Thứ ba, 16/4/2024
Chủ nhật, 6/10/2019, 06:00 (GMT+7)

Cuộc sống trên xe buýt của vợ chồng tài xế Sài Gòn

Ban ngày phục vụ hành khách, đêm xuống, chiếc xe buýt trở thành "ngôi nhà di động" của vợ chồng tài xế Bùi Thái Phương.

Hơn ba năm nay, vợ chồng anh Bùi Thái Phương (41 tuổi) và chị Nguyễn Thị Kim Loan (30 tuổi) gắn bó cả ngày với xe buýt. Anh Phương là tài xế, còn chị Loan là tiếp viên tuyến buýt 19 (lộ trình Bến Thành - Đại học Quốc gia), thuộc Hợp tác xã vận tải 19/5.

"Vợ chồng tôi như rổ rá cạp lại vì lúc trước tôi đã có vợ và một con gái, còn cô ấy cũng có con trai. Vợ cả tôi qua đời vì bệnh, tôi lái xe buýt miết rồi gặp và quen Loan. Nói gì thì nói, cả hai rất thương và hiểu nhau vì cùng nghề", anh Phương kể.

Hai năm trước, vợ chồng anh Phương làm việc trên tuyến buýt 151 (Bến xe Miền Tây - An Sương), nhưng vì áp lực thời gian và bị tai nạn giao thông nên cuối năm ngoái, họ xin chuyển qua tuyến 19. Một ngày làm việc của hai vợ chồng thường bắt đầu lúc 5h đến 21h, tùy theo ngày chạy tài nhất, tài nhì (tài xế chạy trước và chạy sau). 

"Làm nghề này phá sức lắm. Tôi bị mất ngủ thường xuyên. Vài năm nữa, chắc chạy không nổi", tài xế học nghề lái xe từ năm 17 tuổi chia sẻ, trong lúc chờ vợ làm thủ tục xuất bến ở trạm điều hành Bến Thành.

Hai ngày cuối tuần, hai vợ chồng đón thêm con trai - Phan Trọng Minh (4 tuổi) để tiện chăm sóc. Từ 4h, khi con còn say ngủ trên ghế, hai vợ chồng đã lục đục sửa soạn quần áo, đầu tóc để làm việc.

"Lúc 2 tuổi, bé còn theo phụ bán vé cho ba mẹ, giờ lớn rồi, vợ chồng tôi phải gửi cho ông bà nội ở chợ Thủ Đức và cô giáo ở trường để dạy bé thành người. Tuần nào không gặp con thì nhớ, chịu không nổi", chị Loan, mẹ bé, kể.

Thời gian mỗi chuyến xe chạy là 80 phút, với lộ trình khoảng 28 km. Trung bình mỗi ngày, vợ chồng anh Phương chạy từ 8 tới 10 chuyến. 

Cũng theo anh Phương, nếu chạy đủ chuyến, mỗi tháng anh nhận khoảng 15 triệu đồng (chưa kể tiền thưởng), còn lương chị Loan là 10 triệu đồng.

"Nghề lái xe buýt này, ai cũng mắc bệnh nghề nghiệp, không cảm sốt, nhức đầu vì thời tiết và máy lạnh thì cũng bị đau lưng, thoái hóa cột sống hay bị trĩ vì ngồi nhiều. Nhưng ớn nhất vẫn là... kẹt xe vì không còn giờ giấc để mình ăn uống hay nghỉ ngơi nữa", anh Phương nói, vừa chậm rãi lái xe trên quốc lộ 13 hướng về quận Thủ Đức trong cơn mưa chiều 26/9.

Chị Loan vừa thu tiền vé, vừa hướng dẫn cho khách chỗ đứng trên xe, đề phòng kẻ gian móc túi.

Chị từng là công nhân, thường ngày bắt xe buýt từ Long An lên Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), rồi quen anh Phương. "Ban đầu cũng chỉ là bạn bè thôi, sau anh bảo thấy tôi làm công nhân cực quá, qua làm chỗ anh, rồi chỉ cho tôi vào trường Giao thông Vận tải để học nghiệp vụ, còn đóng tiền cho đi học nữa. Ra trường thì tôi đi bán vé. Tôi thấy nghề này tuy thời gian gò bó nhưng được thoải mái đầu óc, không bị áp lực và có thể giúp đỡ được nhiều người đi lại", chị kể.

Hai tháng trước, chị Phương được Trung tâm quản lý giao thông công cộng tặng bằng khen "Gương người tốt, việc tốt" vì tích cực hỗ trợ công tác tìm kiếm người bị lạc.

Vừa kết thúc lộ trình từ Đại học Quốc gia về Bến Thành ngày 29/9, thấy cha rời cabin, bé Minh vội choàng tay ôm chặt lấy, miệng nói: "Con yêu ba".

Khi không còn khách, chị Phương tranh thủ quét dọn trong xe. Chị cho biết, với nhân viên tuyến buýt 19, chiếc xe cũng giống như "nhà" nên phải thường xuyên vệ sinh cho sạch để có thể nghỉ ngơi và làm việc hàng ngày.

Anh Phương cùng vợ kiểm tra tiền vé, đồ đạc cá nhân sau một ngày làm việc.

"Vợ chồng tôi cũng có lúc ở chung với ông bà nội nhưng thường ở xe không à. Nghề này đi về bất tiện lắm, vì hôm nay ở bến này, mai lại ở bến khác. Đi sớm về khuya rất phiền giấc ngủ của mọi người", anh Phương chia sẻ.

Những vật dụng cá nhân, gồm kem đánh răng, bàn chải, các loại thuốc về hô hấp và đau dạ dày... được hai vợ chồng xếp trong khay nhựa đặt ở cabin xe.

"Xe buýt chật chội nên đồ đạc cũng rất hạn chế. Hai vợ chồng luôn phải lựa chỗ để đồ cá nhân, để không làm ảnh hưởng đến hành khách và nhà xe", chị Loan giải thích. 

"Suốt 20 năm theo nghề này, tôi ngủ võng quen rồi. Ngủ dưới sàn giống như mình ngủ dưới nước, khó thở lắm", anh Phương nói, trong lúc nằm nghỉ chờ bữa tối, vừa đợi vợ đếm những cuống vé mới cho ngày hôm sau. 

Bữa cơm tối của gia đình thường vào lúc 21h30 - 22h. Đây cũng là bữa ăn trọn vẹn nhất trong ngày.

"Giờ ăn uống rất thất thường. Buổi sáng, hai vợ chồng có khi chỉ kịp mua ổ bánh mì hay chai nước ăn tạm, may mắn hơn thì mua đồ sẵn rồi nấu chín ở văn phòng. Chúng tôi xác định ăn để làm, chứ không phải làm để ăn", tài xế Phương nói.

Thành Nguyễn