Nhiếp ảnh gia Tâm Bùi phối hợp cùng Con Bò Cười thực hiện bộ ảnh khắc họa cuộc sống của người dân miền Trung những ngày cận Tết.
Tại Trà Bồng (Quảng Ngãi) - địa phương Tâm Bùi thực hiện bộ ảnh, Tâm Bùi nhận thấy cuộc sống của một bộ phận người dân "không tiếng cười". Hầu hết các gia đình có thanh niên, đàn ông rời làng đến các tỉnh, thành để làm công nhân hoặc các đồn điền... Năm qua, ảnh hưởng của Covid-19, thiên tai, bão lũ làm cho đôi vai của người dân nơi đây thêm nặng trĩu, từ những mất mát vật chất, kéo theo ảnh hưởng tinh thần.
Người thân của họ làm xa, do ảnh hưởng dịch bệnh, một số bị dừng việc, hoãn việc nên đã về quê một thời gian trong năm. Mặt khác, năm 2020 thiên tai xảy ra nặng nề ở miền Trung, nhiều người dự định ở lại làm thêm dịp Tết kiếm thêm thu nhập.
Dưới đây là hình ảnh về cuộc sống của những người dân ở ngôi làng nằm giữa núi cao, chỉ có 35 hộ gia đình, do Tâm Bùi ghi lại.

Gia đình chị Hồ Thị Lê (22 tuổi) có 8 người. Chồng đi làm xa, ở nhà còn lại mấy chị em, mẹ và các con nhỏ. Ai mướn gì làm nấy, thường chị đi làm thuê như hái chè, lột vỏ quế, đập vỏ keo, trồng keo... Mái nhà lợp tôn nhưng bên trên được ràng lại bằng cột tre để tránh bão thổi tốc mái.

Mẹ của chị Lê ngồi trong gian nhà nhỏ, vừa là nơi để ngủ, vừa là kho. Những ngôi nhà ở đây rất thấp và thiếu cửa sổ nhằm tránh gió bão. Cuộc sống "không có tiếng cười" đã đeo bám cô suốt bao năm không chỉ vì người thân đi làm xa mà còn hay gặp phải thiên tai, bão lũ... khó khăn chồng chất.

Chị Linh (29 tuổi) có 4 con nhỏ. Chồng Linh đi làm cà phê trong Nam. Một mình Linh nuôi 4 đứa nhỏ ở nhà.

Mỗi chiều, Linh hay ra sau nhà, tay ẵm đứa con út còn chưa biết đi và nhìn mông lung về phía bên kia sườn núi. Qua mấy ngọn núi, mấy sông, mấy con đường mới tới chỗ chồng chị làm - chị nghe anh bảo vậy.

Hàng ngày, Linh đi đốn củi, hái chè xanh ở vườn sau nhà để bán cho thương lái.

Cô Nguyễn Thị Lê (52 tuổi) đang nuôi 2 đứa cháu ngoại. Vợ chồng con gái của đều đi làm xa. Con rể làm ở Sài Gòn, còn con gái thì cũng làm thuê ở tỉnh khác. Trong ảnh là đứa cháu lớn của cô, năm nay 12 tuổi.

Với mái nhà dựng tạm và còn nhiều thiếu thốn, cô vẫn tiếp tục công việc hàng ngày để nuôi cháu. Cô cũng hy vọng Tết này, hai vợ chồng con gái sẽ về quê thăm vì lâu quá rồi chưa gặp chúng nó.

Người phụ nữ vừa làm mẹ, vừa làm bố - cảnh thường thấy ở những ngôi nhà trong làng.

Khi xong hết công việc nhà, người phụ nữ mới có thời gian chăm sóc con nhỏ. Cứ quanh quẩn trong làng đến nhà, cứ thế là hết ngày.

"Chờ hoài cũng quen, cuối năm nó về rồi đầu năm lại lên Nam lại. Mà sao tui lo năm nay chắc nó không về quá", một bà cụ chia sẻ.

Từ người già đến trẻ nhỏ trong làng đều mong ngóng tin từ thành phố mà lẽ ra mọi năm họ đều biết chắc rằng người thân sẽ về làng đón Tết trước đêm giao thừa.
Ngọc An
Ảnh: Tâm Bùi
Với mong muốn hỗ trợ vé xe cho thanh niên, công nhân, người lao động, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội, TP HCM về quê ăn Tết cùng gia đình, Con Bò Cười phối hợp của Trung tâm Tình nguyện Quốc gia - Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khởi động dự án chuyến xe về Tết "Nụ cười đoàn viên".
Con Bò Cười cũng tổ chức hoạt động "Góp hàng ngàn nụ cười - Trao niềm vui đoàn viên" trên facebook đến hết ngày 29/1. Người tham gia vừa có thể nhận quà đầu năm, vừa chung tay cho những chuyến xe lăn bánh bắt đầu từ ngày 3/2 về các tỉnh miền Trung.