Ngày đầu năm, cổng chào Đăk Si, xã Đăk Dục, được trang trí hoa mai, hoa đào đón Tết. Dọc đường nhựa dẫn vào làng, cờ hoa, đèn điện nhấp nháy bên trong những căn nhà xây khang trang. Đây là năm thứ 10, những cư dân ở đây đón Tết đúng nghĩa sau khi được nhập tịch Việt Nam, bắt đầu ổn định cuộc sống mới.
Họ là nhân chứng cho cuộc hành trình đầy biến động kéo dài gần nửa thế kỷ. Vào khoảng thập niên 80 thế kỷ trước, cuộc sống khó khăn, hàng trăm người dân tại xã Đăk Dục cùng nhau ngược vào rừng huyện Đăk Chưng (Sê Kông, Lào), giáp ranh với xã Đăk Dục sinh sống.
Từ đó, người dân hai bên vẫn qua lại canh tác, buôn bán, thậm chí cưới hỏi. Một cuộc sống không đường, điện, trường, trạm, nước sạch và không quốc tịch. Thứ duy nhất họ có lúc ấy là quyển sổ tạm trú tạm vắng. Những đứa trẻ sinh ra phải theo bố mẹ lên nương rẫy, không được đến trường, chăm sóc y tế.
Ngồi trong căn nhà khang trang, bà Y Kết, 61 tuổi, còn nhớ rất rõ quá khứ khốn khó khi cùng bố mẹ sinh sống dưới những tán rừng ở bên kia biên giới. Khi đó, thức ăn của gia đình bà Kết và cả trăm người chủ yếu săn bắt thú, cá ở sông suối và rau rừng. Nhà cửa tạm bợ, mưa dột, đường sá lầy lội, cách trở.
Năm 1992, khi xã Đăk Dục được đầu tư cơ sở hạ tầng, họ dắt díu nhau trở về làng cũ định cư. Tuy không phải sống cảnh nay đây mai đó, nhưng không có quốc tịch, những cặp vợ chồng cưới nhau không hôn thú, con cái không được khai sinh, đến trường không được hưởng chính sách ưu tiên. Nông dân không tiếp cận vốn vay.
Sau thời gian dài "không được thừa nhận", năm 2012, khoảng 154 hộ với trên 400 nhân khẩu ở làng Đăk Si được nhập quốc tịch Việt Nam. Mới đây nhất, năm 2019 thêm 9 hộ được nhập tịch. Từ ngôi làng 100% là nhà vách gỗ, sau 10 năm, mọi thứ gần như thay đổi, 80% căn nhà được xây kiên cố. Những đứa trẻ được đến trường, hưởng đuợc mọi quyền lợi...
Ba người cháu của bà Kết hiện được hỗ trợ tiền học theo chế độ của người đồng bào thiểu số. Mảnh vườn 300 cây cao su, 500 cây bời lời của gia đình bà cũng nhờ vay vốn mới có được. "Nhờ nó mà nuôi cả gia đình 4 người con", bà Kết nói.
Ba năm trước, gia đình bà Kết dành dụm hơn 300 triệu đồng, xây căn nhà rộng 100 m2. Ngoài ra, bà Kết còn vay vốn mua 2 con bò và mua thêm 3 sào ruộng cho người con trai vừa cưới vợ. Người con gái út hiện học đại học ở trong Nam.
Ông Bloong Hâm, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Dục, cho biết hiện xã không còn trường hợp di cư tự do, nguời không quốc tịch và công dân Lào. Từ khi nhập tịch, cuộc sống người dân ngày ổn định, được hưởng các chính sách hỗ trợ, tiếp cận các nguồn vốn vay, thuận tiện đăng kí kết hôn, làm giấy khai sinh...
Ngoài việc trở thành làng giàu nhất xã (còn 38 hộ nghèo), Đăk Si đã trở mình thành một trong những làng hiếu học. Từ việc không có học sinh hết cấp 3, bây giờ làng có hơn 30 người học cao đẳng, đại học.
Trần Hoá