Thứ hai, 27/1/2025
Thứ hai, 11/12/2023, 11:53 (GMT+7)

Cuộc sống thời chiến qua tranh vẽ

TP HCMTranh vẽ những năm 1940 của họa sĩ Nguyễn Hiêm lần đầu trưng bày, khắc họa cảnh hành quân, văn nghệ, đời sống thôn quê thời chiến.

Triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Hiêm - "Hồi ký chiến trường" - diễn ra tại bảo tàng Quang San, thành phố Thủ Đức, trưng bày 48 tác phẩm về cuộc sống thời chiến, chân dung người lính, vẽ từ những năm 1940 đến 1970. Tác phẩm thuộc nhiều chất liệu như sơn mài, sơn dầu, thuốc nước.

Họa sĩ Nguyễn Hiêm (1917-1976) sinh tại An Giang trong gia đình làm nông, không có ai theo nghệ thuật, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Gia Định - Sài Gòn năm 1940. Năm 1945, ông tham gia kháng chiến, từ đó vẽ nhiều tranh tái hiện cuộc sống chiến đấu của quân dân.

Ông có tác phẩm giành huy chương vàng triển lãm Mỹ thuật Đông Dương năm 1942, giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1954, có tranh được Nhà xuất bản Mỹ thuật Liên Xô in vào tập tuyển nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Năm 1962, Hội đồng Nghệ thuật Liên Xô in tên tuổi và tác phẩm của ông vào Bách khoa toàn thư Liên Xô. Ông được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2000.

Các tranh trong thập niên 1960, theo thứ tự từ trái sang, từ trên xuống, được Nguyễn Hiêm đặt tên: Tên lửa, Hỏi đường, Xem văn công, Chân dung bà má. Cả bốn tranh đều được họa sĩ vẽ bằng chất liệu thuốc nước.

Bà Nguyễn Thị Mai Khanh (con gái họa sĩ) cho biết tranh trưng bày chiếm khoảng một nửa số tác phẩm mà gia đình còn lưu trữ. Theo bà, tuy sáng tác trong thời chiến, thiếu thốn về vật chất, những nét vẽ của ông vẫn toát lên sự sống động, tươi sáng, đa dạng hình ảnh.

Tác phẩm "Đọc thư tiền phương" vẽ năm 1964 bằng chất liệu sơn dầu, khắc họa niềm vui của những người phụ nữ khi nhận thư từ chiến trường. Với chiều dài gần 3 m, đây là tranh có kích thước lớn nhất triển lãm.

Chân dung bộ đội trong tác phẩm "Trận địa cao xạ", vẽ khoảng năm 1965.

Tranh "Bếp lưu động" vẽ bằng thuốc nước trong thập niên 1960, mô tả tình dân quân thắm thiết.

Bộ đội hành quân qua những bản làng, tranh vẽ khoảng năm 1960 bằng chất liệu bột màu.

Hai bức tranh "Quân y" (trên) và "Làm đường" được họa sĩ vẽ năm 1954.

Tác phẩm chủ đề "Sinh hoạt trong rừng" được vẽ năm 1966, mô tả người lính quây quần xem biểu diễn văn nghệ sau những giờ băng rừng chiến đấu.

Tác phẩm "Bên quan tài đồng chí" vẽ năm 1948, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Góc phải còn bút tích họa sĩ, cho biết tranh vẽ về đồng đội tên Ngọc, hy sinh anh dũng sau một trận đánh.

"Hố bơm sau trận càn" vẽ năm 1947-1948, khắc họa cảnh đổ nát của góc phố sau những trận dội bom của quân địch.

Bức tranh sơn mài vẽ trong thập niên 1960, mô tả cảnh sinh hoạt người dân ở nơi từng là chiến trường, với hình ảnh con tàu đắm, dấu tích của những trận đánh khốc liệt.

Trong những năm tháng kháng chiến, tác giả cũng khắc họa cuộc sống yên bình của đất nước, cảnh bình dị miền quê. Xưa nhất trong triển lãm là tác phẩm "Đọc sách trên lưng trâu", được vẽ năm 1944.

Triển lãm khai mạc ngày 7/12, kéo dài đến ngày 31/12, còn giới thiệu một số hiện vật gắn liền cuộc sống của họa sĩ Nguyễn Hiêm.

Quỳnh Trần