Xuống Hà Nội được 3 năm, Sùng A Lự (quê Bảo Lâm, Cao Bằng) không còn là cậu bé "người rừng" tóc vàng hoe, đen đúa ngày nào. Mái tóc rất điệu, Lự bảo phải để dài một chút còn vuốt keo khi biểu diễn cùng các bạn. Cậu bé tham gia Dàn hợp xướng kỳ diệu, dự án âm nhạc miễn phí dành cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn.
Đều đặn chiều chủ nhật hàng tuần, Lự cùng Hương (15 tuổi) và Yến (6 tuổi) rời trung tâm nhân đạo trong ngõ Văn Chương (Hà Nội). Cả ba hăm hở leo lên xe đưa đón đi tập nhạc. Lự xung phong làm lớp trưởng của buổi học, thành thạo đứng lên bắt nhịp, điều chỉnh, ra hiệu lệnh cho cả lớp hòa ca.
Tham gia đêm nhạc "Điều kỳ diệu - Miracle" vào giữa tháng 6 vừa qua, Lự mặc áo trắng, quần âu, thắt nơ màu xanh trước ngực cất cao tiếng hát giữa sân khấu lấp lánh ánh đèn. Dấu vết của tuổi thơ cơ cực, sống như người rừng trong hang đá dường như không còn. Đêm nhạc có sự tham gia của nghệ sĩ piano Trang Trịnh, Park Sung Min và các dàn hợp xướng thiếu nhi với thông điệp lan tỏa yêu thương, ấp ủ hy vọng cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như Sùng A Lự.
Năm 2011, khi A Lự mới 7 tuổi, mẹ em bị lừa bán sang Trung Quốc. Bố của Lự, ông Sùng A Páo (hơn 60 tuổi), hàng ngày uống rượu, rồi bán cả nếp nhà tranh, mang hai đứa con nhỏ là A Lự, A Đại vào sống trong hang núi ở Mông Ân (Cao Bằng).
Hàng ngày, cha vào rừng đốn củi cho Lự mang đi bán. Đứa trẻ còm nhom, tay bám vào những mỏm đá tai mèo nhọn hoắt, gùi bó củi to gấp đôi người xuống thị trấn Pác Miều đổi lấy bát gạo, có khi là hai gói mì tôm về ăn qua bữa. Hôm nào không mang được mì về, Lự bị bố đánh.
Biết chuyện, thầy Trần Duyên Hải, Giám đốc Trung tâm nhân đạo Linh Quang, cùng cán bộ xã đến tận nơi, mất một tuần mới đưa được ba bố con về Hà Nội. Mới đặt chân đến thủ đô, cái gì cũng lạ lẫm với họ. Ban đầu, cả ba còn không biết ăn cơm bằng đũa, không biết đánh răng, giặt quần áo, phải hướng dẫn mãi mới quen.
Khi họ dần quen với cuộc sống mới, ông A Páo được giao việc để có tiền nuôi các con. Ông trở thành nhân viên chăm sóc cây cảnh cho một công ty ở tận Quảng Ninh. Chỉ được một thời gian, ông A Páo vốn quen với cuộc sống nơi núi rừng nên không chịu làm, đòi đưa hai con trở lại hang đá Mông Ân. Thầy Hải thuyết phục mãi, ông mới chịu để A Lự lại Hà Nội tiếp tục đi học, rồi bế cậu con út đi. Từ đó đến nay, chưa một lần ông A Páo quay trở lại thăm con.
"Nhiều đêm em nằm mơ thấy bố về đây. Em mừng quá, rửa bát xong vội vàng chạy xuống tầng 1 đón bố thì tỉnh giấc. Ước gì được ở với bố và em A Đại, nhưng em còn phải đi học. Em không sợ bị bố đánh đâu, lúc tỉnh rượu bố vẫn nấu cơm cho hai anh em ăn mà", A Lự kể. Cậu bé mơ ước sau này có tiền, được chở bố và em trai đi chơi trên chiếc xe máy mình tự mua, không phải leo bám trên những mỏm đá tai mèo nhọn hoắt nữa.
Ở lại Hà Nội, A Lự được học tiếng Kinh, học bảng chữ cái. Cậu bé người Mông chỉ bập bẹ nói được vài từ phổ thông do ngày trước thường xuống thị trấn đổi củi lấy gạo, mì tôm. Các anh chị ở đây lại phải dạy em học dần dần.
A Lự 9 tuổi mới bước vào lớp 1. Em được trường Tiểu học Văn Chương dạy miễn phí. Cậu bé thông minh nên học khá nhanh. Trong cuốn sổ liên lạc của em, cô giáo nhận xét: "Lực học khá, chăm học, chữ chưa đẹp cần cố gắng luyện viết thêm".
Lự cho hay, học tiếng Anh khó nhất trong tất cả các môn, còn khó hơn cả khi học tiếng Kinh. Hết năm lớp 2, Lự giành danh hiệu học sinh tiên tiến. Nghỉ hè hơn một tháng, cậu chỉ mong nhanh khai giảng năm học mới, được đến trường chơi với các bạn. Trên vai giờ không còn bó củi nặng, lại ăn uống đầy đủ, A Lự lớn nhanh, nặng 32 kg và cao 1,3 m.
Lự ở cùng tầng với các anh chị khuyết tật học nghề may. Rảnh rỗi, em lại ngồi xâu kim cho các chị khiếm thị. Cậu bé nhanh nhẹn còn học được cách thay chỉ, đạp máy may, vá mũ, áo chẳng kém các anh chị học nghề.
Thầy Hải dự định: "Để Lự học hết cấp 2 ở Hà Nội rồi chuyển cậu bé về học cấp 3 ở Cao Bằng. Khi đó, Lự sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi của nhà nước. Tôi muốn để em ấy qua những nhịp cầu vất vả này, cứng cáp hơn một chút nữa rồi tính tiếp". Ông cũng tính trở lại hang đá Mông Ân, xem cha con Sùng A Páo có quay trở về không với hy vọng mang A Đại về xuôi đi học tiếp.
Hoàng Phương