Video "Ba tôi là chiến sĩ hải quân" của 5 học sinh lớp 10A11, trường THPT Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên) giành giải nhì cuộc thi "Biển, đảo, tổ quốc và chiến sĩ Hải quân" do Trung ương Đoàn phối hợp Quân chủng Hải quân tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955).
Trong video, cậu bé có ba là bộ đội, đóng quân ở Trường Sa. Một lần được đi thăm đảo, cậu đã hiểu rõ hơn cuộc sống của người lính giữ đảo. Trong mắt người con, Trường Sa không còn là nơi nào đó thật xa xôi, hư ảo nữa mà hiện lên rõ ràng qua những đảo chìm, đảo nổi sừng sững giữa biển cả bao la.
Cuộc sống ở Trường Sa giản dị, gần gũi nhưng cũng đầy gian lao. Đó là hình ảnh chiến sĩ tăng gia sản xuất, rau xanh được trồng trong thùng gỗ, hộp xốp. Nhiều hôm trời nổi giông giữa đêm, lính đảo không kịp chuyển vào, vậy là sóng biển đánh dập nát hết rau. Khi nước ngọt thiếu thốn, chiến sĩ phải tắm nước biển rồi ngồi vào chậu như con nít để tắm tráng lại lấy nước tưới rau, gọi là "tắm trẻ em".
"Trong trí óc non nớt và giàu trí tưởng tượng của tôi ngày trước có những hình dung thật ngây thơ về cuộc sống của người lính nơi đảo xa. Giờ tôi mới hiểu, mới biết, những người lính canh biển tuổi còn trẻ nhưng có ý chí kiên cường. Sóng gió Trường Sa đã tôi luyện nên những con người dám hy sinh, dám cống hiến ở những nơi cách xa tiện nghi đủ đầy trên đất liền, xa quê hương và cả gia đình", cậu bé trong video tâm sự.
Nội dung video được mô phỏng từ chính chuyện thực của cậu học trò Nguyễn Thành Công, thành viên trong nhóm. Công có bố là bộ đội từng ra Trường Sa vài lần. Cậu hiểu về sự vất vả, không có thời gian dành cho gia đình của những người lính. Từ cảm xúc và câu chuyện của chính mình, Công rủ 4 bạn học là Đỗ Hoàng Anh, Trịnh Thu Hương, Ngô Thúy Lan, Nguyễn Thị Minh Anh lên ý tưởng xây dựng video về chiến sĩ hải quân.
Công kể, thời gian tham gia cuộc thi trùng với lúc chuẩn bị phải thi học kỳ nên khá bận rộn. Cả nhóm phải tranh thủ buổi trưa sau khi tan học hoặc buổi tối trước giờ học bài để làm quay, dựng. Ban đầu, video được quay bằng điện thoại, song chất lượng hình ảnh kém nên đành phải bỏ đi và làm lại từ đầu. Sau đó, thành viên trong nhóm mượn được một chiếc máy ảnh bán chuyên nên Công và Hoàng Anh chịu trách nhiệm quay phim và dựng hình. Lan và Minh Anh xây dựng kịch bản còn Thu Hương phác họa hình vẽ bằng bút dạ trên bảng mica.
"Cả nhóm chưa ai được đến Trường Sa, nên những hình ảnh, tư liệu đều phải tham khảo từ sách báo, nghe chuyện kể của bố, góp ý từ thầy cô", Công cho biết. Quay xong, dựng hình, làm hậu kỳ đều do các em tự mày mò. Làm việc cật lực trong một tuần, cả nhóm hoàn thành video và gửi đi thi.
Vượt qua hơn 2,2 triệu bài dự thi khắp cả nước, "Ba tôi là chiến sĩ hải quân" đạt giải nhì cuộc thi. Cả nhóm đều bất ngờ nhưng vui vì đó là thành quả của nhiều ngày bận rộn. Công cho rằng, đây cũng là cách học lịch sử, địa lý nhanh nhất đối với học sinh. Cả 5 em đều hy vọng sau này sẽ có cơ hội được đến với Trường Sa.
Cô Thân Thị Lan, giáo viên chủ nhiệm của các em cho biết, rất bất ngờ khi xem được video học trò mình làm. "Qua nét vẽ ngộ nghĩnh của các em, hình ảnh Trường Sa hiện lên rất giản dị, gần gũi qua từng hình vẽ, có thể cảm nhận được tình cảm của các em dành cho các chiến sĩ hải quân, cho biển đảo dù chưa một lần được đến Trường Sa", cô Lan chia sẻ.
Hoàng Phương