Ở những vùng chiến sự như dải Gaza, y tá chính là những anh hùng thầm lặng. Hàng ngày, dù phải đối mặt với biết bao hiểm nguy, họ vẫn cống hiến hết mình để giành lại mạng sống cho bệnh nhân.
"Giống như thời chiến tranh Việt Nam"
Theo BBC, Raiza Pantoja làm việc tại Bệnh viện Pérez Carreño, thành phố Caracas (Venezuela). Đây là một trong những địa danh có tỷ lệ phạm tội cao nhất thế giới. "Phòng cấp cứu của bệnh viện trông giống như thời kỳ chiến tranh Việt Nam", nữ y tá Azza miêu tả.
Các băng đảng xã hội đen thường xuyên ra vào bệnh viện khiến nơi đây trở thành "vùng cấm" được cảnh sát và quân đội theo dõi nghiêm ngặt. Quay phim bị cấm hoàn toàn. An ninh thường xuyên biến động và mỗi lần như vậy, những người khác chạy trốn trong khi Raiza cùng đồng nghiệp tự đi kiểm tra bệnh nhân. "Khi các băng nhóm xông vào bệnh viện, họ thường không động đến y tá", Raiza cho biết. "Họ chủ yếu tấn công các bệnh nhân cũng là dân anh chị, hoặc đôi khi là các bác sĩ đã không chăm sóc cho họ".
Nỗi buồn và sự bất lực
Ở tuổi 27, Azza Jadalla đã trải qua 6 cuộc chiến tranh. Hiện nay cô là y tá điều trị ung thư tại bệnh viện chính ở dải Gaza tên Al-Shifa. Mỗi ngày, Azza đều đối mặt với tình hình chiến sự căng thẳng giữa Israel và đảng cầm quyền Hamas.
Nền kinh tế yếu kém khiến Bệnh viện Al-Shifa thường xuyên mất điện và thiếu thốn dụng cụ. "Đôi khi chúng tôi bị chậm lương 2-3 tháng", Azza chia sẻ. "Nhưng điều đó không làm tôi chán công việc của mình. Các bệnh nhân không có lỗi".
Mặc dù luôn mong muốn cống hiến, Azza không làm được gì nhiều cho người bệnh. Người đàn ông có tên Abdul bị máu trắng và cần ra nước ngoài chữa trị. Thế nhưng biên giới đóng cửa khiến anh khó có thể chờ đến lúc được cấp phép. "Chúng tôi cảm thấy buồn vì không có cách chữa trị cho bệnh nhân", nữ y tá nghẹn ngào. "Đó là một bệnh nhân ung thư. Mỗi phút, mỗi giờ đều quan trọng đối với mạng sống, tương lai và của gia đình của họ".
"Bạn cảm thấy sợ hãi"
Marie-Ange Koutou 42 tuổi là trợ lý y tá khoa Nhi của Bệnh viện Bác sĩ Không Biên giới tại Kabo, phía bắc Cộng hòa Trung Phi. Kabo là một trong 3 địa điểm dẫn đầu về tỷ lệ trẻ em tử vong trên thế giới. Ở đây, cái chết không đến từ bom đạn mà gây ra bởi suy dinh dưỡng và sốt rét. Tình hình bạo lực leo thang khiến các gia đình không dám ra khỏi nhà để làm ruộng. "Khi bước đi, bạn cảm thấy sợ hãi", Koutou nói.
Nữ y tá sống ngay gần bệnh viện trong khi gia đình cô ở lại thủ đô Bangui. Đã gần một năm Koutou không được gặp các con. Quãng đường từ Kabo đến Bangui rất dài, đắt đỏ và nguy hiểm. "Biết là khó khăn, nhưng tôi có thể làm gì khác", Koutou tâm sự. "Tôi phải làm việc để gia đình có cuộc sống tốt hơn. Tôi chỉ hy vọng trong tương lai có thể ở cạnh bọn trẻ".
Dù chẳng bao giờ xuất hiện trên bản tin thời sự, hãng BBC nhận định đóng góp to lớn của các nữ y tá vùng chiến không nên bị quên lãng. Raiza, Azza cùng Koutou đều được đưa vào danh sách "100 người phụ nữ của năm" như một lời cảm ơn đến những người hùng thầm lặng.
Minh Nguyên