Thứ tư, 15/1/2025
Thứ tư, 28/12/2022, 00:00 (GMT+7)

Cuộc sống người Hà Nội dưới 10.000 tấn bom B-52 năm 1972

Trước ngày B-52 tập kích, gần 500.000 người Hà Nội đã sơ tán về vùng lân cận. Đám cưới vẫn diễn ra, trẻ em bện mũ rơm, đeo túi cứu thương đến trường.

Cuộc sơ tán lớn nhất trong lịch sử kháng chiến Thủ đô cơ bản hoàn thành trước ngày Mỹ mở chiến dịch Linebacker II kéo dài 12 ngày đêm (18-29/12/1972). Khoảng 85% dân số bốn quận nội thành Hà Nội sơ tán về Hà Tây (cũ) và vùng lân cận.

Thành phố chỉ còn lại cơ quan chỉ huy tối cao, lực lượng vũ trang, bộ phận vừa làm nhiệm vụ chiến đấu vừa sản xuất.

Hà Nội trong ký ức đâu cũng thấy hầm và hố, trên vỉa hè, trước cửa nhà, giữa đường phố. Người dân hễ nghe loa phóng thanh Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý. Máy bay địch còn cách Hà Nội 60 km... cùng tiếng còi báo động phòng không rú vang là hối hả xuống hầm tránh bom.

Thủ đô vừa lập trận địa phòng không vừa đúc những hố tránh bom bằng xi măng ngay giữa đường phố. Thống kê thời điểm ấy, Hà Nội có khoảng 400.000 hố cá nhân và hàng trăm nghìn hầm tập thể.

Ban đêm túc trực chiến đấu, ban ngày dân quân tranh thủ gia cố hầm hào tránh bom cho người dân.

Xã viên Hợp tác xã Triều Khúc sửa hầm hào và thu hoạch vụ đông xuân.

Cùng lực lượng chủ lực và bộ đội địa phương, dân quân tự vệ Hà Nội lập 192 trận địa. Các trận địa bắn máy bay tầm thấp thường bố trí gần mục tiêu cần bảo vệ. Hơn 40.000 người được trang bị súng trường, tiểu liên, súng cối để vừa sản xuất vừa khắc phục hậu quả ném bom, cơ động đánh giặc đổ bộ đường không, bắt sống phi công Mỹ nhảy dù.

Giáo viên trường cấp II Dịch Vọng (Từ Liêm cũ) dạy học trò bện mũ rơm. Ký ức tuổi thơ Hà Nội nửa thế kỷ trước là những ngày đến trường ngoài sách vở còn có mũ rơm, cáng cứu thương và cả cuốc, xẻng để đào hầm dã chiến.

Cô trò trường mầm mon ở Dục Tú (Đông Anh) những ngày tránh B-52 oanh tạc. Hầm trú ẩn được dựng ngay dưới những tán tre lấy bóng mát, giảm sức phá hoại của bom.

Đội nữ dân quân tự vệ xã Uy Nỗ (Đông Anh) bên trận địa. Uy Nỗ là một trong những điểm bị B-52 không kích đầu tiên trong đêm mở màn chiến dịch, 18/12/1972.

Người dân Khâm Thiên trước dãy phố bị bom xới tung đêm 26/12/1972, đêm mà Mỹ huy động nhiều nhất số lần ném bom B-52 và các loại máy bay chiến thuật, đánh phá hơn 100 điểm ở Hà Nội. Trước đó một ngày, nghe tin Mỹ tạm ngừng ném bom đêm Giáng sinh, nhiều người dân ở nơi sơ tán trở về nhà và không kịp di tản. 287 người chết, hơn 2.000 nóc nhà bị thổi bay.

Ngoài Khâm Thiên, bom B-52 còn rải thảm Bạch Mai, Khu tập thể 8/3, Tương Mai...

Sau trận bom đêm 26/12/1972, Khâm Thiên gần như bị hủy diệt. Tư liệu tại Bảo tàng chiến thắng B-52 thống kê, riêng Hà Nội phải chịu hơn 10.000 tấn bom trong 12 ngày đêm với bình quân mỗi km2 hứng 33,33 tấn. 37 khối phố nội thành, 4 thị trấn, 67 xã ngoại thành bị đánh phá, có nơi bị san bằng.

Chiến dịch không kích diễn ra vào những ngày giáp Tết, người dân theo dõi thông tin chiến đấu của lực lượng vũ trang trước các cửa hàng mậu dịch, khu vực trung tâm.

Người dân đi xem mảnh xác máy bay B-52 rơi trên đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình). Chiếc máy bay bị tên lửa Tiểu đoàn 72 (Trung đoàn 285) bắn hạ đêm 27/12.

Hầm trú ẩn ở Hà Nội năm 1972
 
 

Hà Nội năm 1972. Nguồn: ina.fr

Ngọc Thành
Ảnh tư liệu