Câu chuyện dưới đây của cây bút công nghệ Matthew Kitchen từ WSJ:
"Giống vô số những người bị cách ly trên toàn cầu, cuộc sống của tôi giờ đây chỉ gói gọn trong bốn bức tường. Ở một không gian hạn chế, việc ăn uống của tôi gói gọn trong mớ giấy bạc và đồ hộp, trò chuyện với mọi người qua màn hình máy tính. Tôi cũng đã dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, trang trí lại căn phòng bừa bộn.
Cuộc khủng hoảng bởi Covid-19 đang buộc chúng ta phải thay đổi căn bản cách vận hành và tương tác với mọi người, thông qua 'cửa sổ nhỏ' là màn hình điện thoại, máy tính... Nhưng khác với dự đoán ban đầu của tôi, cho rằng nó nhàm chán và cô đơn, thời gian cách ly là thời kỳ lý tưởng để khám phá những thứ đó.
Thực sự, tôi đã nhanh chóng thích nghi hơn so với tưởng tượng. Tôi hứng thú tìm kiếm sự kết nối, tương tác và thỏa mãn cảm xúc trong không gian ảo được chia sẻ trên các nền tảng như Zoom, một dịch vụ trò chuyện video trực tiếp bùng nổ thời đại dịch, dù ít ai biết tới nó trước tháng 3.
Nhưng câu hỏi lớn hơn mà tôi đặt ra ở đây là: Chúng ta có quay về cuộc sống trước đây được hay không?
Bạn có thể khó kiếm ra loại hình công nghệ nào được áp dụng một cách nhanh chóng như công nghệ video trực tuyến, mà Zoom là điển hình. Truyền hình, mạng xã hội... phải mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm mới có thể phổ biến. Nhưng vài tuần qua, tôi được bạn bè, người thân mời gọi video chỉ để trò chuyện, bàn một số công việc, thậm chí chơi bài từ xa hay ăn sáng cùng nhau trong lễ Phục sinh. Trước đây, tôi thường uống cà phê với bạn thân Joe vào mỗi sáng thứ bảy. Bây giờ, bọn tôi làm điều đó qua Zoom. Một số lễ cưới mà tôi được mời, việc nhìn cô dâu, chú rể cũng qua màn hình nhỏ.
Xung quanh, giờ đây mọi người tương tác qua video nhiều hơn. Ai đó có thể dùng FaceTime để bắt đầu một tình yêu mới - và chia tay. Các lớp học yoga thông qua Instagram Live nở rộ. 'Chúng ta đang thấy một kỷ nguyên mà video trở thành tất yếu cho mọi trải nghiệm xã hội', nhà tương lai học Shawn DuBravac nhận xét.
Nhờ công nghệ tiến bộ và thay đổi theo từng ngày, việc ngắt kết nối vật lý giờ đây không còn quá quan trọng. Chúng ta không còn bị khống chế bởi điều đó. Tương lai có thể mở rộng theo cách tốt hoặc xấu, sẽ gây nguy hiểm hoặc không, nhưng con người sẽ sớm thích nghi.
Đại dịch sẽ sớm qua, nhưng giới chuyên môn thực tế đang tranh luận về nhiều thứ sẽ tiếp diễn sau đó. 'Những thói quen mới, sự thoải mái mới và sự an ủi mới đang dần hình thành trong hành vi của con người', Matt Klein, Giám đốc chiến lược của Sparks & Honey, một công ty tư vấn nghiên cứu về xu hướng, nói. 'Khi mọi thứ tiếp tục lặp đi lặp lại, chúng sẽ trở nên bình thường'.
Tất nhiên, cũng có những người không muốn phải tương tác thường xuyên thông qua màn hình máy tính hoặc điện thoại. Daniella Kohilles, một quản lý sản phẩm cao cấp đang cách ly cùng mẹ ở Queens, New York (Mỹ), đã hẹn hò với người yêu qua FaceTime và tham dự các cuộc trò chuyện bằng Zoom với 60 người trong cộng đồng của mình. Những nền tảng video này cho phép cô đoán được phần nào suy nghĩ của đối phương qua ánh mắt và ngôn ngữ cơ thể, điều mà các ứng dụng nhắn tin hay gọi điện thông thường không có được. Tuy nhiên, Kohilles vẫn khao khát được trở lại cuộc sống bình thường như trước khi có đại dịch, muốn có những buổi hẹn hò mặt đối mặt.
'Bất chấp sự háo hức ban đầu, tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi khi phải trò chuyện qua video', DuBravac nói về Zoom. 'Có những thứ không thể thay thế được thế giới thực'.
Ông bố hai con Matt Toder tại Brooklyn cũng cảm thấy sự nhiệt tình của những đứa trẻ nhà ông dần mất đi chỉ sau hai tuần học online và nói chuyện với bạn cùng lớp qua Zoom. "Ban đầu, các môn học dạy qua nền tảng trực tuyến được hưởng ứng nhiệt liệt, như thể chúng tập trung toàn bộ năng lượng vào đó vậy. Nhưng giờ đây, chủ yếu là sự im lặng', Toder kể lại.
Tuy nhiên, các công nghệ kết nối vẫn là thứ để nhiều người tìm thấy sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. 4.000 nhân viên của hãng xuất bản McGraw Hill đã tổ chức hơn 14.000 cuộc gọi Zoom và WebEx trong tuần đầu cách ly. Theo CEO công ty, ông Simon Allen, mọi người tranh nhau nói và cảm thấy bực bội khi không được lên tiếng. Kể từ đó, ông còn nhận thấy sự thay đổi đáng kể: 32% nhân viên đăng nhập vào cuối tuần để làm việc. Với lịch trình tự do hơn, họ dành thời gian nhiều hơn cho gia đình.
'Chúng tôi hi vọng sẽ tăng tỷ lệ WFH (làm việc tại nhà) lên gấp đôi, với 20 đến 40% trở lên, so với trước đại dịch. Tôi không nghĩ sẽ hoàn toàn duy trì cách làm việc tập trung như trước Covid-19, đồng thời cho rằng sự thay đổi này sẽ mang lại những điều tích cực, nhân viên cũng sẽ phải suy nghĩ về cách tự thiết lập cuộc sống của họ', Allen nói.
Nhiều người cao tuổi cũng bắt đầu thích nghi với các cuộc trò chuyện video, với mục đích 'theo kịp sự phát triển của xã hội'. 'Thật tuyệt vời khi có hàng tá người cùng trò chuyện qua màn hình', bác sĩ David Dozack, 67 tuổi, ở Horseheads (New York), nói. 'Tôi và vợ thường xuyên trò chuyện với những người bạn qua Zoom. Nó thực sự thoải mái và tôi sẽ duy trì điều này trong tương lai'.
DuBravac dự đoán, mọi người sẽ nhanh chóng trở lại văn phòng, gặp nhau ở quán cà phê hoặc tương tác với người khác trực tiếp theo cách thoải mái nhất. Nhưng mọi thứ sẽ không cùng cấp độ như trước đây. 'Mọi người vẫn có trải nghiệm trực tiếp, nhưng sẽ sớm thích nghi với việc gặp nhau thông qua cuộc gọi video kỹ thuật số hoặc các nền tảng ảo khác. Đại dịch hoặc những thứ tương tự sẽ tăng tốc nó theo nhiều cách', DuBravac nói thêm.
Còn với tôi, bây giờ cảm giác hụt hẫng khi quán bar ở Brooklyn nơi tôi hay uống cafe với Joe đóng cửa hay nỗi sợ hãi xung quanh đại dịch rồi cũng qua đi. Tôi vẫn giữ thói quen đặt báo thức để 'uống cà phê ảo' với bạn mình như vẫn làm. Nhưng trước tiên, tôi sẽ thay đổi điều gì đó với bốn bức tường của căn phòng này trước".
Bảo Lâm