Mới tờ mờ sáng, từng nhóm thanh niên ở xã Trà Bui lục tục vác lưỡi cưa, lốc máy vượt qua các con đường đèo dốc, ngoằn ngoèo đất đỏ vào rừng phòng hộ để cưa hạ cây rừng. Vác hai lưỡi cưa dày hơn nửa mét trên vai, anh Hồ Văn Anh vừa hì hục leo dốc cao phía trước mặt vừa nói: "Từ ngày di dời chỗ ở đến tái định cư trong khu vực rừng này, chưa được cấp đất sản xuất, không có việc gì làm nên chung tôi hàng ngày vào rừng cưa gỗ bán để mua lương thực".
Trời mưa ẩm ướt, sương giăng khắp các vạt rừng, bắt đầu từ giữa buổi sáng đến xế chiều, tiếng cưa máy nồ ầm ầm xẻ gỗ rừng phòng hộ vang động cả một góc rừng. Dọc theo con đường lởm chởm sỏi đá, từ thôn 1 về thôn 6, xã Trà Bui, san sát bên căn nhà xây ở các khu tái định cư là những căn nhà sàn bằng gỗ bề thế với từng phiến gỗ dài khoảng 5 mét, bề ngang khoảng 3 gang tay ghép lại với nhau. Những bãi gỗ dấu cưa xẻ còn mới tinh tập kết chờ đêm đến chuyển về xuôi tiêu thụ hoặc chờ ngày làm nhà sàn, nằm la liệt ven đường.
Những bãi gỗ ven đường bên cạnh rừng phòng hộ ở xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam). Ảnh: Trí Tín |
Ru con ngủ trong căn nhà sàn làm toàn bằng gỗ nằm chênh vênh giữa rừng phòng hộ, bà Hồ Thị Bảy ở thôn 2 chỉ tay về phía căn nhà cấp bốn đang bỏ hoang bên cạnh phân bua: "Nhà nước xây nhà tái định cư rồi nhưng mới ở hai năm bốn phía tường nứt nẻ hết nên gia đình tôi phải cưa gỗ chò làm nhà sàn để ở".
Theo thống kê của UBND xã Trà Bui, trong vòng bốn năm qua, do nhà xây ở các khu tái định cư kém chất lượng, không phù hợp với tập tục đồng bào nơi đây nên họ đã phá rừng phòng hộ làm hơn 300 căn nhà sàn gỗ trái phép. Trung bình mỗi nhà từ 6 đến 15 mét khối gỗ, chưa kể một số vật dụng khác như bàn ghế, giường, tủ....
Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Trà Bui cho biết, trước đây rừng phòng hộ ở trên địa bàn xã dày đặc giống hệt rừng nguyên sinh rất đẹp. Từ ngày, nhà nước đưa hàng nghìn người dân đến tái định cư ở bên rừng phòng hộ này nên nạn phá rừng liên tiếp diễn ra khó kiểm soát nổi. Dù đã đến đây hơn 4 năm nhưng họ chưa được cấp đất sản xuất, thiếu việc làm, hỗ trợ xây nhà tái định cư thì kém chất lượng nên người dân vào rừng đốn gỗ làm nhà sàn trái phép hoặc bán gỗ kiếm sống qua ngày.
Cây rừng cổ thụ hàng chục năm tuổi được cưa xẻ từng phách, từng nhóm thanh niên ở xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) khiêng ra bìa rừng đợi đến đến bán cho các đầu nậu vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Ảnh: Trí Tín |
Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban quản lý rừng phòng hộ sông Tranh, từ năm 2007 đến nay, số vụ khai thác gỗ rừng phòng hộ trái phép tăng theo từng năm chóng mặt. Năm 2007 xảy ra 6 vụ phá rừng, cơ quan chức năng đã tịch thu 16 mét khối gỗ các loại. Năm 2008, xử lý 9 vụ phá rừng, thu gần 13 mét khối gỗ. Năm 2009 xử lý 17 vụ phá rừng thu gần 229 mét khối gỗ các loại, khởi tố 2 bị can về tội khai thác gỗ trái phép. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay, có 25 hộ chặt phá rừng gây thiệt hại 317 mét khối gỗ.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Đoàn Tất Chẩn, giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ sông Tranh nói việc di dân tái định cư vào trong lâm phận với hơn 321 hộ dân vùng lòng hồ thủy điện sông Tranh 2 cộng với số dân cũ 290 hộ với trên 3000 nhân khẩu đã tạo ra áp lực lớn vào rừng. "Ai đời tái định cư hàng nghìn người dân giữa rừng phòng hộ với hàng loạt cây cổ thụ quí thế này chẳng khác nào 'treo mỡ trước miệng mèo'", ông Chẩn nhận xét.
Theo ông Chẩn, nhiều lần địa phương phối hợp với lực lượng kiểm lâm truy quét chặt phá gỗ, thế nhưng người dân lại cầm rựa rượt đuổi. Ông giám đốc Ban quản lý rừng tỏ vẻ buông xuôi: "Nếu cấp trên có cách chức tôi vì để mất rừng thì cũng đành chấp nhận thôi vì hàng nghìn người dân sống giữa khu vực rừng phòng hộ như vậy khó mà ngăn cản nổi họ phá rừng".
Cả gia đình trong căn nhà sàn gỗ. Ảnh: Trí Tín |
Để giải tỏa bức xúc của người dân, UBND tỉnh Quảng Nam vừa chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh giao 750 ha diện tích đất chưa có rừng cho huyện Bắc Trà My để lập hồ sơ thủ tục giao đất cho dân trong các khu tái định cư phát triển sản xuất. 82 ha đất chưa có rừng đã được quy hoạch rừng phòng hộ nằm kề các khu đất sản xuất được phép chuyển đổi sang quy hoạch sản xuất để giao lại cho các hộ dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2. Ngoài ra, tỉnh lập thủ tục giao đất sản xuất đối với diện tích 576 ha đất trống quy hoạch sản xuất trong vùng phụ cận các khu tái định cư để người dân có đất sản xuất.
Tuy nhiên theo Ban quản lý rừng phòng hộ sông Tranh cùng chính quyền địa phương huyện Bắc Trà My, việc tỉnh cấp đất sản xuất cho người dân tái định cư vùng lòng hồ thủy điện sông Tranh 2 chưa hẳn sẽ giảm nạn phá rừng. Bởi lẽ ngay từ đầu việc quy hoạch dân tái định cư vào rừng phòng hộ là một nghịch lý. Tập quán sinh hoạt, sản xuất của đồng bào nơi đây là gắn liền với nương rẫy mà để có rẫy thì hệ lụy là đốt, chặt phá rừng diễn ra thường xuyên.
Công trình thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng trên thượng nguồn Sông Tranh thuộc địa phận 7 xã thuộc huyện Bắc Trà My và huyện Nam Trà My nhằm cung cấp nguồn điện cho khu vực miền Trung. Công trình có tổng vốn hơn 4.150 tỷ đồng do Tập đoàn điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, tổng công suất máy 190 MW, trung bình mỗi năm cung ứng hơn 679 triệu kwh. Tổ máy số 1 của công trình này đã đưa vào vận hành cuối năm 2010. |
Trí Tín