Những thứ này bị cảnh sát Philippines phát hiện trong lúc khám xét nhà tù New Bilibid hồi tháng 11/2022, sau khi nhà báo Percival Mabasa bị sát hại một tháng trước đó. Cảnh sát cáo buộc Gerald Bantag, giám đốc nhà tù New Bilibid, là người đã ra lệnh giết Mabasa.
Bantag phủ nhận cáo buộc và chưa bị truy tố, nhưng mức độ nghiêm trọng của vụ án khiến công tác quản lý các nhà tù ở Philippines trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Các nhà tù ở Philippines từ lâu nổi tiếng với nhiều bất cập. Tháng trước, giới chức bắt 4 người Nhật với cáo buộc điều hành đường dây lừa đảo tại Nhật từ bên trong cơ sở giam giữ người nhập cư trái phép ở Philippines. Giới chức kiểm tra cơ sở này và phát hiện điện thoại, laptop, bộ định tuyến và tiền mặt mà các nghi phạm sử dụng để thực hiện hoạt động lừa đảo từ trong buồng giam.
Trong một vụ khám xét nhà tù năm 2014, giới chức phát hiện biệt thự được xây riêng cho một số phạm nhân trong khuôn viên nhà tù, nơi có bể sục, tivi, quầy bar thoát y, đồ chơi tình dục và ma túy.
Tại nhà tù New Bilibid, một trùm tội phạm bị phát hiện xây phòng thu âm riêng trong biệt thự, nơi ông ta dành thời gian để thu âm các bản tình ca, thậm chí phát hành album bán được 15.000 bản.
New Bilibid là một trong những nhà tù lớn nhất thế giới, nhưng cũng là nơi nổi tiếng vì thiếu nguồn lực quản lý và quá đông phạm nhân. Raymund Narag, giáo sư tội phạm học ở đại học Nam Illinois, cho biết nhà tù này có sức chứa 6.000 người, nhưng đang giam khoảng 29.000 phạm nhân.
"Đó là khởi nguồn cho mọi vấn đề trong hệ thống nhà tù Philippines", Narag nói. "Một phòng giam vốn chỉ dành cho 10 người, nhưng nhốt tới 100 người và chỉ có một quản giáo".
Để ngăn hỗn loạn bùng phát, quản giáo và tù nhân xây dựng các cấu trúc quản lý riêng trong nhà tù. Hệ thống phân cấp trong nhà tù được vạch ra, trong đó các tù nhân giữ vai trò, vị trí khác nhau. Những chức năng cơ bản, thậm chí là giữ chìa khóa buồng giam, cũng được giao cho tù nhân.
"Họ là người đếm số tù nhân, đảm bảo buồng giam sạch sẽ", Narag, người từng ngồi tù 6 năm trước khi tòa án kết luận ông bị kết tội oan, nói. Kể từ đó, Narag trở thành chuyên gia về cải cách nhà tù.
Ông cho hay tù nhân được phép nhận đồ tiếp tế từ bên ngoài như thuốc men, thực phẩm, quần áo, tiền mặt trị giá khoảng 40 USD mỗi lần có người vào thăm.
"Nếu ngoài đời bạn là thợ sửa giày thì trong tù, bạn có thể sửa giày cho quản giáo, tù nhân và khách tới thăm. Bạn có thể kiếm được tiền trong tù và gửi tiền về hỗ trợ gia đình", ông nói.
Hệ thống này có vài điểm hữu ích như giúp giảm nguy cơ tái phạm, nhưng cũng làm mờ ranh giới trong nhà tù. Giám thị trở nên phụ thuộc vào phạm nhân khi vận hành nhà tù, thậm chí trở thành thành viên trong băng nhóm. Do tù nhân có thể kiếm tiền bên trong, họ có thể dễ dàng hối lộ quản giáo để được phép nhận những vật dụng bị cấm như điện thoại, thậm chí là được sắp xếp vào phòng có điều hòa nhiệt độ.
"Nếu bên ngoài bạn là người giàu, thì trong tù bạn sẽ là người cực giàu", Narag nói.
Tuy nhiên, đối với số đông tù nhân, điều kiện sinh hoạt trong tù rất khó khăn. Năm 2019, một cán bộ y tế trong bệnh viện nhà tù New Bilibid cho hay mỗi năm có khoảng 5.200 phạm nhân chết vì chật chội, bệnh tật và bạo lực.
Bộ trưởng Tư pháp Jesus Crispin Remulla thừa nhận hệ thống nhà tù Philippines đang đối mặt nhiều thách thức và cam kết sẽ cải cách, trong đó giảm tiền bảo lãnh tại ngoại với tù nhân nghèo, nâng cao tiêu chuẩn lập hồ sơ truy tố. Từ tháng 7/2022, khi ông Ferdinand Marcos nhậm chức Tổng thống, hơn 4.000 tù nhân đã được trả tự do nhằm giảm bớt áp lực lên hệ thống nhà tù.
Carlos Conde, chuyên gia tại tổ chức Giám sát Nhân quyền, cho rằng những biện pháp này là bước đi đúng hướng, nhưng nhấn mạnh Philippines cần đầu tư cơ sở vật chất và cải cách luật pháp.
"Chúng ta thiếu thẩm phán, thiếu tòa án, hệ thống tư pháp chưa hoàn thiện", ông nói.
Narag cho rằng chính quyền cần theo đuổi các giải pháp thay thế hình phạt tù, xây dựng nhà tù cấp khu vực nhỏ hơn, dễ quản lý hơn, phân loại tù nhân theo tội trạng thay vì liên kết băng đảng như hiện nay.
Ông nói thêm cải cách cần xóa bỏ hệ thống thứ bậc trong nhà tù, thay vì chỉ thay đổi lãnh đạo cơ sở giam giữ như trước đây. "Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề chưa từng được giải quyết", ông nói.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)