Thứ sáu, 19/4/2024
Chủ nhật, 1/5/2016, 08:00 (GMT+7)

Cuộc sống ở thành phố ô nhiễm nhất thế giới

Từ bầu trời cho tới mặt đất, chỗ nào của Delhi (Ấn Độ) cũng ngột ngạt bởi bầu không khí ô nhiễm và rác rưởi khắp nơi.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2014, Delhi, vùng đất bao gồm thủ đô New Delhi của Ấn Độ, là khu vực ô nhiễm nhất thế giới.

Những khu công nghiệp gần kề xả chất thải hóa học ra sông Yamuna, khiến con sông này phủ trắng một thứ bọt độc hại. Sông Yamuna chảy dọc đất nước Ấn Độ, không chỉ là nguồn cung cấp nước cho 57 triệu người mà còn là nơi sinh hoạt tâm linh của rất nhiều người theo đạo Hindu. Mọi người ở mọi lứa tuổi đều tắm và uống nước của sông Yamuna vì tin rằng, nước sông sẽ xóa tội lỗi của họ. 

Một người đàn ông và một cậu bé tắm ở sông Yamuna. Dù chỉ chiếm 2% tổng chiều dài của cả con sông Yamuna, nhưng đoạn chảy qua Delhi lại là nơi ô nhiễm nặng nhất, vì vậy chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân không được cho gia súc xuống sông tắm. 

Những người đàn ông này vò quần áo tại một vũng nước bên cạnh khu vực tắm của gia súc; sau đó họ đem ra giũ ở sông Yamuna. 

Quần áo đã được giặt "sạch" sẽ được phơi ở dưới gầm cầu vượt, bên cạnh một bãi phế thải. 

Người nghèo ở Ấn Độ thường không có sự lựa chọn nào khác là phải sống cạnh những kênh nước thải lộ thiên ở Noida - một thành phố ở rìa New Delhi. 

Người dân tắm và uống nước ngay tại những bậc thang trước đền thờ Nizamuddin Sufi ở Delhi. Trước đây, người dân thường tới đây để múc nước sạch về sinh hoạt, nhưng nay, nguồn nước ở đây cũng bị ô nhiễm như nhiều nơi khác ở thành phố. 

Nhằm đảm bảo sức khỏe, người đàn ông phải quấn quanh mình một chiếc màn để tránh muỗi khi ngủ. Những căn bệnh như sốt xuất huyết luôn là mối đe dọa đối với những người sinh sống dọc sông Yamuna và kênh nước thải.

Dù nước bị ô nhiễm nặng nhưng cậu bé này vẫn đầm mình xuống sông Yamuna để mò những đồ vật tôn giáo, từ tiền xu cho tới các bức tượng nhỏ bằng kim loại, mà người dân thường ném xuống.

Những đồ vật này sau đó sẽ được bán cho các cửa hàng tái chế. Để mưu sinh, không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng phải đi thu lượm đồ phế liệu ở các bãi rác hoặc sông lớn. 

Một bé gái khác cũng đang tìm các vật phế liệu bằng nhựa tại một bãi rác lớn ở Bhalswa. Nếu may mắn, một người đi thu lượm đồ phế liệu có thể kiếm 1000 rupee (15 USD)/ngày. 

Sau một ngày thu lượm phế liệu, cậu bé tranh thủ tắm ở đoạn ống nước bị rò rỉ, gần bãi rác cậu đang làm việc. 

Trong khi đó, một số đứa trẻ khác lại chơi đùa vui vẻ ở sông Yamuna. 

Ngôi làng ở phía bắc Delhi nằm dưới chân một bãi rác lộ thiên. Rác liên tục cháy âm ỉ, hình thành nên đám mây khói bao phủ ngôi làng cả ngày lẫn đêm. 

Việc đốt rác và phế thải là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí ở Delhi. 

Kim Dung (Ảnh: National Geographic)