Trước tiên, những người cận thị (dĩ nhiên, chỉ khi không đeo kính) không bao giờ nhìn thấy rõ rệt những vành bao ngoài của đồ vật. Đối với họ, tất cả mọi vật đều có hình dáng hết sức lờ mờ. Một người có thị giác bình thường khi có thể phân biệt được từng lá, cành cây riêng biệt trên nền trời. Còn người cận thị thì chỉ nhìn thấy một khối màu xanh không có hình thù rõ rệt, mờ mờ ảo ảo, như một hình kỳ lạ vậy.
Những người cận thị thấy bộ mặt người khác như trẻ trung hơn và quyến rũ hơn, đơn giản vì họ không thể nhìn thấy những nếp nhăn và những vết sẹo nhỏ. Đối với họ, màu da đỏ thô trở thành màu hồng mịn màng.
Đôi khi chúng ta rất ngạc nhiên khi thấy người nào đó đoán tuổi người khác sai đến 10 tuổi. Chúng ta lấy làm lạ về óc thẩm mỹ kỳ quặc của anh ta, thậm trí còn thấy anh ta thiếu lịch sự, trố mắt nhìn trừng trừng vào mình. Đó là vì khi không đeo kính mà nói chuyện, anh ta hoàn toàn không nhìn thấy bạn. Trong mọi trường hợp anh ta đều không nhìn thấy những điều mà bạn cầm chắc là anh ta phải thấy. Bởi vì, trước mắt anh ta là một hình ảnh mơ hồ, không có gì đặc biệt, do đó cách một giờ sau gặp lại nhau, anh ta đã không nhận ra bạn. Những người cận thị nhận ra người khác phần lớn dựa vào giọng nói chứ không phải căn cứ vào hình dáng bên ngoài.
Ban đêm, đối với người cận thị, hết thảy những vật sáng như đèn đường phố, đèn trong nhà… đều trở nên lớn vô cùng, những bóng đen mờ ảo không có hình dáng. Họ không nhận ra những chiếc ô tô phóng lại gần mà chỉ thấy hai vùng sáng chói lòa (hai đèn pha ô tô), đằng sau là một khối tối om.
Bầu trời đêm đối với người cận thị cũng khác xa so với người thường. Họ chỉ có thể thấy những ngôi sao lớn nhất mà thôi. Do đó, đáng lẽ là hàng nghìn ngôi sao thì họ chỉ thấy được độ mấy trăm. Qua mắt họ, những ngôi sao ấy giống như những quả cầu sáng khổng lồ, còn mặt trăng rất to và gần, trăng lưỡi liềm thì là một hình dạng rất phức tạp, kỳ quái.
Nguyên nhân của tất cả những hiện tượng trên là do sai sót trong cấu tạo của mắt người cận thị. Mắt họ quá sâu, đến nỗi những tia sáng mà nó thu được phát ra từ mỗi điểm trên vật thể không sao hội tụ được ở đúng võng mạc, mà lại hội tụ trước võng mạc. Do đó, tia sáng khi rọi tới võng mạc ở đáy mắt thì đã phân tán mất rồi, nên chỉ tạo thành một ảnh rất lờ mờ trên võng mạc.
(Theo Vật lý vui)