Đó là kết luận của tiến sĩ tâm lý Perpetua Neo (Anh). Theo bà Neo, bất cứ ai cũng phải trải qua thất bại. Ví dụ, một thợ may trước khi đạt đến trình độ sửa quần áo trong chốc lát chắc chắn đã trải qua quá trình luyện tập và mắc lỗi lâu dài.
"Nhìn những người thành công, bạn chỉ thấy bề ngoài của họ. Chẳng ai hiểu được những thất bại đã mài giũa họ", tiến sĩ Noe nói.
Trí tuệ thực sự đến từ những trải nghiệm chứ không phải sách vở. Hãy nhìn vào cuộc sống của mình, bạn đã học được thứ gì? Bạn tự hào về bản thân ở điểm nào? Bạn đã trưởng thành ra sao? Bạn sẽ nói gì với bản thân mình ngày trước? Nếu chưa từng thất bại, bạn khó lòng trả lời những câu hỏi này. Phải thất bại, bạn mới biết thúc đẩy bản thân trong những thời điểm đen tối và mất động lực, để từ đó đi đến thành công.
Ai cũng có những điều không tốt và từng đưa ra quyết định sai lầm. Vấn đề ở chỗ, kiên quyết che giấu và vờ như thất bại không tồn tại không giúp bạn trở nên tốt hơn mà chỉ gây khó chịu, bực tức.
Biết trân trọng thất bại, bạn sẽ thoải mái hơn với chính mình và đi gần đến cái đích mong muốn. Theo Neo, có hai cách để bạn làm điều này.
Đầu tiên, hãy học cách chấp nhận bản thân.
Khi bắt đầu công việc nào đó, hãy tự hỏi: "Mình có thực sự muốn cố gắng không". Nếu câu trả lời là "không", hãy thừa nhận mình không tài giỏi ở lĩnh vực đó và cần sự giúp đỡ. Chẳng có vấn đề gì khi bạn kém phương hướng hay không có khả năng sáng tạo nghệ thuật. Nếu coi điểm yếu của mình là điều đáng xấu hổ, chúng ta sẽ mãi chìm trong thất bại.
"Người mà bạn cho là sở hữu cuộc sống hoàn hảo cũng có nhiều thứ không biết", Neo nói.
Thứ hai, hãy hiểu rằng mình cần phải hành động.
Cuộc sống sẽ không kết thúc nếu bạn không biết đỗ xe ôtô. Tuy nhiên, nếu thất bại liên tiếp khiến bạn phiền lòng, hãy làm gì đó để thay đổi.
Thực tế, thất bại có thể giúp bạn đơn giản hóa cuộc sống. Nó cho bạn biết mình giỏi và không giỏi cái gì, từ đó bỏ đi những thứ không phù hợp.
Sức mạnh thực sự đến từ việc bạn nhận ra mọi thứ đều là một bài học. Khi một chuyện gì đó xảy ra, hãy chấp nhận kết quả, phân tích và hành động.
Minh Trang (Theo Business Insider)