Thung lũng Bavona hẻo lánh nằm ở vùng Ticino, miền nam Thụy Sĩ, là một trong những nơi có địa hình dốc nhất trên dãy Alps. Những căn nhà xây bằng đá nằm rải rác dọc thung lũng là nơi sinh sống của vài chục cư dân trong phần lớn thời gian trừ mùa đông, thời điểm chưa tới 10 người ở lại.
Cuộc sống không điện ở thung lũng Bavona. Video: AFP
11 trong 12 làng ở thung lũng Bavona không hòa lưới điện, dù khu vực này có nhiều đập thủy điện trên đỉnh núi. Romano Dado, cựu ủy viên hội đồng địa phương ở làng Cevio, cho hay các đập thủy điện này được xây sau Thế chiến II, nhằm cấp điện cho khu vực phía nam dãy Alps.
Để đưa điện xuống thung lũng cần xây trạm biến áp, nhưng "người dân ở đây không có tiền làm điều đó", ông nói. "Chỉ có làng duy nhất nằm trên đỉnh thung lũng mới có tiền xây được thứ xa xỉ đó".
Nhiều thập kỷ trôi qua, dân số của thung lũng đã giảm từ 500 xuống dưới 50 người và cư dân cũng học được cách sống mà không cần điện lưới. Họ dùng bếp củi, lắp pin mặt trời lên mái nhà từ đầu những năm 1980. Cư dân đun nấu bằng bếp gas, thắp sáng bằng nến và đèn dầu.
"Chúng tôi ra bờ sông giặt quần áo", Tiziano Dado, em trai Romano, nói.
Thung lũng Bavona dài khoảng 10 km, hai bên là sườn núi cao tới 2.500 m, nhiều thập kỷ nay vẫn chứng kiến các trận lở tuyết, lũ quét và lở đất. Trước những năm 1970, người dân ở đây vẫn có tập tục chuyển tới sống ở vùng thảo nguyên vào mùa hè.
Sonia Fornera, chuyên gia của Orizzonti Alpini, nhóm nghiên cứu về lịch sử văn hóa trên dãy Alps, cho biết các hộ gia đình ở đây thường đưa gia súc tới thảo nguyên chăn thả từ tháng 3 và chỉ trở về vào dịp Giáng sinh.
"Cuộc sống vất vả nhưng giản dị", Bice Tonini, 88 tuổi, nói bên lò sưởi đốt củi trong nhà.
Dù tuổi đã cao, bà vẫn tiếp tục sống ở đây từ mùa xuân tới tháng 10 nhờ pin mặt trời. "Xã hội hiện đại bây giờ lãng phí quá nhiều điện", bà than thở. Ban đêm, bà thoải mái ngắm sao trời do không bị ô nhiễm ánh sáng từ đèn đường.
"Chúng tôi quen sống giản dị, cũng không ngần ngại tiết kiệm năng lượng", Ivo Dado, 81 tuổi, tự hào vì mình đã lắp đặt pin năng lượng mặt trời từ năm 1987.
Ông vui vì một số thành phố đã quyết định bỏ lễ hội ánh sáng truyền thống vào tháng 12 năm nay. "Giáng sinh năm nay sẽ giống như ngày xưa, ít ánh sáng hơn. Giáng sinh năm nay sẽ đẹp như xưa", ông nói.

Khách du lịch tắm nắng, đọc sách ven suối trong thung lũng Bavona ngày 20/9. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có quan điểm giống ông. Martino Giovanettina, nhà văn, chủ một trong số ít nhà hàng ở thung lũng, bày tỏ "pin mặt trời chỉ là một phần giải pháp".
"Thiếu điện, cùng quy định nghiêm ngặt về cải tạo nhà cũ, đang góp phần khiến dân số thung lũng sụt giảm, biến nơi đây thành một bảo tàng ngoài trời về quá khứ, thay vì hướng đến du lịch như thung lũng bên cạnh đã làm", ông nói.
Thung lũng Bavona không có nhiều tiện ích dành cho khách du lịch, ngoài cáp treo từ làng cuối cùng lên đập trên đỉnh núi, các căn nhà di động cũng bị cấm đỗ tại đây.
Doris Femminis, người đoạt giải Văn học Thụy Sĩ năm 2020, lớn lên ở thung lũng và chăn dê ở đây suốt những năm 20 tuổi, đã kể lại câu chuyện về thung lũng trong tác phẩm của mình.
Femminis đang sống ở vùng núi Jura, miền tây Thụy Sĩ và cứ hai tháng một lần lại "quay về nơi thơ ấu tuyệt vời này".
"Ở Thụy Sĩ, chúng tôi thích vẫn có nơi dành riêng cho thiên nhiên hoang dã", Femminis nói, nhưng thừa nhận những nơi như vậy không thích hợp với cuộc sống hiện đại. "Đó là nơi hoài cổ. Không còn ai muốn sống ở đó nữa, chỉ còn là giấc mơ".
Hồng Hạnh (Theo AFP)