Thứ hai, 8/3/2021, 07:37 (GMT+7)

Cuộc sống trên lưng ngựa

Mông CổNgười Kazakh đã sinh tồn ở dãy Altai (phía tây Mông Cổ) hàng thế kỷ qua với nghề nuôi đại bàng và cưỡi ngựa chăn gia súc.

Dưới đây là dự án ảnh cá nhân và những chia sẻ của Claire Thomas (nhiếp ảnh gia, nhà báo người Anh) trên New York Times.

Đàn ngựa được đưa xuống núi tránh rét.

Dastan (9 tuổi) là con trai của một thợ săn đại bàng người dân tộc Kazakh, đang cưỡi con ngựa đi bên cạnh tôi. Nó chạy nước kiệu rất nhẹ nhàng mà không cần lắp yên, và còn cười khúc khích khi tôi cố gắng điều khiển con ngựa xù lông của mình.

Bao quanh tôi lúc này là cảnh núi non mênh mông của dãy Altai, phía tây Mông Cổ. Từ thung lũng đầy cỏ nơi thả ngựa dọc theo dòng sông, địa hình núi đá nhuốm màu vàng trải dài bất tận về phía những rặng núi lởm chởm đằng xa, phủ trên mình một lớp tuyết báo hiệu mùa đông.

Cùng cưỡi ngựa với Dastan, tôi tự nhiên nhớ tới tuổi thơ của mình ở xứ Wales, tôi cũng từng cưỡi ngựa con chạy khắp vùng nông thôn, tận hưởng thiên nhiên yên bình, và luôn có một tách trà đợi sẵn vào cuối ngày.

Vào tháng 10/2019, sau 3 năm sống và làm việc ở Iraq, tôi bắt đầu thực hiện dự án ảnh cá nhân về chủ đề mối quan hệ ngựa - người ở nơi con người sống dựa vào ngựa. Để làm dự án tôi bay tới phía tây Mông Cổ để gặp gỡ, chụp hình những thợ săn Kazakh, những người chuyên cưỡi ngựa chăn thả gia súc.

Nhờ có sự giúp đỡ của hướng dẫn viên và phiên dịch, tôi đã chu du từ thị trấn Olgii, thủ phủ tỉnh Bayan-Olgii, tới thăm những gia đình sống bán du mục, vừa chăn thả gia súc vừa bám vào vùng đất của mình.

Bao quanh miền viễn tây Mông Cổ, Bayan-Olgii là tỉnh chỉ có dân Kazakh và Hồi giáo sinh sống. Ẩn sâu trong vùng núi Altai (có lãnh thổ của cả Nga, Trung Quốc, Kazakhstan và Mông Cổ) người Kazakh đã sinh tồn hàng thế kỷ qua với nghề săn bắt và nuôi dưỡng đại bàng vàng, huấn luyện chúng thành thợ săn cáo và những loài vật nhỏ khác.

Alankush, người cha hai con, vừa huấn luyện đại bàng săn vừa chăn thả gia súc, chia sẻ rằng anh chăm đại bàng như chăm con nhỏ. Theo truyền thống, nghề cưỡi ngựa đi săn với đại bàng được truyền từ đời cha sang con từ khi đứa trẻ còn rất nhỏ và đây là niềm tự hào lớn với người con. "Dân Kazakh ai cũng yêu nghề huấn luyện đại bàng. Bây giờ chúng tôi vẫn giữ nghề và nuôi đại bàng vì đó là một nét truyền thống".

Serik Gingsbek (26 tuổi) là một thợ săn đại bàng có tiếng, anh rất giỏi đi săn, và huấn luyện cả đại bàng lẫn ngựa. Tôi đã gặp và trò chuyện rất lâu với Serik về nghề cũng như mối quan hệ đặc biệt giữa anh với những con đại bàng. "Nếu con đại bàng của tôi thấy không vui, tôi cũng thế, và ngược lại. Khi cùng lên núi, chúng tôi chia sẻ cho nhau mọi thứ".

Những năm gần đây, nhiều gia đình Kazakh di chuyển dần từ vùng quê lên thành phố sống, một phần vì khó khăn trong các dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội và cơ hội nghề nghiệp. Trong số những người ở lại, nghề huấn luyện đại bàng vẫn đem lại phần nào thu nhập khi có du khách tới xem, chụp hình chúng đi săn.

Arkalak bên con đại bàng của cậu bé.

Ngoài nuôi đại bàng vàng, người Kazakh còn huấn luyện ngựa, chăn cừu, nuôi bò yak lấy sữa và thịt. Sống trong những gia đình làm nghề tuyền thống, bạn sẽ không còn nhiều thời gian để học tập hay theo đuổi tham vọng cá nhân ở nơi xa. Nhưng để đáp ứng nhu cầu về vật chất nhiều hơn, cha mẹ làm nghề chăn thả gia súc thường gửi con đến các trường nội trú tại thành phố, thị trấn lớn, có khi xa hẳn quê nhà với mong muốn con mình có tương lai thoải mái hơn.

Mặc dù dành cả cuộc đời ở vùng núi, Alankush vẫn mong mỏi con cái mình có một cuộc sống khác. "Tôi không được đi học, và cũng không còn trẻ. Nếu còn trẻ thì có lẽ tôi sẽ đến Olgii để làm việc nhưng nhìn lại, sống ở vùng quê vẫn hợp với mình hơn. Tuy nhiên, sống như vậy rất vất vả, nhất là với trẻ em. Vì thế tôi gửi con đi học ở trường, nếu chúng tốt nghiệp đại học thì sẽ có cơ hội tìm việc ở thành phố". Nhưng trớ trêu thay, những mong muốn đó có thể dẫn tới hệ quả là văn hóa bản địa với lối sống truyền đời này qua đời khác sẽ dần biến mất.

Khánh Trần (Theo New York Times)