Sinh năm 1962 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, giỏi tiếng Pháp, Tiêu Dũng Đào lần đầu du lịch đến Việt Nam sát Tết âm lịch năm 2000.
Nhớ lại lúc đó, ông nhận thấy có rất ít người Trung Quốc đến Việt Nam. Đoàn của ông đi tham quan Hà Nội, Hải Phòng, Vịnh Hạ Long trong thời tiết rất dễ chịu so với mùa đông lạnh giá ở phía bắc Trung Quốc.
“Tôi nhớ mãi khi đang lang thang quanh Hồ Gươm thì gặp một ông cụ Việt Nam. Ông cụ nói tiếng Trung rất giỏi, hỏi ra mới biết, ông từng học tại Đại học Hàng Không Thường Xuân, quê nội tôi”, ông Tiêu kể. Thường Xuân là một thành phố ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc.
Sau đó, rất tình cờ, do biết tiếng Pháp, ở Việt Nam lúc đó nhiều người nói tiếng Pháp, nên Tiêu Dũng Đào được một công ty lắp ráp xe máy của Trung Quốc đầu tư ở Việt Nam đề nghị đến Việt Nam làm việc.
“Tôi và người vợ tên A Bình cũng quen biết nhau ở đây”, ông Tiêu kể.
Do công việc bận rộn, khi A Bình mang bầu con thứ hai, hai vợ chồng quyết định sinh con tại Việt Nam.
“Nhờ bạn bè giới thiệu, toàn bộ quá trình khám tiền sản, sinh nở, vợ tôi đều làm ở Bệnh viện Phụ sản trung ương”. Ông Tiêu nhớ lại hôm vợ sinh bé thứ hai năm 2008, năm đó rất nóng, các bác sĩ cho A Bình nằm buồng riêng, có điều hòa, nhà vệ sinh riêng, rất sạch sẽ.
“Bác sĩ Việt Nam giỏi quá, hơn cả bác sĩ Trung Quốc. Vợ tôi vào phòng chưa được 10 phút đã thấy y tá ra báo mẹ tròn con vuông rồi.”, ông Tiêu nói. "Tôi biết ơn các bác sĩ ở đây lắm lắm".
Tiêu sau đó nghỉ việc ở công ty lắp ráp xe máy, chuyển sang làm giám đốc một nhà máy đóng hộp nông sản ở Hải Dương. Vợ con ông vẫn ở Hà Nội, thuê người giúp việc giúp đỡ.
“Bảo mẫu Việt Nam rất yêu trẻ con, lại rất thật thà, chăm chỉ, giúp chúng tôi rất nhiều”, ông Tiêu nhận xét.
Con trai đi học mẫu giáo ở Việt Nam, A Bình bận công việc từ sáng đến tối, con gái ở nhà, một tay bà giúp việc chăm nom. “Ba bà cháu quý nhau, hai đứa trẻ lúc nói tiếng Việt, lúc nói tiếng Trung, không hiểu sao bà giúp việc hiểu hết”, ông Tiêu lắc đầu cười nói.
Vợ con ông về nước năm 2011 để con trai đi học tiểu học, lúc chia tay, “ba bà cháu cứ ôm nhau khóc”.
Năm 2010, ở Hà Nội có nhiều nhà hàng Trung Quốc, nhưng đều bán đồ Quảng Đông. Thèm ăn món lẩu cay tê lưỡi của Tứ Xuyên mà không nơi nào bán cả, ông quyết định mở nhà hàng, mời đầu bếp chuyên về món Tứ Xuyên ở Trung Quốc sang đứng bếp.
“Người Việt Nam rất thông minh. Tôi thuê mấy cháu làm phụ bếp, chỉ vài tháng là các cháu đã giao tiếp được với đầu bếp người Trung Quốc, mà trước đó chưa từng học qua tiếng Trung”, ông Tiêu thốt lên.
Khách đến quán ông có người Trung Quốc, người Hàn Quốc, Nhật Bản, người Mỹ, và đặc biệt, nhiều khách ruột là người Việt Nam, từng du học ở Tứ Xuyên, thường rủ nhau đến nhà hàng để thưởng thức món ăn “Tứ Xuyên chính thống, cay cay, tê tê”, gợi nhớ lại thời sinh viên đã qua.
Hồi tháng 5/2014, khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khách đến quán ăn vắng hẳn. "Kinh doanh ít nhiều bị ảnh hưởng”, ông cho biết.
Tuy nhiên, Tiêu Dũng Đào vẫn lạc quan, cố gắng duy trì nhà hàng, bởi lẽ “bạn bè Việt Nam động viên rất nhiều”. Mấy tháng nay, lượng khách dần đông trở lại.
So sánh giữa lối sống ở hai nước, Tiêu Dũng Đào cho biết hiện nay ở Trung Quốc, nhiều truyền thống bị mai một hoặc thương mại hóa trong khi Việt Nam vẫn duy trì bản sắc.
“Tôi rất thích sống tại Việt Nam. Khí hậu ấm áp, sản vật phong phú. Con người ở đây chăm chỉ và hiền hậu. Người Việt Nam vẫn duy trì tốt truyền thống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của mình”, ông nói.
Tiêu Dũng Đào chia sẻ ông kết bạn được với rất nhiều người Việt Nam tốt bụng. Ông hy vọng nhà hàng của mình sẽ trở thành nơi lui tới của bạn bè Trung Quốc và Việt Nam, là cầu nối giữa người Việt Nam và Trung Quốc.
Hồng Hạnh