Cách đây một năm, cảnh tượng tại sân bay này vô cùng hỗn loạn, nhốn nháo khi nhiều người đổ về đây để tìm cách rời đất nước. Sân bay Kabul hiện yên tĩnh và sạch sẽ hơn nhiều. Những hàng cờ trắng của Taliban bay trong gió hè, phía dưới là những tấm biển quảng cáo cũ đã bị sơn đè lên.
Phía sau cổng nhập cảnh là một đất nước đã đảo lộn hoàn toàn kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào ngày 15/8/2021.
"Họ muốn tôi bàn giao công việc của mình cho anh trai", một phụ nữ cho biết.
"Chúng tôi có được vị trí này bằng kinh nghiệm và học vấn của mình. Nếu chấp nhận điều này, chúng tôi chẳng khác nào phản bội bản thân", một người khác nói.
Một số cựu công chức trong Bộ Tài chính chia sẻ câu chuyện tương tự. Họ thuộc Phụ nữ Lãnh đạo Afghanistan, nhóm hơn 60 phụ nữ kết nối với nhau sau khi nhận lệnh nghỉ việc hồi tháng 8 năm ngoái, trong đó có nhiều người đến từ Cục Thuế Afghanistan.
Quan chức Taliban yêu cầu họ gửi sơ yếu lý lịch của thân nhân là nam giới có thể thay thế vị trí của họ. "Đây là công việc của tôi", một phụ nữ khẳng định, giống như tất cả thành viên nhóm, cô yêu cầu giấu danh tính. "Tôi đã làm việc cật lực, vượt qua nhiều trở ngại trong hơn 17 năm để có được công việc này, đồng thời hoàn thành chương trình thạc sĩ. Bây giờ mọi thứ trở lại con số không".
Amina Ahmady, cựu lãnh đạo cục thuế, đã rời khỏi Afghanistan nhưng vẫn có nhiều trăn trở. "Chúng tôi đánh mất bản ngã của mình", Ahmady nói. "Nơi duy nhất có thể giữ nó là ở đất nước của chúng tôi".
Giới chức Taliban nói rằng phụ nữ vẫn được làm việc, song chủ yếu là những vị trí như nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên an ninh, hải quan. Các nữ công chức hiện vẫn được trả lương, song giảm đáng kể.
Maryam, 37 tuổi, làm việc tại bộ tài chính 15 năm, có bằng thạc sĩ về quản trị kinh doanh, cho biết bản thân đã rất nỗ lực để trở thành người đứng đầu bộ phận. Nhưng kể từ khi Taliban lên nắm quyền, cô bị giáng chức và giảm lương từ 60.000 AFN (khoảng 680 USD) xuống còn 12.000 AFN (khoảng 136 USD).
Tại Ghor, vùng cao nguyên miền trung Afghanistan, Noor Mohammad, 18 tuổi, cùng Ahmad 25 tuổi, vung những nhát liềm đều tay, dọn dẹp rơm rạ trên cánh đồng sau mùa gặt.
"Năm nay lúa mì thất thu do hạn hán, nhưng đây là công việc duy nhất", Noor cho biết. "Tôi đang theo học ngành kỹ thuật điện thì phải bỏ dở để phụ giúp gia đình".
Ahmad cũng không khá hơn. "Tôi phải bán chiếc xe máy để đến Iran, song cũng không tìm được việc làm", anh chia sẻ.
Thống đốc tỉnh Ghor Ahmad Shah Din Dost liệt kê những vấn đề của địa phương: nghèo đói, cơ sở hạ tầng xuống cấp, bệnh viện và trường học không hoạt động bình thường. "Tôi thấy rất đau buồn", ông nói.
Tuy nhiên, Din Dost không muốn nhận viện trợ từ phương Tây. Thống đốc nói rằng quân đội Mỹ từng bắt giam và tra tấn ông. "Đừng khiến chúng tôi thêm đau đớn. Chúng tôi không cần sự giúp đỡ từ phương Tây", Din Dost nói. "Tại sao họ luôn can thiệp? Chúng tôi có bao giờ thắc mắc về cách họ đối xử với công dân nam hay nữ đâu?".
Trong khi đó, Abdul Satar Mafaq, quan chức y tế của Taliban nhấn mạnh Afghanistan cần được quan tâm. "Chúng tôi phải cứu mạng sống của mọi người, điều này không nhất thiết phải liên quan đến chính trị".
"Nghèo đói cũng là một cuộc chiến, thậm chí còn trầm trọng hơn những cuộc đấu súng", Noor nói giữa cánh đồng lúa mì.
Sohaila, 18 tuổi, phụ giúp cửa hàng quần áo của gia đình tại khu chợ chỉ dành cho phụ nữ ở Herat, trong ngày đầu mở cửa sau một năm dịch Covid-19 hoành hành.
"Mười năm trước, chị tôi mở cửa hàng này hồi năm 18 tuổi", Sohaila kể, chia sẻ về truyền thống may vá những chiếc váy Kuchi hoa văn rực rỡ của mẹ và bà.
Trong căn phòng được chiếu sáng kém, một dãy máy khâu nằm ở góc phòng, những quả bóng bay hình trái tim lơ lửng trên trần nhà. Giữa không khí u ám này, tia sáng duy nhất dành cho những người phụ nữ này có thể là giáo dục.
Nhưng Sohaila nói rằng chính quyền Taliban đã đóng cửa các trường trung học, tác động nặng nề tới những thanh thiếu niên đầy tham vọng như cô. "Tôi đang học dở lớp 12, không tốt nghiệp thì không thể vào đại học", Sohaila nói.
Khi Sohaila được hỏi có muốn ở lại Afghanistan không, cô gái trả lời một cách tự tin: "Tất nhiên! Đây là đất nước của tôi, tôi không muốn đến một đất nước khác".
"Nhưng một năm không đi học rất khó khăn, không riêng với mình tôi mà đối với tất cả cô gái trẻ ở Afghanistan", Sohaila nói, giọng nhỏ lại và vỡ òa trong nước mắt. "Tôi từng là học sinh đứng đầu, tôi rất buồn".
Đức Trung (Theo BBC, Guardian)