9h sáng nay, những tia nắng le lói khiến nhiều người dân khấp khởi mừng thầm. Mặc dù nước vẫn ngập đường Nguyễn Trãi, nhưng gia đình chị Liên bắt đầu dọn dẹp đồ đạc.
Tranh thủ lúc hửng nắng, nhiều hộ dân đem quần áo ra phơi. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Nước đục ngầu ngập kèm theo rác rưởi tràn vào nhà mấy hôm nay, chúng tôi phải căng chăn, bạt để chặn. Hôm nay, tranh thủ ngày nghỉ, tôi phải huy động mấy đứa cháu sang giúp phơi dọn. Đồ đạc bị ngâm nước, bốc mùi kinh khủng lắm", chị Liên cho biết.
Cả nhà chị Quyên, ở phố Triều Khúc sáng nay cũng hì hục khiêng ghế, bàn, bát đĩa và một số đồ dùng ra trước sân lau rửa, phơi nắng. Nước đã rút khỏi căn nhà rộng chừng 20 m2, trên nền nhà đầy rác rưởi, đất cát. Mấy ngày mưa, con phố này ngập sâu trong nước khiến nhiều hộ dân phải lội bì bõm trong nhà.
Ở khu tập thể Nam Đồng, hôm qua, mức nước sâu nhất ở gần khu nhà chị Hằng là 1,2 mét. Toàn bộ hàng hóa bán hàng nhà chị đã được đưa lên xếp chật kín tầng 2, tầng 3 không còn chỗ lách chân. Đứa bé 3 tuổi cũng bị buộc chơi trong chiếc giường, xung quanh chất kín đồ đạc. Chiếc tủ lạnh dưới tầng 1 phải kê lên 2 két vỏ bia chồng nhau để tránh ngập nước.
"Mấy ngày qua mất điện từ sáng đến tối, quần áo không giặt được vì không có nước. Sáng nay thấy nắng, vợ chồng tôi đem tất cả quần áo bẩn ra phơi dù đã bị bốc mùi", chị Hằng nói.
Cách đó không xa, vợ chồng chị Minh cũng hì hục bơm nước trong bể ngầm ra ngoài và thau rửa bể. "Nước bẩn, rác rưởi từ những cống rãnh gần đó ngập vào trong nhà, tràn xuống bể nên rất dễ sinh bệnh. Mấy ngày nay em tôi toàn phải hứng nước mưa lấy nước rửa rau, rửa bát", chị Minh cho hay.
Mưa to gây ngập ở ngõ chợ Khâm Thiên bởi địa hình nhiều ngõ nhỏ, rãnh hẹp, thoát nước lâu. Nhiều nhà xây gạch chắn ở cửa, đề phòng nước vào nhà nhưng cũng vô ích trước trận mưa lớn này. Sáng nay, sau khi nước rút mấy hộ dân ở khu phố hò nhau ra dọn dẹp những viên gạch bị nước ngập làm vỡ bung.
Anh Long vừa lúi húi tháo dỡ đồ đạc trên chiếc xe máy xuống, vừa kể: "Nước ngập dưới mép giường. Cả nhà 4 người phải tá túc trên chiếc giường được kê cao lên bằng mấy viên gạch. Chật chội quá nên quạt điện, chăn đệm... hai vợ chồng chằng buộc lên xe máy, rồi chở đến nhà anh trai vợ để gửi, hôm nay nước rút nên đến chở về". Toàn bộ nền nhà của anh Long ướt nhẹp nước.
Dọn hàng kinh doanh trở lại để kiếm sống. Ảnh: Hoàng Hà |
Xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, khi thấy nắng lên, một số cụ già tranh thủ tập thể dục. Vài em bé cũng được mẹ cho ra hóng nắng.
Nhiều chợ đã hoạt động trở lại như chợ Triều Khúc, Nam Đồng... sau mấy ngày đóng cửa. Các bà, các cô bì bõm lội nước đi chợ. Hàng thịt, cá, hải sản đều tấp nập người mua mặc dù giá cả tăng gấp rưỡi. Đông nhất vẫn là mấy hàng rau, củ quả. Chị Liên, người bán rau sạch thường xuyên ở chợ Nam Đồng cho hay: "Xếp một đống rau chật cả sạp, chỉ một loáng đã sạch bách".
Hôm nay, giá mớ rau muống xuống còn 7.000-10.000 đồng, thăn lợn 90.000 đồng. Chợ nhiều nhất vẫn là cá, mưa to, nhiều người đánh bắt được và giá dao động 40.000-70.000 đồng một kg tùy loại.
Chị Hoa, ở tập thể Thành Công một tay dắt chiếc xe đạp, một tay lễ mễ xách các túi thực phẩm. "Tranh thủ mua những đồ ăn tươi sống cải thiện bữa ăn để bù cho mấy ngày qua toàn ăn đồ đông lạnh, lạc rang. Cũng may nước rút nên mới đi chợ được. Hôm qua, chỗ ngập sâu nhất ở gần nhà tôi là hơn một mét, nhiều người không dám đi chợ vì nước sâu quá nguy hiểm", chị Hoa kể.
Mới hửng nắng lên một chút, gần trưa, cơn mưa lại xối xả trút xuống. Nhiều người dân lo sợ nước tiếp tục dâng.
Ngày mai, học sinh Hà Nội được nghỉ học.
Anh Thư