Thứ tư, 24/4/2024
Thứ sáu, 7/7/2017, 18:29 (GMT+7)

Cuộc sống ở 'phố gầm cầu trăm tuổi' Hà Nội

Hà Nội dự kiến đục thông 127 vòm cầu bị bịt kín và điều này sẽ khiến nhịp sống nơi đây thay đổi.

Các ô gầm cầu đường sắt bắt đầu từ phố Phùng Hưng đến hết phố Gầm Cầu (giáp với ga Long Biên) dài khoảng một km, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.  

Trên tuyến giao thông này, hơn 10 năm trước có 127 ô gầm cầu bị xây bịt lại; 4 ô gầm cầu được giữ thông trở thành các con ngõ ngắn nối phố Lý Nam Đế và phố Phùng Hưng.

Đoạn đường sắt từ ga Long Biên vào nội đô cao hơn rất nhiều so với nền đường bộ, nên hơn một trăm năm trước người Pháp đã đã xây dựng cầu dẫn gồm 131 ô vòm.

Nhịp sống ở ô gầm cầu đã quen thuộc với nhiều người Hà Nội, và tới đây nhịp sống này sẽ có phần thay đổi khi nhà chức trách cho đục thông các ô đang bị bịt kín.

Gia đình chị Hương sống trong căn hộ nhỏ sát vách ô gầm cầu hơn 40 năm qua.

"Chính quyền không cho sửa nhà, chúng tôi cứ sống thế này bao năm qua", chị nói và bày tỏ mong muốn sau nay Hà Nội đục thông các ô vòm, sử dụng diện tích này tạo thành phố sách hoặc không gian sáng tạo, mỹ thuật, quán café sách… thì gia đình chị sẽ được thuê một ki ốt.

Một hộ dân là hàng xóm của chị Hương. Gia đình này cho hay sống lâu năm cạnh gầm cầu nên quen thuộc với tiếng tàu chạy, "cứ mỗi khi tàu qua là nhà lại rung".

Nhiều hộ dân sống cạnh vòm cầu mong được chính quyền tạo điều kiện thuê ki ốt để mưu sinh, khi nhà chức trách đục vòm cầu.

Khu nhà trọ dựng vách vào vòm cầu đã tồn tại khoảng 20 năm, nó có thể bị giải tỏa khi chính quyền đục thông cửa vòm.

Một đoạn dài trên phố Phùng Hưng được trưng dụng làm bãi đỗ xe; nếu đục vòm cầu thì bãi đỗ xe này sẽ được dẹp bỏ.

Nhiều hàng nước, hàng ăn mở ra ở vỉa hè, lòng đường có thể không còn tồn tại khi đục cổng vòm và giao thông ở đây trở nên nhộn nhịp hơn. 

Các ô vòm có độ rộng gần bằng nhau, chỉ khác về chiều cao. Ô đầu tiên cao chưa tới 2 m, nằm trên phố Phùng Hưng; ô cuối cùng nằm cuối phố Gầm Cầu, cao khoảng 6 m. 

Giang Huy