Theo Bộ Nội vụ Anh, số người Việt đi qua eo biển Manche để vượt biên vào Anh năm 2024 tăng vọt. Từ tháng 1 đến tháng 9/2024, khoảng 3.307 người Việt di cư trái phép qua tuyến đường này, tăng 177% so với cùng kỳ, chỉ sau người Afghanistan, Iran và Syria.
Hãng tin Pháp AFP cho hay người Việt nằm trong nhóm dễ trở thành nạn nhân nhất của "chế độ nô lệ hiện đại" ở Anh, với hơn 1.000 người trình báo với giới chức Anh năm 2023. "Nô lệ hiện đại" là khái niệm chỉ các hành vi giam cầm, ép buộc lao động, buôn bán người.
James Fookes, chuyên gia tổ chức phi chính phủ Chống Nô lệ Quốc tế, cho rằng con số nói trên chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Giống Xuan, nhiều người Việt do nợ nần đã bị cuốn vào đường dây buôn người và bị đưa tới các trang trại trồng cần sa ở Anh.

Xuan, người Việt, trả lời phỏng vấn ở London ngày 16/1. Ảnh: AFP
Xuan, người bố có hai con, cho hay anh vướng vào các nhóm cho vay nặng lãi kiểu xã hội đen sau khi đầu tư bất động sản thua lỗ, nên quyết định tìm đường vượt biên tới Anh làm việc để trả nợ. Năm 2015, Xuan bay tới Nga, sau đó tới Hà Lan rồi lên tàu hỏa đến Pháp.
Anh cùng 10 người Việt trốn trong một xe tải được chở bằng phà qua eo biển Manche, nhưng bị cảnh sát Anh phát hiện và đưa vào trung tâm tị nạn. Xuan sau đó chuyển tới sống cùng cháu trai ở London.
Mùa xuân năm 2016, lúc Xuan rời đồn cảnh sát mà anh phải đăng ký thông tin, hai người lạ ập tới, bắt anh vào ôtô. Họ đưa điện thoại cho Xuân nghe máy. Một người Việt ở đầu bên kia nói: "Đi theo hai người này, nếu không sẽ bị bắn chết".
Chiếc xe chạy nhiều tiếng đến phía bắc nước Anh. "Tôi rất sợ", Xuan kể. Anh làm việc trong một nhà kho suốt nhiều tháng, bốc dỡ hàng nhưng không rõ bên trong thùng là gì, cùng với vài người khác và không được phép nói chuyện với họ, cũng không được trả lương.
"Họ đánh đập tôi suốt", người đàn ông 58 tuổi vừa khóc vừa kể. "Tôi cố sống, giữ sức khỏe với hy vọng có ngày gặp lại con".
Cuối cùng, anh bị đưa tới một trang trại trồng cần sa. Đó là một ngôi nhà ba tầng không có gì nổi bật, chỗ nào cũng có cây cần sa trừ nhà vệ sinh và nhà bếp.
"Tôi ở đó một mình. Những người đưa tôi đến ngày nào cũng qua kiểm tra. Nhà bị khóa trái cửa", Xuan nói, cho hay anh ngủ trên một tấm đệm ở sàn bếp.
Xuan có nhiệm vụ tưới nước, bón phân cho cây cần sa, đảm bảo cây phát triển tốt dưới ánh sáng nhân tạo và nhiệt độ 36 độ C. Anh từng bị ốm năm 2021, khi Covid-19 bùng lên, khiến cây vàng úa vì không được chăm sóc.
"Tôi khó thở, không làm nổi việc gì, không chăm sóc được cây. Tôi sợ họ đánh chết mình vì không hoàn thành công việc", Xuan nói.
Vì thế, anh nảy ý định chạy trốn. Một đêm, Xuan đập vỡ cửa sổ, chạy tới ga tàu mua vé đến London. Anh bất tỉnh trên phố khi vừa tới thủ đô. Sau thời gian nằm viện, Xuan khai báo với cảnh sát và được chuyển tới Salvation Army, tổ chức được chính phủ Anh giao nhiệm vụ giúp đỡ nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại.
Tổ chức đã tiếp nhận 135 người Việt từ năm 2021 tới nay, chủ yếu là người ngoài 30 tuổi. Với đa số nạn nhân trong các trang trại cần sa, họ chỉ thoát khỏi cảnh lao động cưỡng bức khi cảnh sát đột kích.
Giới chức Anh ngày 10/2 cho hay cảnh sát đã bắt hơn 600 người trong các vụ đột kích hồi tháng 1, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Các vụ đột kích nằm trong chiến dịch của chính phủ Anh nhằm giải quyết tình trạng di cư không có giấy tờ và xóa sổ các băng nhóm buôn người.
Tuy nhiên, Kathy Betteridge, giám đốc bộ phận chống buôn người và nô lệ hiện đại của Salvation Army, cho biết cảnh sát khi tiến hành các vụ đột kích thường chỉ bắt được nạn nhân, "bởi họ là những người duy nhất ở trang trại cần sa".
Chính phủ Anh và Việt Nam hồi tháng 4/2024 ký tuyên bố chung về hợp tác phòng chống di cư bất hợp pháp, cam kết tăng cường hợp tác trong các chiến dịch truyền thông nhằm cảnh báo rủi ro từ hành trình di cư bất hợp pháp đến Anh.
Hai bên nhất trí xây dựng kế hoạch hành động chung nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương và ngăn chặn nạn buôn người, đồng thời tiếp tục duy trì các cơ chế, kênh liên lạc chia sẻ thông tin trực tiếp, hiệu quả. Thỏa thuận cũng bao gồm hợp tác giữa hai nước nhằm thúc đẩy các tuyến đường di cư hợp pháp đến Anh.
Mitsue Pembroke, Giám đốc Dự án và Quan hệ Đối tác của Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam, nhận định "chính phủ Việt Nam đã đạt nhiều bước tiến đáng kể" trong công tác ngăn ngừa công dân trở thành nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại.
Xuan đang sống trong trung tâm tạm trú ở ngoại ô London. Anh mắc chứng khó ngủ bởi những ký ức khó quên. Xuan muốn được ở lại Anh và đưa con cái sang đoàn tụ, nhưng đơn của anh đã bị giới chức sở tại từ chối vào năm ngoái. Xuan đang chờ kết quả thẩm định lại.
Hồng Hạnh (Theo AFP)