Trong một ngày nắng ấm ở Vilnius, thủ đô Litva, một nhóm thanh niên ngồi uống cà phê dưới bóng cây. Trên tay cốc đồ uống giá rẻ, Simona Jurkuvenaite, 23 tuổi, chia sẻ vừa được chính phủ hỗ trợ gần 23.000 USD để đạo diễn phim ngắn đầu tay.
"Thật tuyệt khi nhận được những cơ hội tốt thế này. Litva thật đáng sống", cô nói, chỉ tay về phía thảm cây cối được cắt tỉa cẩn thận quanh quảng trường nơi cả nhóm đang ngồi.
Những cơ hội này, cùng tinh thần lạc quan cao của người trẻ trong nước đã góp phần đưa Litva lên vị trí đứng đầu bảng Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2024 của Liên Hợp Quốc và Đại học Oxford, trong hạng mục đo chỉ số hạnh phúc của nhóm tuổi dưới 30.
Thế hệ Gen Z (sinh năm 1997-2012) và Millennials dưới 30 tuổi ở Litva tự chấm điểm hạnh phúc của mình là 7,76 trên thang 10, vượt xa điểm ở Anh hay Mỹ, trong bối cảnh giới trẻ phương Tây phàn nàn về mức sống, phúc lợi, giá nhà cao.
"Tôi thực sự thích ở Litva", Gantas Bendikas, bạn Jurkuvenaite, nói. Chàng trai 23 tuổi sắp tốt nghiệp mà không mắc nợ và cũng không lo lắng về thị trường lao động. "Đúng là Litva vẫn còn vấn đề, nhưng đâu cũng có vấn đề cả. Nhiều người trẻ ở Litva yêu nước. Chúng tôi cảm giác như đang sống chất lượng hơn so với nhiều người ở châu Âu".
Litva của Jurkuvenaite và Bendikas rất khác so với thời thế hệ cha mẹ họ lớn lên. GDP của Litva đã tăng 4 lần kể từ khi thế hệ trẻ ra đời.
Quốc gia này đang đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ, có nhiều start up phát triển. Năm 2023, thu nhập trung bình trong nước tăng 12,6%. Hầu hết sinh viên có cơ hội học đại học miễn phí. 57% dân số nước này có trình độ đại học, so với mức trung bình 43% của EU.
Vị trí đứng đầu thế giới về chỉ số hạnh phúc của người dưới 30 tuổi của Litva có thể khiến nhiều người địa phương ngạc nhiên. Jurkuvenaite và Bendikas cũng thừa nhận Litva không phải nơi thú vị nhất thế giới và có thể hơi nhàm chán.
Giới chức du lịch Litva thừa nhận nhiều người không biết đến nước này. Khảo sát năm 2019 cho thấy chỉ 5% người Anh biết vị trí và tên của thủ đô Litva. Nhưng đối với hầu hết người trẻ nước này, cuộc sống tại đây có nhiều cơ hội.
"Khi trò chuyện với các bạn cùng lứa ở Paris, Tokyo, London, tôi nhận ra mình thật may mắn khi sở hữu studio riêng", Jolita Vaitkute, nghệ sĩ 28 tuổi nói tại khu phức hợp văn hóa nghệ thuật Lukiskes, trước đây là nhà tù khét tiếng. Trong khoảng sân nhiều nắng phía dưới, khoảng 20-30 người trẻ đang uống bia, cười đùa.
Các studio trong tòa nhà được cho thuê với giá 100-530 USD một tháng. Giá thuê bất động sản ở Litva rẻ hơn mặt bằng chung châu Âu, dù đã tăng 144% trong giai đoạn 2010-2022.
"Chúng tôi nhận thấy khoảng cách mức độ hài lòng về cuộc sống giữa Đông và Tây Âu đang dần thu hẹp. Giới trẻ Trung Âu và Đông Âu hạnh phúc hơn thế hệ cũ một cách rõ rệt", John Helliwell, chuyên gia dẫn đầu nhóm thực hiện Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2024, được thực hiện tại 140 quốc gia, nói.
Kavtaradze từng xuất bản phim ngắn đầu tay năm 2014 nói về thử thách mà người trẻ Litva đối mặt là "phải lựa chọn giữa quá nhiều cánh cửa mở ra trước mặt".
"Đây là đặc ân mà thế hệ cha mẹ tôi chỉ có thể mơ ước", cô nói. "Thế hệ chúng tôi có cơ hội chứng kiến đất nước chuyển mình rất nhanh. Tất cả đều lớn lên với hoàn cảnh kinh tế giống nhau, tôi không có bạn nhà giàu trong thời thơ ấu. Điều này dường như khiến chúng tôi nghĩ rằng mình có thể làm bất cứ điều gì".
Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine có nguy cơ làm đảo lộn sự ổn định mà Litva đã nỗ lực đạt được trong 34 năm qua. "Từng chứng kiến nhiều chuyển biến kinh tế, xã hội, người trẻ chúng tôi lớn lên cùng nỗi sợ rằng những điều tốt đẹp hiện tại có thể mất đi chỉ trong tích tắc", Karolona Motiejunaite, nhân viên marketing 23 tuổi, nói.
Đức Trung (Theo Guardian)