Khi chiếc ôtô đỗ đầu bản Aky, lũ trẻ đang nô đùa bỗng chạy tán loạn. Từ những vách nhà sàn, phụ nữ ẵm con ngó ra nhìn. Trên một bãi đất trống, bốn người đàn ông đang thay phiên nhau nện chày xuống cối đá. Trong đó không phải lúa hay ngô mà là một loại thân cây gỗ băm nhỏ. Một người, có vẻ sõi tiếng Kinh hơn cả, giải thích "đang làm mồi bẫy chim".
Chừng nửa tiếng sau, quanh đống lửa mới đốt, vài người chăm chú nhìn người đàn ông sõi tiếng Kinh nọ đang nhổ lông một con chim mới bẫy được, chuẩn bị nướng trên ngọn lửa đỏ rực.
Đây là một lát cắt trong cuộc sống của bản Aky, nằm sâu trong vùng rừng núi của xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách biên giới Lào một giờ đi bộ. Quãng đường TP Đồng Hới tới bản từng là hành trình gian nan mất vài ngày đường, xuyên qua đèo cao, suối sâu.
Hai năm nay đã có đường bê tông chạy qua bản, rút ngắn thời gian di chuyển còn khoảng bốn tiếng. Nhưng cuộc sống ở Aky không có gì thay đổi, đứng yên như chiếc đồng hồ bị quên lên dây cót.
Không điện, không Internet, không sóng điện thoại và hạn chế đất canh tác, cái đói cứ bám riết nơi này như sương sớm không tan.
![Bản Aky, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trach, Quảng Bình tháng 12/2024. Ảnh: Phan Dương](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2025/01/18/1-10-1-1737163405-4366-1737199989.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XOhVQGauuvXjacQooDlXtw)
Bản Aky, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình tháng 12/2024. Ảnh: Phan Dương
Hai năm công tác tại điểm trường Aky, cô Nguyễn Thị Bích Ngân, 52 tuổi, không quên được ngày đầu nhận lớp. Khác xa với hình ảnh học sinh ríu rít ngày tựu trường dưới xuôi, những đứa trẻ Aky lặng lẽ quan sát cô giáo mới. Không có tiếng chào hỏi, chỉ có ánh mắt thu lại khi ai đó nhìn mình.
"Đằng sau sự nhút nhát ấy là cuộc sống thiệt thòi", cô Ngân nói. "Các con sống ở nơi biệt lập, ít cơ hội tiếp xúc với người Kinh hay những điều mới mẻ bên ngoài".
Sự thiệt thòi hiện rõ trong từng bữa ăn, nếp sống. Trong khi các bản khác có vài ba quán tạp hóa bán thực phẩm, cả bản Aky với 44 nóc nhà không có cửa hàng nào. Mỗi tháng có một chuyến ôtô chở nhu yếu phẩm vào bản. Những lúc đó, bữa cơm mới tươm tất hơn với chút cá mắm.
Niềm vui của lũ trẻ ở đây là những lúc có đoàn từ thiện ghé qua. Trung Thu vừa qua, lần đầu tiên có một đoàn đến với bản. Mỗi em học sinh ngoài quà mang về, còn có một chiếc bánh nướng ăn tại lớp. Cô Ngân kể, ánh mắt em nào cũng sáng bừng, gật gù khen vị ngọt ngào chưa từng được thưởng thức.
Những ngày đầu năm học, cô giáo miền xuôi chứng kiến cảnh bà con gom từng đồng lẻ mua xăng đèo con em mình xuống trung tâm xã, cách khoảng 20 km để làm căn cước công dân. Những nhà không có phương tiện, phải dắt con đi bộ.
Trên đường về xuôi xế trưa hôm ấy, cô bắt gặp một bà mẹ dẫn theo hai đứa con đi bộ giữa trời nắng gắt. Cô dừng lại, bốc cả ba mẹ con lên xe. Nhưng đến nơi, một số em không thể làm căn cước vì hệ thống chưa cập nhật thông tin. Ánh mắt ai cũng chùng xuống, đượm buồn.
"Các đồng chí công an hứa lần tới sẽ vào tận bản làm, lúc ấy bà con mới nhẹ lòng quay về", cô Ngân kể.
![Người phụ nữ và những đứa trẻ Ma Coong tại bản Aky, xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình tháng 12/2024. Ảnh: Minh An](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2025/01/18/1-14-1737199878-8093-1737199989.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Eepk7DdBhSRHQM2xwJXWKA)
Người phụ nữ và những đứa trẻ Ma Coong tại bản Aky, xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình tháng 12/2024. Ảnh: Minh An
Sống với đồng bào, nhiều khi các thầy cô miền xuôi cảm thấy bất lực. Có lần khi tiếng kẻng trường vang lên đánh thức cả bản, học sinh từ các nóc nhà chạy đến lớp. Nhìn quanh không thấy em Y Duyên, lớp 4, cô Ngân phóng xe thẳng đến ngôi nhà gần cuối bản. Con bé đang nằm sốt bừng bừng trên tấm thảm cũ trong căn nhà sàn vách nứa hở thông thống và cục cơm nguội ngắt làm bữa sáng.
Cô Ngân chạy về trường, trở lại với viên thuốc hạ sốt. Nhưng trước khi đưa cho mẹ Y Duyên, cô dặn "Phải nấu bát cháo cho con ăn rồi mới được uống viên thuốc này".
Trong cặp các thầy cô giáo cắm bản luôn có vài vỉ thuốc giảm đau, hạ sốt, bởi AKy cách trạm y tế gần nhất gần chục cây số. Song các thầy cô chỉ có thuốc cho mấy bệnh vặt.
Bữa nọ thằng bé Đinh Bình Thường, lớp 2 bị nổi hạch khắp mặt. Gia đình nhờ thầy lang đến thổi xua bệnh. Biết chuyện, cô Ngân thuyết phục họ đưa Bình Thường xuống viện. Sau một tuần điều trị thằng bé đỡ hơn nên được về nhà.
Nhưng vài bữa sau, mặt thằng bé lại sưng tấy như cũ. Thầy cô lại động viên đưa đi viện, nhưng bố mẹ thằng bé nói "phải chờ thu hoạch sắn mới có tiền". Ba ngày sau, họ hay tin gia đình đã mua cả con heo để làm lễ cúng.
"Bà con nghèo khó là thế, nhưng vẫn nặng nề tập tục lạc hậu", cô giáo bản buồn rầu nói. "Thằng bé nghỉ học cả tháng nay mà bệnh chưa khỏi".
Đầu năm 2025 là lần thứ hai thầy Nguyễn Quang Trung, 52 tuổi, quay lại điểm bản Aky. Cách nhau 5 năm, bản làng gần như không có gì thay đổi. "Bây giờ có con đường bê tông đi lại thuận tiện hơn, nhưng điện lại không còn", thầy nói.
Vào đầu những năm 2010, Aky được một doanh nghiệp lắp giàn năng lượng mặt trời đủ chiếu sáng cho cả bản. Nhưng từ 2018, "dấu tích của văn minh" ấy bị nổ, đẩy Aky quay lại với bóng tối. Một thời gian sau, họ được đoàn từ thiện khác lắp đèn năng lượng mặt trời, song do hệ thống nhỏ nên thời gian chiếu sáng rất hạn chế.
"Vào ngày mưa, bóng đèn hầu như không phát sáng. Còn bình thường, đèn cũng chỉ đủ chiếu sáng khoảng ba tiếng", thầy Trung kể.
Trong điều kiện thiếu sách, cả thầy và trò đều phải thích nghi. Giờ tan học buổi sáng thường được lùi đến gần 11h30 để tận dụng ánh sáng ban trưa, trong khi buổi chiều phải kết thúc sớm hơn. Những ngày trời quá tối, thầy Trung hạn chế các bài tập đọc, viết; thay vào đó là vấn đáp. Những ngày âm u quá, tự học sinh biết mang theo đèn pin đội đầu để học.
![Cô Ngân với học trò tại Điểm trường Aky, Thượng Trạch, Bố Trạch tháng 12/2024. Ảnh: Phan Dương](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2025/01/18/00-1737172741-2627-1737199990.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RJ4mWCQejLxOCpRddZGVsw)
Cô Ngân với học trò tại Điểm trường Aky, Thượng Trạch, Bố Trạch tháng 12/2024. Ảnh: Phan Dương
Trưởng bản Đinh Tiếng cho biết Aky có 44 hộ với 150 nhân khẩu, trong đó có 20 học sinh cấp 2, 22 học sinh cấp 1. Đến hiện tại, cả bản chưa có em nào học đến cấp 3.
Con út của ông Tiếng đang học lớp 9 ở trung tâm xã. Trước đây, khi chưa có xe máy, việc đưa đón con mỗi cuối tuần hoàn toàn dựa vào sự hỗ trợ của thầy cô.
Điều khiến trưởng bản này biết ơn nhất là hệ thống đường và bể nước sạch đã được xây dựng. Trước đây, việc lấy nước từ nguồn là công việc đầy hiểm nguy, đặc biệt đối với phụ nữ trẻ và trẻ em, do nguy cơ bị bắt cóc ở khu vực biên giới. Dân bản quy định chỉ đàn ông và phụ nữ trên 50 tuổi mới được đi lấy nước để an toàn hơn.
Giờ đây nước sạch đã được dẫn đến từng nhà. "Mỗi hộ góp 20.000 đồng một tháng để mua xăng dầu bơm nước từ nguồn về", ông Tiếng cho biết.
Chủ tịch xã Thượng Trạch, ông Đinh Cu cho biết từ năm 2022 theo chính sách của nhà nước, người dân không được chặt phá rừng làm nương rẫy. Diện tích trồng trọt bị thu hẹp, trong khi phương thức canh tác lạc hậu, sản lượng thấp nên đời sống bà con rất khó khăn.
Hiện nay, cuộc sống của người dân Aky chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ từ nhà nước. Trước Tết Ất Tỵ, bà con được nhận được một khoản tiền (từ 5-8 triệu đồng) vì đã tham gia bảo vệ rừng năm qua.
"Chúng tôi đang kêu gọi các chuyên gia kỹ thuật về nghiên cứu cây trồng, vật nuôi về giúp bà con Aky tìm hướng sinh kế bền vững", ông Đinh Cu cho biết.
Thời gian qua, diện tích trồng lúa và ngô kém năng suất đã được chuyển đổi sang trồng keo và phát triển chăn nuôi dê. Trưởng bản Đinh Tiếng cũng kỳ vọng sẽ nhận thêm sự hỗ trợ về con giống để họ có thể mở rộng chăn nuôi, cải thiện đời sống.
Điểm trường Aky chỉ có hai phòng học nhưng phục vụ cho 5 lớp. Lớp của cô Ngân dạy ghép học sinh lớp 1, 2 và 3, các em phải quay lưng vào nhau để nhìn lên hai chiếc bảng. Trong khi lớp thầy Trung dạy 4, 5 nên có một chiếc bảng phải chia đôi.
Cô Ngân tâm sự "dạy mấy chục đứa trẻ đồng bằng còn nhàn hơn một trẻ người Ma Coong ở Aky". Hôm nào các con tiếp thu bài tốt, cô ăn cơm cũng ngon miệng. Ngược lại những hôm các em chưa hiểu bài, cô lại trăn trở ngủ không yên. Trước kỳ thi học kỳ I, tối nào cô cũng cầm đèn pin đi từng nhà nhắc nhở học trò ôn bài. Với những em tiếp thu chậm, cô xin phép phụ huynh để các em đến trường học thêm vào buổi tối.
Hai tháng trước, niềm vui có điện đã đến với 10/18 bản của xã Thượng Trạch. Tương lai gần, điện cũng sẽ về với Aky.
"Nhưng có lẽ để thay đổi đời sống nơi đây, chỉ có ánh sáng của tri thức", cô giáo gần 30 năm cắm bản nói.
Quỹ Hy vọng đặt mục tiêu xây mới điểm trường Aky, xã Thượng Trạch, giúp học sinh và giáo viên ở đây có điều kiện dạy, học tốt hơn. Mỗi sự chung tay của quý độc giả là thêm một tia sáng gửi thế hệ tương lai. Quý độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.
Phan Dương