, có căn chỉ rộng 4-5 m2 ở khu Mả Lạng giữa trung tâm Sài Gòn.

Những căn nhà ổ chuột nằm lọt trong khu Mả Lạng hay còn gọi là tứ giác Nguyễn Cư Trinh (quận 1), cách chợ Bến Thành chưa đến một km. Trước 1975, nơi này là nghĩa địa với hàng chục ngôi mộ nằm xen lẫn nhà dân. Những năm 1977-1982, các ngôi mộ được dời đi nhường chỗ cho những người đi kinh tế mới trở về.

Khu vực này có hơn 530 nhà dưới 20 m2, chủ yếu siêu nhỏ, xuống cấp, là nơi ở của những lao động nghèo, làm nghề xe ôm, hàng rong, phụ hồ, nhặt phế liệu. Các hộ dân đều không dám sửa chữa nhà nên cứ để xập xệ, tạm bợ vì sợ di dời.

Bà Võ Thị Cẩm Thoa sống cùng gia đình 12 người trong căn nhà 15 m2 với hai gác tạm phải leo cầu thang ở hẻm 245/69 Nguyễn Trãi. Bà Thoa làm nghề buôn bán, theo chồng về khu Mả Lạng sinh sống từ năm 1986. Khi về khu này bà nói đã nghe thông tin giải tỏa.

"Lúc tôi 19 tuổi có tin di dời, giải tỏa khu này mà giờ tôi 56 tuổi vẫn chưa thấy đâu. Nhà cửa cũng không dám xây mới hay sửa sang nên cứ lụp xụp", bà Thoa nói.

Bà Thoa leo lên căn gác bằng một cầu thang được bắc trước hẻm để tiết kiệm diện tích trong nhà.

Khu Mả Lạng dày đặc ngõ ngách hun hút, ngoằn ngoèo như mê cung. Ở lối vào con hẻm 245 Nguyễn Trãi chật chội, thiếu ánh sáng. Người dân phải để xe máy trước hiên vì nhà chỉ đủ chỗ cho người ngồi.

Không còn khả năng lao động sau tai biến, ông Nguyễn Ngọc Tấn, 67 tuổi, ngồi một chỗ ở nhà, bên trong lỉnh kỉnh đồ dùng sinh hoạt. Ông Tấn không có căn cước công dân vì mất giấy tờ trong chiến tranh.

Ông cho biết sống ở đây từ nhỏ, khi nơi này từng là khu nghĩa địa, mồ mả, rác thải nhưng cũng có nhà tạm, nhà tường đan xen. Sau năm 1975, ông đi kinh tế mới về và được cấp cho căn nhà ở đến nay. Nhưng suốt một thời gian dài lập hồ sơ, làm giấy tờ căn cước, hộ khẩu vẫn chưa được duyệt. "Tôi chỉ muốn có một tờ giấy chứng minh mình là công dân mà cũng không được, cứ chờ hoài", ông Tấn nói.

Gia đình 4 người của ông Nguyễn Quang Hải (51 tuổi) sinh hoạt trong căn nhà 4 m2 chỉ vừa lối đi với giá thuê 2 triệu đồng mỗi tháng.

Hàng ngày, ông Hải chạy xe ôm và phụ vợ chở rau đem bán. Mới đây, khi xe khách bị cấm vào trung tâm, ông Hải cũng mất phần lớn lượng khách. Mỗi ngày, hai vợ chồng kiếm được 300.000-400.000 đồng, đủ trang trải tiền trọ, xăng xe và tiền ăn học cho con.

Cách đó chừng vài căn là nhà của bà Trần Thị Lan, 70 tuổi. Bà Lan phụ con cháu làm cải để bán mì xào. Bà sống cùng chị gái đang nằm bệnh, và 6 người con cháu trong căn nhà chừng 6 m2.

Cháu bà Lan - bé Nguyễn Trần Ngọc Trâm, 7 tuổi, chui lên xuống gác nhà bằng cầu thang gỗ tạm bợ. Căn nhà của gia đình cũng chỉ có một lối đi vừa đủ một người bước qua.

Gia đình gần 10 người của bà Bà Dương Dục, 80 tuổi (bìa trái) sinh hoạt trong căn nhà chừng 6 m2.

Những lao động chính đã đi làm từ sớm, trong nhà chỉ còn lại người già, trẻ nhỏ. Bà Dục cho biết căn nhà này thuê với giá 4 triệu đồng từ 5 năm trước, những đứa con đi làm về sẽ lên gác ở, những đứa cháu cùng bà sẽ nằm trên tấm nệm tầng trệt đã trải chiếm phần lớn diện tích sàn nhà.

Hôm 14/3, nghe tin chính quyền thành phố thu hồi dự án khu Mả Lạng, người dân trong hẻm 116 Nguyễn Cư Trinh vừa mừng vừa lo. "Không biết rồi có được trả lại cuộc sống bình thường không hay lại thu hồi, giải tỏa cho dự án mới", người phụ nữ áo đỏ nói.

"Thành phố nợ người dân một lời xin lỗi. Hàng nghìn người trong khu vực lo lắng hơn chục năm nay vì không rõ dự án sẽ làm lúc nào", một hộ dân bày tỏ bức xúc khi lãnh đạo quận 1 đối thoại với người dân khu Mả Lạng về dự án treo, năm 2017.

Vị trí khu Mả Lạng. Đồ hoạ: Khánh Hoàng

Thanh Tùng