Thứ bảy, 1/2/2025
Thứ bảy, 21/1/2023, 08:00 (GMT+7)

Cuộc sống mưu sinh của người dân ven biển Tiền Giang

Phụ nữ cào nghêu ven biển còn những người đàn ông đánh bắt tôm, cá gần bờ hoặc ra khơi.

Với diện tích rừng phòng hộ ven biển lớn nhất tỉnh Tiền Giang, huyện Tân Phú Đông có tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Nhiều ngành nghề đánh bắt thuỷ hải sản như: câu, lờ, chài, lưới, vó, nò, cào, đáy… nuôi sống nhiều hộ gia đình trong khu vực.

Tân Phú Đông có tổng diện tích mặt nước biển gần 6.000 ha, trong đó vùng nghêu, sò sinh sống khoảng 1.300 ha. Khi nước rút, người dân cào nghêu ven rừng ngập mặn.

Một số người đi cào nghêu thuê. Đối với sân có mật độ thưa, mỗi người cào từ 10 đến 20 kg, tiền công cào nghêu từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng một kg, tùy thời điểm. Đối với sân có mật độ nghêu dày, mỗi người cào được từ 100 đến 200 kg, tiền công từ 1.000 đồng đến 3.000 đồng một kg tùy thời điểm.

Người đàn ông vác lưới đi đánh bắt tôm, cá gần bờ, một số giăng thuyền ra khơi.

Trước lúc bình minh, ngư dân chuẩn bị ra đẩy xiệp ở rừng phòng hộ ven biển.

Ngư dân đóng đáy để kéo những luồng tôm cá theo con nước chảy xiết chui vào bên trong miệng đáy. Công việc này đòi hỏi những người có kinh nghiệm đi biển, bơi lội giỏi, gan dạ, dám đương đầu với sóng to gió lớn và phải xa nhà. Họ tá túc trên những căn chòi nhỏ treo lơ lửng trên những cột đáy.

Sau những đợt ra khơi dài ngày trở về, lưới đánh bắt cá của ngư dân thường bị rách do vướng phải đá ngầm, san hô hoặc sợi cước bị mục vì sử dụng lâu ngày. Vì vậy, sau mỗi chuyến đi, các chủ tàu lại thuê thợ vá lại lưới để chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo.

Những người dân không có điều kiện vẫn cố gắng mua một chiếc thuyền nhỏ để đánh bắt ven sông, thu nhập có thể là hai triệu đồng hoặc 200.000 đồng một ngày. Cũng có ngày họ nghỉ vì thời tiết không thuận lợi.

Ngư dân đang thả lập xếp, luồn lách mọi khu vực để săn tôm, cá.

Ngư dân ven biển Tân Phú Đông, Tiền Giang mang thành phẩm bán cho các thương lái.

Hàu đá là một loại thủy sản được thiên nhiên ven biển Tân Phú Đông ban tặng. Người dân ở đây có thể đi bộ ra biển bắt hoặc dùng thuyền ra xa hơn. Một người lội bắt một ngày có thể bán được tối đa một triệu đồng. Dân không chuyên cũng lội bộ ra bắt về ăn hoặc để đãi khách.

Nơi giao thoa giữa biển và đất liền tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông tỉnh Tiền Giang. Những cánh rừng phòng hộ ven biển mang lại nguồn lợi thuỷ sản phong phú. Đối với người dân ven biển, rừng ngặp mặn còn là "dải đê xanh", góp phần ngăn chặn rủi ro thiên tai.

Ảnh: Phong Vũ

Mong muốn góp phần làm phong phú hệ thực vật ven biển, chương trình Tết An Bình 2023: Xanh an bình - xanh Việt Nam do Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) kết hợp cùng Trung tâm Truyền thông và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao tặng 10.000 cây đước và cây phi lao tại 3 ha khu rừng phòng hộ ven biển thuộc xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang).

Qua đó, Tết An Bình chia sẻ thông điệp tới bà con nơi đây và cộng đồng nói chung về việc nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường để phòng chống thiên tai, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động nhằm chung tay bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, từ đó, góp phần bảo vệ các hệ sinh thái bên trong khỏi thiên tai, tạo sự cân bằng môi trường và làm phong phú hơn nguồn lợi thuỷ hải sản - sinh kế của nhiều gia đình tại địa phương.

Theo ông Lê Thanh Đằng, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông, Tân Phú Đông là huyện chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, khu vực ven biển bị sạt lở nghiêm trọng, xâm ngập mặn vào mùa khô khiến sinh hoạt của bà con gặp nhiều khó khăn. Món quà Tết do Trung tâm Truyền Thông Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng ABBank mang tới không chỉ đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, ngăn chặn thiên tai, bão lũ mà còn góp phần tạo cảnh quan không gian xanh để đẩy mạnh du lịch sinh thái theo như kế hoạch phát triển kinh tế của huyện thời gian tới.