"Một người lái xe lam đã chở con tôi đến bệnh viện. Thằng bé không đi nổi", Shaheela Jamali, mẹ của Saeed, kể lại bên giường bệnh. Saeed kiệt sức vì say nắng, khi thành phố Jacobabad ở tỉnh Sindh khô cằn của Pakistan hứng chịu đợt nắng nóng khốc liệt với nhiệt độ cao nhất lên tới 51 độ C hồi giữa tháng 5.
Nghiên cứu được Trung tâm Khoa học Khí quyển thuộc Viện Công nghệ Ấn Độ ở Delhi công bố ngày 23/5 cho thấy những đợt nắng nóng dữ dội ở Ấn Độ và Pakistan gần đây có nguy cơ xảy ra thường xuyên hơn gấp 30 lần do biến đổi khí hậu.
Đợt nắng nóng đã khiến ít nhất 90 người chết ở hai quốc gia Nam Á, khiến sông băng tan chảy và gây lũ quét ở Pakistan, cháy rừng ở Ấn Độ.
Kênh rạch trong Jacobabad, thành phố nóng nhất Pakistan, cạn trơ đáy, với rác rưởi ngổn ngang xung quanh.
"Thành phố đang ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu", quan chức thành phố Abdul Hafeez Siyal cho hay. "Cuộc sống ở đây rất khó khăn".
Khoảng một triệu người sinh sống ở Jacobabad và khu vực xung quanh, phần lớn trong cảnh đói nghèo trầm trọng. Thiếu nước, cắt điện thường xuyên càng khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn dưới cái nóng khắc nghiệt.
Bác sĩ cho hay Saeed đang trong tình trạng nguy kịch, nhưng bà Jamali vẫn muốn con quay lại trường học sớm nhất có thể, bởi tri thức là con đường duy nhất thoát nghèo.
"Chúng tôi không muốn các con sau này lại đi làm lao động chân tay", Jamali nói, trong khi nước mắt chảy dài trên gương mặt mệt mỏi của Saeed.
Say nắng là tình trạng cơ thể quá nóng và không thể tự làm mát, có thể gây ra các triệu chứng choáng váng, buồn nôn tới sưng phù nội tạng, bất tỉnh, thậm chí tử vong.
Saeed nằm tại một cơ sở y tế chữa say nắng mới mở, hoạt động dưới sự điều hành của Quỹ Phát triển Cộng đồng, một tổ chức phi chính phủ địa phương. Y tá Bashir Ahmed, người điều trị cho cậu bé, cho hay số lượng bệnh nhân đến khám trong tình trạng nghiêm trọng đang tăng.
"Trước đây, nắng nóng sẽ đạt đỉnh điểm vào tháng 6 và tháng 7, nhưng bây giờ mới tháng 5 đã có", Ahmed nói.
Những người lao động chân tay làm việc vất vả dưới ánh nắng mặt trời là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Thợ trong lò đóng gạch làm việc cạnh những lò nung có nhiệt độ lên tới 1.000 độ C.
"Cái nóng gay gắt đôi lúc khiến chúng tôi buồn nôn, nhưng nếu không làm thì sẽ không có tiền", Rasheed Rind, người làm việc ở đây từ nhỏ, nói.
Cuộc sống ở Jacobabad luôn xoay quanh nỗ lực chống chọi cái nóng.
"Tôi có cảm giác như xung quanh là lửa. Chúng tôi cần nhất là điện và nước", thợ rèn Shafi Mohammad nói.
Pakistan đang đối mặt tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Mỗi ngày, vùng nông thôn chỉ được cấp điện 6 tiếng, còn thành phố được cấp điện 12 tiếng. Người dân khó tiếp cận nước ngọt giá rẻ và chất lượng tốt, bởi thiếu thốn cơ sở hạ tầng và khan hiếm nguồn lực.
Khairun Nissa nhớ lại cảnh sinh con trong thời tiết nắng nóng. Những ngày cuối thai kỳ, cô dùng chung chiếc quạt trần duy nhất với 13 người trong nhà. Con trai Nissa giờ đã hai tuổi, chiếm vị trí hóng gió ít ỏi của mẹ.
"Đương nhiên là tôi lo lắng cho sức khỏe của cháu khi trời nóng như thế này, nhưng tôi biết thánh thần sẽ phù hộ chúng tôi", Nissa nói.
Bên ngoài ngôi nhà gạch ba gian của hai mẹ con là một vòi cấp nước do chính phủ lắp nhưng không có nước. Mùi hôi thối của rác rưởi và nước tù đọng trong không khí bốc lên quanh nhà.
Những tay "buôn nước" ở địa phương hoạt động liên tục. Họ khai thác nguồn nước dự trữ của chính phủ, chuyển tới các điểm phân phối trong mạng lưới riêng, đổ ra can nhựa và dùng xe lừa chuyển đi khắp nơi, bán với giá 20 rupee (0,1 USD) một can 20 lít.
"Chỗ chúng tôi không có nhà máy nước, nên người dân rất khó khăn", Zafar Ullah Lashari, người điều hành một cơ sở buôn bán nước chui, nói.
Trong một ngôi làng thuần nông ở ngoại ô thành phố, phụ nữ dậy từ 3h sáng để lấy nước từ giếng dùng cho cả ngày, nhưng không bao giờ đủ.
"Chúng tôi nhường đàn gia súc uống nước sạch trước vì đó là kế sinh nhai của cả nhà", Abdul Sattar, người chăn trâu lấy sữa đem ra chợ bán, nói.
Kể cả trẻ con mắc bệnh da liễu và tiêu chảy cũng không được ưu tiên. "Rất khó lựa chọn nhưng nếu gia súc chết, trẻ con sẽ ăn gì?", Abdul nói.
Pakistan xếp thứ 8 trong danh sách những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu mà tổ chức bảo vệ môi trường phi chính phủ Germanwatch tổng hợp.
Lũ lụt, hạn hán, lốc xoáy những năm gần đây khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng nghìn người rời bỏ nhà cửa, phá hủy sinh kế và làm hư hỏng cơ sở hạ tầng.
Nhiều người chọn rời Jacobabad trong những tháng nóng nhất, khiến vài ngôi làng trở nên đìu hiu. Sharaf Khatoon sống trong khu trại tạm bợ trong thành phố cùng 100 người, sống qua ngày nhờ vài đồng rupee ít ỏi mà đàn ông trong nhà đi làm kiếm được.
Họ thường dời trại vào những tháng nóng nhất, cách Quetta, nơi mát hơn tới 20 độ C, khoảng 300 km. Nhưng năm nay họ sẽ rời đi muộn hơn bởi vất vả lắm mới dành dụm đủ tiền đi đường.
"Chúng tôi thường bị đau đầu, tim đập nhanh, mắc bệnh da liễu, nhưng không còn cách nào khác", Khatoon nói.
Giáo sư Nausheen H. Anwar, người chuyên nghiên cứu quy hoạch đô thị ở những thành phố nắng nóng, cho rằng chính quyền cần suy nghĩ giải pháp dài hạn và nâng mức ứng phó khẩn cấp.
"Nâng cao cảnh giác với nắng nóng là rất quan trọng, nhưng càng nên lưu tâm đến vấn đề tiếp xúc liên tục dưới nắng nóng", bà nói. "Ở những nơi như Jacobabad, vấn đề càng nghiêm trọng hơn bởi cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu điện, thiếu nước khiến người dân không đủ điều kiện ứng phó".
Dọc con kênh cạn đầy rác, hàng trăm nam sinh và vài nữ sinh ở Jacobabad đổ về phía trường học thi cuối năm. Các em đứng quanh một máy bơm nước bằng tay để lấy nước, kiệt sức trước khi ngày mới bắt đầu.
"Vấn đề lớn nhất mà chúng tôi đang đối mặt là không có cơ sở vật chất hạ tầng cơ bản. Đó là lý do chúng tôi đã khó càng khó hơn", hiệu trưởng Rashid Ahmed Khalhoro nói. "Chúng tôi cố gắng giữ cho tinh thần các em ở mức cao nhất, nhưng nắng nóng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ em".
Do thời tiết khắc nghiệt đến sớm hơn, ông đã kêu gọi chính quyền cho học sinh nghỉ hè sớm nửa tháng, khi đa số phòng học không có quạt. Khi điện bị cắt lúc chỉ còn một tiếng nữa là tới giờ vào lớp, ai cũng mồ hôi nhễ nhại trong tiết trời mờ sáng.
Một số phòng nóng tới mức không thở nổi, học sinh phải chuyển ra ngồi học ở hành lang. Nhiều học sinh nhỏ tuổi thường xuyên ngất xỉu.
"Cái nóng khiến chúng cháu ngạt thở. Quần áo ướt đẫm", Ali Raza, 15 tuổi, nói.
Các em thường xuyên đau đầu, tiêu chảy, nhưng quyết không bỏ học. Khalhoro cho hay học trò của mình quyết tâm thoát nghèo để tìm việc làm ở những nơi mát mẻ. "Các em đi học như đi đánh trận, với quyết tâm phải đạt được mục tiêu", ông nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)