Căn nhà mái fibro ximăng thủng lỗ chỗ, vách gỗ, rộng hơn 20 m2 tại bản Mường Hin là nơi ở hàng chục năm qua của vợ chồng ông Thanh và con trai. Trong nhà, họ kê chiếc giường cùng vài dụng cụ sinh hoạt, nấu ăn. Do không có bàn ghế, nên mỗi khi có khách, gia đình trải chiếu trước hiên ngồi trò chuyện.
Bà Tâm (vợ ông Thanh) kể, 13 năm trước, trong lần đưa chồng nhập viện sau vụ tai nạn giao thông thì tinh thần suy sụp khi bác sĩ thông báo chồng đã nhiễm HIV. Về sau, gặng hỏi thì bà được ông thừa nhận trong lúc đi làm xa nhà đã quan hệ với một phụ nữ khác và đây có thể là lý do khiến ông mang bệnh.

Bản Mường Hin, xã Tiền Phong, nhìn từ trên cao. Ảnh: Đức Hùng
Bà Tâm chia sẻ, nói không trách chồng là dối lòng. Nhiều năm trước, những lúc bực bội bà thường cáu gắt. Mỗi lần như thế, ông Thanh đều lẳng lặng ra hiên nhà ngồi bó gối, ứa nước mắt. Lâu dần người vợ cảm thấy thương nhiều hơn trách, luôn động viên chồng đối diện với thực tại.
"Đời không có chữ giá như. Giờ đây ân hận cũng không thay đổi được nữa", ông Thanh, tiếp lời vợ. Quãng thời gian khi vừa phát hiện mắc HIV tinh thần ông suy sụp, mặc cảm với những người xung quanh. Lo nhất là sức khỏe của thành viên trong gia đình khi hàng ngày ăn uống chung, sinh hoạt cùng nhau. Song điều ông thấy may mắn nhất là đến nay vợ và con trai 21 tuổi đều không bị lây nhiễm.
"Nhờ có cán bộ y tế hướng dẫn chi tiết các biện pháp cần thiết nên hơn chục năm qua vợ con tôi không sao", ông Thanh nói. Ông uống thuốc ARV (thuốc kháng HIV) đều đặn theo đơn kê. Hàng tháng, mỗi lúc đi lấy thuốc, vợ con luôn đi cùng để ông không cảm thấy lẻ loi, đồng thời tranh thủ xét nghiệm kiểm tra sức khỏe bản thân.
Tài sản lớn nhất của gia đình ông Thanh chỉ là con bò từ tiền vay vốn ngân hàng và chiếc xe máy cũ khoảng 2 triệu đồng. Họ nhẩm tính thu nhập của gia đình chỉ 500.000 đồng mỗi tháng.

Căn nhà gỗ nơi gia đình ông Thanh sinh sống. Ảnh: Nguyễn Hải
Cách nhà ông Thanh khoảng 800 m là nhà của vợ chồng anh Lữ Văn Long, 36 tuổi và chị Lô Thị Hồng, 35 tuổi. Hai người nhiễm HIV gần chục năm trước.
Ông Lữ Văn Phong, 77 tuổi, bố anh Long cho biết, hàng ngày các con thường ra khỏi nhà đi làm thuê sớm, đến chiều muộn mới trở về, cuộc sống khép kín. Hai con (8 và 3 tuổi) của anh Long ở nhà chơi với nhau, ông nội nhà gần đó nên cũng tiện sang trông các cháu. "Tôi thấy được an ủi là hai cháu không bị nhiễm bệnh từ bố mẹ", ông Phong nói và cho biết đã luôn động viên vợ chồng con trai cố gắng lao động, điều trị bệnh để nuôi dạy các con có cuộc sống tốt hơn.
Thống kê của trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An, Tiền Phong là xã có số nhiễm HIV cao nhất tỉnh với 595 người (114 người đã chết); riêng năm 2021, địa phương phát hiện nhiễm mới 7 trường hợp. Trong đó, bản Mường Hin - nơi cư trú của gia đình ông Thanh, anh Long, 12 gia đình có người nhiễm HIV.
Ông Ngân Văn Duyến, Công an viên bản Mường Hin, cho hay nhiều năm trước bà con dân bản có tâm lý lo lắng, xa lánh người nhiễm HIV bởi chưa được phổ biến thông tin cần thiết. "Những năm gần đây, khi được truyền tải đầy đủ kiến thức, người dân không còn kỳ thị và còn qua nhà những người nhiễm HIV để thăm hỏi, phụ giúp đồng áng khi cần thiết", ông Duyến nói.
Theo ông Võ Khánh Toàn, Chủ tịch xã Tiền Phong, ngành y tế phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên trên địa bàn xã vào năm 2007. Số ca nhiễm tăng nhanh trong 5 năm sau đó. Đây là giai đoạn thủy điện Hủa Na (Quế Phong) được xây dựng. Hơn 300 gia đình ở một số xã khác được đền bù giải phóng mặt bằng đã tái định cự tại xã Tiền Phong. "Trong số này, nhiều người khi có tiền đã mất kiểm soát, sử dụng ma túy mà không ý thức được tác hại của việc dùng chung kim tiêm là con đường dễ lây HIV nhất", ông Toàn nói. Hiện xã có 113 người diện nghi nghiện ma túy, được quản lý.
Ngoài ra, ông Toàn cho hay một số người dân địa phương đi làm ăn xa, đã bị nhiễm HIV trước khi về quê. "Nhiều cháu nhỏ phải nương tựa họ hàng do cả bố lẫn mẹ đều qua đời sau khi nhiễm HIV", ông Toàn nói thêm.

Hai em bé có bố và mẹ bị nhiễm HIV ở Tiền Phong. Ảnh: Đức Hùng
Đa số người nhiễm HIV ở xã Tiền Phong đều thuộc diện hộ nghèo, không có việc làm ổn định và nhiều người sức khoẻ đã giảm sút. Ông Bùi Văn Hiền, Phó chủ tịch huyện Quế Phong nói: "Chính quyền đang nỗ lực tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Chúng tôi cũng chỉ đạo cơ quan chức năng tập trung truy quét tệ nạn ma túy nhằm ngăn chặn đường lây nhiễm qua tiêm chích".
Người nhiễm HIV được cấp thuốc ARV theo tháng tại Trung tâm Y tế huyện. Tuy nhiên, do nhiều người ở khu vực vùng sâu, khó đi lại nên đến nhận thuốc không đúng lịch. Bên cạnh đó, một số người đi làm ở tỉnh ngoài nên việc quản lý, cấp phát thuốc bị gián đoạn; số khác vừa nhiễm HIV vừa nghiện ma túy nên có tâm lý ngại tiếp xúc... Ngoài ra, nhiều trường hợp thuộc diện nguy cơ cao bị nhiễm, song khi đoàn y tế lưu động tới bản làng để xét nghiệm thì họ lại không hợp tác mà không rõ lý do.
"Công tác tuyên truyền để người dân hiểu và phòng tránh lây nhiễm là điều rất quan trọng", bà Nguyễn Song Hà, Trưởng khoa phòng chống HIV (CDC Nghệ An), nhìn nhận.
Tiền Phong là cửa ngõ của huyện Quế Phong với hai đường quốc lộ chạy qua, diện tích hơn 138 km2, hơn 2.500 hộ dân (trên 10.000 người) thuộc dân tộc Thái, Kinh, Khơ Mú và Thổ, với 45% hộ nghèo.
Nghệ An có hơn 12.500 người nhiễm HIV, trong đó hơn 10.000 người cư trú trên địa bàn tỉnh. Huyện Quế Phong nhiều nhất với hơn 2.000 người, TP Vinh gần 1.900.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Đức Hùng - Nguyễn Hải